Bản tin Covid-19 ngày 29.4: Cảnh báo dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường
Bản tin Covid-19 ngày 29.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 29.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 6.068 ca Covid-19, 3.225 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 29.4 cho biết tính từ 16h ngày 28.4 đến 16h ngày 29.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 6.068 ca nhiễm mới, 3.225 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 1 ca tử vong tại Bắc Kạn nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.038 ca.
Ngày 29.4: Cả nước 6.068 ca Covid-19, 3.225 ca khỏi | Hà Nội 843 ca | TP.HCM 95 ca |
Thông tin về 6.068 ca nhiễm mới như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 6.068 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.048 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 4.592 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (843), Phú Thọ (386), Gia Lai (341), Yên Bái (280), Nghệ An (262), Hải Dương (230), Lào Cai (226), Tuyên Quang (224), Vĩnh Phúc (214), Thái Bình (206), Quảng Ninh (204), Thái Nguyên (186), Bắc Kạn (174), Hưng Yên (168), Nam Định (150), Quảng Bình (128), Bắc Ninh (112), Sơn La (111), Đà Nẵng (99), Hà Tĩnh (97), Lâm Đồng (95), TP.HCM (95), Cao Bằng (90), Hà Giang (88), Lai Châu (83), Hà Nam (72), Lạng Sơn (66), Ninh Bình (66), Quảng Trị (64), Điện Biên (62), Bình Phước (58), Thanh Hóa (54), Bắc Giang (53), Bình Định (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (47), Hải Phòng (45), Hòa Bình (42), Đắk Nông (38), Bình Thuận (36), Tây Ninh (34), Bến Tre (28), Bình Dương (20), Quảng Ngãi (20), Cà Mau (19), Vĩnh Long (16), Phú Yên (14), Quảng Nam (12), Khánh Hòa (12), Long An (11), Thừa Thiên Huế (7), Kiên Giang (7), An Giang (6), Ninh Thuận (5), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (4), Trà Vinh (4), Đồng Tháp (1), Cần Thơ (1), Hậu Giang (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-214), Vĩnh Phúc (-204), Phú Thọ (-89).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+341), Sơn La (+30), Đà Nẵng (+19).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.030 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.644.700 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.597 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.636.951 ca, trong đó có 9.242.711 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.585.297), TP.HCM (608.337), Nghệ An (481.271), Bắc Giang (385.156), Bình Dương (383.380).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 3.225 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.245.528 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 594 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 462 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 62 ca
- Thở máy không xâm lấn: 15 ca
- Thở máy xâm lấn: 53 ca
- ECMO: 2 ca
Từ 17h30 ngày 28.4 đến 17h30 ngày 29.4 ghi nhận 1 ca tử vong tại Bắc Kạn.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 6 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.038 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.496.313 mẫu tương đương 85.796.776 lượt người.
Trong ngày 28.4 có 887.474 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 214.532.764 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 195.799.620 liều: Mũi 1 là 71.456.157 liều; Mũi 2 là 68.634.352 liều; Mũi 3 là 1.505.910 liều; Mũi bổ sung là 15.303.828 liều; Mũi nhắc lại là 38.899.373 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.367.037 liều: Mũi 1 là 8.903.471 liều; Mũi 2 là 8.463.566 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.366.107 liều (mũi 1).
Nhiều lĩnh vực khởi sắc, đạt mức tốt hơn trước đại dịch
Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 4 diễn ra vào sáng 29.4.2022, hầu hết các lĩnh vực tiếp tục khởi sắc, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch Covid-19.
Nhiều lĩnh vực khởi sắc, đạt mức tốt hơn trước đại dịch Covid-19 |
Nhắc lại đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4.2021 trong dịp nghỉ lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, trong bối cảnh Việt Nam có độ bao phủ vắc xin lớn nhưng độ mở cửa cũng rất lớn. Trong nước, tuy dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhưng nguy cơ do có thể xuất hiện những biến chủng mới trên thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của quý I, tình hình tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư; nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2017-2022); các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch Covid-19). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736.400 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 4 khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, khách quốc tế tháng 4 gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, 4 tháng tăng 184,7%.
Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 tăng 6,6% so cùng kỳ; 4 tháng đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%.
Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 nghìn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…
Công tác an sinh xã hội, các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các chính sách hỗ trợ người dân thiếu đói giáp hạt tiếp tục được thực hiện. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước được phục hồi trở lại. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường
Theo thông tin từ Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh trong hơn 30 ngày qua.
Bộ Y tế: dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường |
Trong đó, số ca mắc trong ngày giảm hơn 20 lần, giai đoạn cao điểm vào giữa tháng 3 khi có ngày cao điểm ghi nhận tới 175.000 ca mắc trong ngày giảm xuống còn khoảng 8.000 ca mắc trong ngày hiện nay, thấp nhất trong hơn 5 tháng qua khi biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta.
Giảm hơn 5 lần số ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại bệnh viện, từ hơn 3.300 ca xuống còn hơn 600 ca nặng đang điều trị. Giảm hơn 10 lần số ca tử vong, từ hơn 60 ca mỗi ngày xuống còn hơn 5 ca mỗi ngày, thấp nhất trong 10 tháng qua.
Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38 về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;
Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Ngày thứ 21 TP.HCM không có ca Covid-19 tử vong
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 28.4.2022 là ngày thứ 21 liên tục TP.HCM không có ca mắc Covid-19 tử vong.
Ngày thứ 21 TP.HCM không có ca Covid-19 tử vong |
Trong ngày 28.4, TP.HCM có 82 ca mắc Covid-19, trong đó 8 ca phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, 74 ca phát hiện tại cộng đồng.
Từ ngày 21.4 đến nay, số ca mắc mới dưới 100. Tổng số ca cộng dồn do Bộ Y tế công bố tại TP.HCM là gần 610.000 ca. Cũng trong ngày 28.4, TP.HCM chỉ có 29 ca mắc Covid-19 nhập viện, tổng số ca nằm viện hiện tại chỉ còn 365 ca. Trong đó 99 ca có hỗ trợ hô hấp và 19 ca thở máy xâm lấn. Chỉ còn 1 ca cách ly tập trung và 4.191 ca cách ly tại nhà. Như vậy, hiện TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị cho 4.557 ca.
Liên quan việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, sau hơn 10 ngày, TP.HCM đã tiêm được hơn 210.000 liều vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi. Như vậy, đến nay, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 20,6 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ em và người trưởng thành.
Hàng rong "dàn trận" ngay trong tối đầu tiên cầu Thủ Thiêm 2 thông xe
Niềm vui thông xe cầu Thủ Thiêm 2 râm ran từ chiều cho đến tận tối khuya 28.4.2022, khi rất đông người dân, bạn trẻ đổ về cây cầu này chiêm ngưỡng, ngắm cảnh và hóng gió.
Hàng rong "dàn trận" ngay trong tối đầu tiên cầu Thủ Thiêm 2 thông xe |
Với cây cầu mới này, chặng đường từ trung tâm quận 1 qua khu đô thị mới Thủ Thiêm (thuộc Thủ Đức, TP.HCM) chưa bao giờ gần đến thế. Và có những dịch vụ cũng nhanh chóng xuất hiện trên cây cầu mới khánh thành.
Tối 28.4, xe máy đỗ kín hai bên đường trên cầu để chụp ảnh, hóng gió.
Nắm bắt tâm lý này, nhiều xe hàng rong bán cá viên chiên, nước giải khát đã lập tức đẩy hàng lên giữa cầu, bày nhiều ghế nhựa trên vỉa hè - khu vực đi bộ trên cầu để bán buôn.
Người dân buộc phải nhường chỗ cho những đoạn cầu có xe bán hàng rong.
Theo quan sát thì lượng khách ngồi tại các quán tạm này không nhiều.
Gần đó, trên cầu Thủ Thiêm 1, lực lượng chức năng thường xuyên đi nhắc nhở người dân không đỗ xe hai bên lòng cầu để ngắm cảnh, hóng gió. Tình trạng bán hàng rong không thấy xuất hiện.
Cầu Thủ Thiêm 2 là cây cầu mới khánh thành sáng 28.4 và chính thức thông xe vào chiều cùng ngày. Đây là câu cầu hiện đại, có chiều dài hơn 1,4 km, rộng 6 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 3.100 tỉ đồng.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 29.4 của Báo
Thanh Niên.
Bình luận (0)