Bản tin Covid-19 ngày 23.4: Cả nước hơn 10,5 triệu ca | Dịch bệnh đang giảm cả 4 tiêu chí

23/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 23.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 23.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 10.365 ca Covid-19, 2.229 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 23.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 22.4 đến 16h ngày 23.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.365 ca nhiễm mới.

Có 2.229 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 6 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.004 ca.

Ngày 23.4: Cả nước 10.365 ca Covid-19, 2.229 ca khỏi | Hà Nội 978 ca | TP.HCM 76 ca

Thông tin về 10.365 ca nhiễm mới như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 10.365 ca ghi nhận trong nước (giảm 795 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.412 ca trong cộng đồng).
  • Gồm: Hà Nội (978), Phú Thọ (753), Bắc Giang (556), Quảng Ninh (538), Nghệ An (456), Yên Bái (440), Vĩnh Phúc (397), Tuyên Quang (338), Lào Cai (334), Gia Lai (318), Đắk Lắk (318), Thái Nguyên (314), Thái Bình (276), Quảng Bình (271), Bắc Kạn (266), Hải Dương (257), Bà Rịa - Vũng Tàu (210), Nam Định (208), Hưng Yên (199), Bắc Ninh (198), Lâm Đồng (195), Hòa Bình (183), Cao Bằng (178), Lạng Sơn (174), Hà Giang (153), Ninh Bình (144), Điện Biên (129), Hà Nam (125), Sơn La (123), Đà Nẵng (108), Vĩnh Long (97), Quảng Trị (87), Lai Châu (82), Bình Phước (80), Thanh Hóa (79), Hải Phòng (78), TP.HCM (76), Tây Ninh (75), Đắk Nông (74), Bình Định (71), Quảng Nam (63), Cà Mau (42), Phú Yên (42), Bến Tre (40), Quảng Ngãi (31), Bình Dương (29), Thừa Thiên-Huế (27), Kiên Giang (26), Bạc Liêu (25), Khánh Hòa (20), Bình Thuận (19), An Giang (15), Long An (14), Trà Vinh (12), Đồng Nai (11), Hậu Giang (4), Kon Tum (4), Đồng Tháp (3), Cần Thơ (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sơn La (-150), Hà Tĩnh (-147), Hải Dương (-116).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+78), Quảng Bình (+49), Quảng Ninh (+28).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 12.428 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.554.689 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.705 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.546.941 ca, trong đó có 9.078.677 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.539.772), TP.HCM (607.962), Nghệ An (479.143), Bắc Giang (383.164), Bình Dương (383.163).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.229 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.081.494 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 685 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 505 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 93 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 17 ca
  • Thở máy xâm lấn: 68 ca
  • ECMO: 2 ca

Từ 17h30 ngày 22.4 đến 17h30 ngày 23.4 ghi nhận 6 ca tử vong tại: Cao Bằng (1), Đồng Nai (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Phú Thọ (1), Quảng Bình (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 10 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.004 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 39.488.620 mẫu tương đương 85.786.808 lượt người.

Trong ngày 22.4 có 708.730 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 211.992.855 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.292.929 liều: Mũi 1 là 71.427.826 liều; Mũi 2 là 68.583.296 liều; Mũi 3 là 1.505.743 liều; Mũi bổ sung là 15.189.164 liều; Mũi nhắc lại là 37.586.900 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.325.671 liều: Mũi 1 là 8.873.048 liều; Mũi 2 là 8.452.623 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 374.255 liều (mũi 1).

Dịch bệnh có xu hướng giảm cả 4 tiêu chí

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua.

Cụ thể, số ca Covid-19 cộng đồng cả nước giảm 56,5%; số ca tử vong giảm 60,5%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%; số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.

Hiện nay số ca mắc chỉ còn dưới 15.000 ca mắc mới trong ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11.2021 (thời điểm biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta). Riêng TP.Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12.2021 đến nay. Trên cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7.2021 đến nay.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

Bộ xác định vắc xin Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, trong nước vẫn đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trong tháng 4.2022; đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2.2022.

Đồng thời tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Có đến 203 triệu chứng của hậu Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành về việc khám chữa bệnh hậu Covid-19.

Có đến 203 triệu chứng của hậu Covid-19

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, số lượng người mắc Covid-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.

Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19 (tức hậu Covid-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

- Các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2)...

- Khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19) nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

- Thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu Covid-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2015 ngày 25.5.2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Một số nội dung chính cần truyền thông gồm:

- Sau mắc Covid-19 một số người chậm hồi phục sức khỏe cần được theo dõi sức khỏe.

- Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác (theo Tổ chức Y tế thế giới và Viện NICE - Vương Quốc Anh).

- Các triệu chứng hậu Covid rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi Covid-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian.

- Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…

- Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu Covid-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.

- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hậu Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép.

- Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.

- Một số nội dung truyền thông khác phải dựa trên các khuyến cáo, hướng dẫn, bằng chứng khoa học tin cậy trong nước và quốc tế.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.

Đồng thời Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Học sinh bán trú tại TP.HCM cách nhau 1m khi ăn, ngủ

UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.

Học sinh bán trú tại TP.HCM cách nhau 1m khi ăn, ngủ

Trong bộ tiêu chí có phần quy định đối với cơ sở giáo dục và đào tạo về số lượng người tập trung tối đa tại một thời điểm, đảm bảo diện tích sàn tối thiểu của các lớp học. Cụ thể như sau:

- Cấp mầm non, nhà trẻ có diện tích 1,5 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24 m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36 m2/phòng đối với lớp mẫu giáo.

- Cấp tiểu học, diện tích trung bình cho 1 học sinh trong lớp là 1,25 m2.

- Cấp trung học, diện tích trung bình cho 1 học sinh trong lớp là 1,5 m2.

Về quản lý và chăm sóc y tế, yêu cầu có nhân viên chuyên trách công tác y tế trường học đã được tập huấn, bồi dưỡng, công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lập danh sách những trẻ em, học sinh thuộc đối tượng nguy cơ (người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều...) để chăm sóc, theo dõi sức khỏe.

Nhà trường tổ chức hoạt động bán trú đảm bảo phòng, chống dịch theo đúng quy định. Trong đó, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 m khi học sinh ăn và ngủ.

Bên cạnh đó, đối với phòng ký túc xá, khu nội trú của cơ sở giáo dục, yêu cầu phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 4 m2/người.

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực thi hành và thay thế cho tất cả các bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được ký ban hành trước đây.

Bộ tiêu chí đánh giá có 3 phần: Tiêu chí an toàn chung gồm 6 tiêu chí (A1 - A6) bắt buộc triển khai đối với tất cả hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn TP.HCM. Tiêu chí đặc thù gồm 5 tiêu chí (B1- B5) áp dụng tùy theo nhóm hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống gồm 1 tiêu chí áp dụng tùy theo cơ sở có tổ chức dịch vụ ăn uống. Mỗi tiêu chí nếu thực hiện đầy đủ được đánh giá là đạt; chưa thực hiện hoặc triển khai không đầy đủ được đánh giá là không đạt.

Căn cứ bộ tiêu chí này, các sở, ban, ngành TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá các biện pháp giảm thiểu và ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 phù hợp theo đặc thù ngành nghề và tình hình thực tế tại các đơn vị.

TP.HCM cảnh báo sốt xuất huyết diễn biến phức tạp sau Covid-19

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong những tuần vừa qua, TP.HCM cũng như các tỉnh Nam bộ ghi nhận khuynh hướng gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết nặng.

TP.HCM cảnh báo sốt xuất huyết diễn biến phức tạp sau Covid-19

Tính đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Ngành y tế dự đoán tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Vì so sánh với năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số ca mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê. TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của thành phố. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch thì dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và ngành y tế cần hành động ngay. Mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, nhất là sau 2 năm dồn toàn lực cho Covid-19 và đang bước vào giai đoạn bình thường mới.

PGS.TS. Tăng Chí Thượng chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai tập huấn ngay cho các cơ sở y tế. Nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị. Sở Y tế sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận huyện trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cần được tăng cường để người dân hiểu được tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh để đưa người bệnh kịp thời đến các cơ sở y tế.

Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết.

Do đó mỗi người trong chúng ta cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân. Phòng sốt xuất huyết bắt đầu từ những hành động nhỏ ngay từ trong gia đình.

HCDC khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết theo các biện pháp như sau:

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 23.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.