Bản tin Covid-19 ngày 30.4: Kỳ nghỉ lễ không còn nhiều âu lo vì dịch bệnh
Bản tin Covid-19 ngày 30.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 30.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 5.109 ca Covid-19, 16.727 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 30.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 29.4 đến 16h ngày 30.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.109 ca nhiễm mới, 23.465 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 3 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.041 ca.
Ngày 30.4: Cả nước 5.109 ca Covid-19, 16.727 ca khỏi | Hà Nội 837 ca | TP.HCM 71 ca |
Thông tin về 5.109 ca nhiễm mới như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 5.109 ca ghi nhận trong nước (giảm 959 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố. Gồm: Hà Nội (837), Phú Thọ (379), Yên Bái (250), Nghệ An (245), Quảng Ninh (209), Lào Cai (202), Thái Bình (183), Tuyên Quang (180), Bắc Ninh (174), Nam Định (163), Hưng Yên (163), Thái Nguyên (159), Bắc Kạn (150), Vĩnh Phúc (150), Gia Lai (144), Quảng Bình (114), Ninh Bình (97), Lâm Đồng (95), Hà Tĩnh (86), Hải Dương (77), Sơn La (76), TP.HCM (71), Lai Châu (68), Cao Bằng (68), Bắc Giang (67), Bà Rịa - Vũng Tàu (62), Hà Nam (60), Hà Giang (57), Lạng Sơn (49), Thanh Hóa (47), Đắk Nông (45), Vĩnh Long (35), Bình Phước (34), Điện Biên (31), Đà Nẵng (30), Quảng Trị (28), Bình Định (25), Tây Ninh (25), Hòa Bình (22), Bình Dương (18), Quảng Ngãi (17), Phú Yên (17), Thừa Thiên-Huế (16), Bến Tre (16), Hải Phòng (12), Quảng Nam (11), An Giang (8 ), Cà Mau (8), Khánh Hòa (6), Long An (4), Đồng Tháp (4), Kiên Giang (4), Đồng Nai (3), Hậu Giang (3), Bạc Liêu (3), Trà Vinh (2).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 7.280 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.649.809 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.648 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.642.060 ca, trong đó có 9.259.438 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.586.134), TP.HCM (608.408), Nghệ An (481.516), Bắc Giang (385.223), Bình Dương (383.398).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 16.727 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.262.255 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 475 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 376 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 50 ca
- Thở máy không xâm lấn: 11 ca
- Thở máy xâm lấn: 36 ca
- ECMO: 2 ca
Từ 17h30 ngày 29.4 đến 17h30 ngày 30.4 ghi nhận 3 ca tử vong tại: Bình Thuận (2), Kiên Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 5 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.041 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 39.497.204 mẫu tương đương 85.798.077 lượt người.
Trong ngày 29.4 có 241.434 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 214.774.198 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 195.944.846 liều: Mũi 1 là 71.457.483 liều; Mũi 2 là 68.638.476 liều; Mũi 3 là 1.505.935 liều; Mũi bổ sung là 15.305.712 liều; Mũi nhắc lại là 39.037.240 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.372.711 liều: Mũi 1 là 8.906.086 liều; Mũi 2 là 8.466.625 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.456.641 liều (mũi 1).
TP.HCM chỉ còn điều trị hơn 4.000 ca Covid-19
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 29.4.2022, TP.HCM có 95 ca mắc Covid-19, bao gồm 31 ca phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, 64 ca phát hiện tại cộng đồng. Số ca nghi ngờ (do người dân tự test nhanh dương tính, chưa đủ điều kiện khẳng định là ca bệnh) là 69 ca.
TP.HCM chỉ còn điều trị hơn 4.000 ca Covid-19 |
Đến hết ngày 29.4, Bộ Y tế công bố tại TP.HCM có tổng số ca mắc Covid-19 là gần 610.000 ca.
Cũng trong ngày 29.4, TP.HCM có 22 ca mắc Covid-19 nhập viện. Hiện tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện chỉ còn 317 ca (trong đó có 262 ca điều trị ở tầng 2, 55 ca điều trị ở tầng 3). Trong số này, có 79 ca được hỗ trợ hô hấp;19 ca thở máy xâm lấn; 19 trẻ em dưới 16 tuổi và 1 ca là phụ nữ mang thai.
Trong ngày 29.4, TP.HCM có 1 ca đang cách ly tập trung và 3.954 ca đang cách ly tại nhà.
Ngày 29.4 là ngày thứ 22 TP.HCM không có ca mắc Covid-19 tử vong. Tính đến nay, tổng số bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tử vong là gần 20.500 ca.
Tính đến hết ngày 29.4, TP.HCM đã tiêm được khoảng 20,6 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, trẻ em từ 5 đến 12 tuổi đã tiêm được hơn 232.000 liều.
Phà Cát Lái quá tải, dòng xe kéo dài gần 4 km trong ngày nghỉ lễ
Sáng 30.4.2022, ngày đầu trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM và các tỉnh thành miền Tây đổ về Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu khiến giao thông trên đường Nguyễn Thị Định (phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức) dẫn vào Bến phà Cát Lái bị ùn ứ nghiêm trọng.
Phà Cát Lái quá tải, dòng xe kéo dài gần 4 km trong ngày nghỉ lễ |
Từ khoảng 7 giờ sáng, nhiều xe ô tô bắt đầu tập trung đông trên đường Nguyễn Thị Địn; càng về trưa, lượng xe đổ về khu vực này càng nhiều. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, đoàn xe rồng rắn đã kéo dài gần 4 km từ nút giao với đường Võ Chí Công đến bến phà.
Hàng ngàn ô tô, xe container, xe máy… chen nhau nhích từng chút một.
Kẹt xe quá lâu khiến nhiều người phải ngao ngán. Một số vì nóng ruột nên phải tắt máy, xuống đường quan sát tình hình.
Không riêng ô tô, làn đường dành cho xe máy cũng đông nghẹt khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều người buộc phải chạy vào làn ô tô hoặc đi ngược chiều để rút ngắn thời gian.
Gần 10 nhân viên đã chia thành nhiều nhóm, đứng tràn ra đường để bán vé cho khách nhằm giãn dòng xe, hạn chế ùn ứ ở đoạn đầu dẫn xuống phà Cát Lái.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn (Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh Niên Xung Phong - Đơn vị Quản lý bến phà Cát Lái), từ chiều 29.4, lượng xe đổ về hai đầu bến phà rất đông, với khoảng 68.000 lượt khách qua phà. Đến 23 giờ cùng ngày, tình hình mới bắt đầu thông thoáng trở lại.
Kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 sẽ kéo dài 4 ngày, từ ngày 30.4.2022 - 2.5.2022. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở một số nơi sẽ có mưa dông nguy hiểm. Người dân cần đề phòng có mưa đá, lốc, sét, gió giật mạnh.
Trước đó, vào chiều tối 29.4, mưa to cộng với kẹt xe kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc di chuyển về quê của người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Bãi biển Vũng Tàu nhộn nhịp, nhiều người vượt ngàn km tới để nghỉ lễ
Dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5.2022, hàng ngàn người đã tới thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để vui chơi, nghỉ dưỡng.
Bãi biển Vũng Tàu nhộn nhịp, nhiều người vượt ngàn km tới để nghỉ lễ |
Bên cạnh du khách ở các tỉnh khu vực phía Nam và các tỉnh lân cận như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì nhiều người cũng tới từ các tỉnh ở phía Bắc.
Tranh thủ được kỳ nghỉ lễ tương đối dài ngày nên gia đình chị Hoàng Thị Huệ, ở Thanh Hóa đã quyết định vào Vũng Tàu để du lịch. Để có thể tới Vũng Tàu, chị phải đi máy bay từ quê vào TP.HCM. Sau đó bắt thêm một chuyến xe nữa để về Vũng Tàu. Tổng quảng đường lên tới hơn 1.500 km. Mặc dù vậy, cả gia đình đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
Những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn ở đây cho biết lượng khách trong ngày 30.4 đông hơn những ngày cuối tuần. Mặc dù vậy, vẫn ít hơn so với cùng thời điểm những năm trước. Mặc dù vậy, họ cũng phải liên tục nhắc nhở để du khách lưu ý an toàn khi tắm biển.
Bên cạnh đó, do lượng khách tương đối đông nên nhiều trường hợp đã bị lạc mất con. Vì vậy, lực lượng cứu hộ cũng phải hỗ trợ và nhắc nhở các gia đình chú ý trong chừng các em nhỏ.
Sẽ tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 cho nhóm đối tượng nào?
Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4.
Sẽ tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng nào? |
Công văn do GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ký có nêu ngày 25.4, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vắc xin, trong đó có tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4. Trong đó, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp).
Vắc xin sử dụng tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do Astra Zeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3.
Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 cần trì hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc Covid-19.
Hội đồng cũng đề nghị Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương rà soát, cập nhật thông tin về mũi 4 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 gửi Bộ Y tế.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của hội đồng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 4, hoàn thành trong ngày 30.4.
Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết mũi 4 vắc xin Covid-19 là mũi tiêm tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) và liều nhắc lại (mũi 3).
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung (đủ 3 mũi) thì được coi là hoàn thành liều cơ bản. Như vậy, với những người này, liều nhắc lại là mũi 4.
Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ định.
Bộ Y tế bảo đảm cung ứng đủ vắc xin, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.
Có cần điều trị rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19 không?
Thông tin từ bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), định nghĩa hội chứng hậu Covid-19 là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Có cần điều trị rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19 không? |
Tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc cũng như chất lượng sống của người bệnh, và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong đó có tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19 ở chị em phụ nữ.
Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19
Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu Covid-19. Ngày càng có nhiều phụ nữ báo cáo rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của họ. Chu kỳ kinh nguyệt không đều và các vấn đề về kinh nguyệt có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hậu Covid-19 và gây ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống sinh sản của phụ nữ.
Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19 có các biểu hiện như chu kỳ kinh nguyệt không đều, kéo dài, rong kinh, hoặc trễ kinh, không có kinh. Bất thường về tính chất máu kinh, như xuất hiện cục máu đông bất thường trong dịch tiết kinh nguyệt của họ.
Hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn nhue dễ bị kích thích, lo lắng, kích động, tức giận, mất ngủ, khó tập trung, lơ mơ, trầm cảm, đau đầu, chóng mặt, bức bối của các chi, ngất, đánh trống ngực, táo bón, buồn nôn, nôn,… và mệt mỏi nhiều hơn.
Nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19
Mất cân bằng nồng độ của các nội tiết tố sinh dục như estrogen và progesterone, mặt khác vi rút SARS-COV-2 gây rối loạn đông máu từ đó ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Kèm theo đó là tâm lý lo lắng, căng thẳng, những áp lực bên ngoài tác động trong và sau Covid-19 tác động đến chu kỳ kinh.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý nền trước đó (tăng huyết áp, đái tháo đường…) cũng góp phần ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Có cần điều trị không?
Theo nghiên cứu, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở lại bình thường sau 1-2 chu kỳ. Tuy nhiên, người bệnh có chu kỳ kinh nguyệt thay đổi kéo dài cần phải loại trừ các bệnh lý sản phụ khoa hay nguyên nhân khác trước khi nghĩ đến do ảnh hưởng của vi rút SARS-COV-2.
Các bệnh lý thường gặp gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt gồm: bệnh lý tử cung như u xơ hay polyp, rối loạn cân bằng nội tiết tố nữ, lạc nội mạc tử cung, bệnh lý gây viêm nhiễm vùng chậu, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư tử cung hay cổ tử cung, một số bệnh lý khác như bệnh tuyến giáp, rối loạn chức năng tuyến yên…
Biện pháp cải thiện
Người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên đặc biệt là các bài tập thư giãn như thiền, yoga… Giữ tâm lý thật thoải mái, suy nghĩ tích cực. Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, và các chất kích thích khác.
Quan điểm y học cổ truyền về rối loạn kinh nguyệt được mô tả trong các chứng kinh trễ, kinh loạn, bế kinh, thống kinh... Theo y học cổ truyền, kinh nguyệt của người phụ nữ liên quan mật thiết với ngũ tạng, bào cung và hai mạch xung, nhâm. Vì vậy khí huyết mạch xung - nhâm và bào cung mất điều hòa hay chức năng của các tạng rối loạn đều có thể tác động đến nguyệt sự của người phụ nữ.
Ngoài các bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh, có công dụng: bổ huyết, điều khí lý huyết, bổ hư…, y học cổ truyền còn phối hợp với các phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, nhĩ châm, cấy chỉ, xoa bóp, dưỡng sinh… vừa an toàn vừa mang lại hiệu quả lâu dài cho người bệnh.
Trung Quốc tìm cách ‘chạy nước rút’ với Covid-19
Hôm 29.4.2022, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cảnh báo người dân hãy chuẩn bị tinh thần cho các cuộc xét nghiệm trên diện rộng và mở rộng phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19 do biến thể Omicron.
Trung Quốc tìm cách ‘chạy nước rút’ với Covid-19, mở rộng xét nghiệm và phong tỏa |
GS-TS Lương Vạn Niên, người đứng đầu đội chuyên trách ứng phó dịch Covid-19 của NHC, cho biết Trung Quốc đang cố gắng “chạy nước rút” với đại dịch. Ông Lương Vạn Niên nhấn mạnh thêm rằng giới hữu trách sẽ tổ chức xét nghiệm thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ bùng dịch.
Báo The Straits Times ngày 29.4 dẫn lời ông LƯƠNG VẠN NIÊN: “Nếu chúng ta phát hiện ca bệnh sớm, cách ly và điều tra, chúng ta sẽ ngăn chặn và kiểm soát dịch tốt hơn. Nếu dịch lan nhanh, chúng ta phải hành động thật nhanh chóng nếu muốn thắng cuộc chạy đua với thời gian”.
Hiện Trung Quốc đối mặt đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi ca đầu tiên phát hiện ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Sau Thượng Hải, đến lượt Bắc Kinh đang căng mình chống dịch. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "zero-Covid", tức sử dụng các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm đại trà và hạn chế đi lại để khống chế dịch bệnh.
Ngày 29.4, thủ đô Trung Quốc ra lệnh đóng cửa thêm nhiều công ty và tòa nhà dân cư. Giới hữu trách đang đẩy nhanh nỗ lực phát hiện và truy vết ca Covid-19 tại thành phố thủ đô.
Một ngày trước, thành phố Quảng Châu hủy hàng trăm chuyến bay và bắt đầu xét nghiệm 5,6 triệu người sau khi ghi nhận một ca Covid-19.
Theo một thống kê, hiện có khoảng 46 thành phố của Trung Quốc đang trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn, gây ảnh hưởng cuộc sống của 343 triệu người.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 30.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)