Bản tin Covid-19 ngày 22.4: Cả nước hơn 10,5 triệu ca | Vắc xin vẫn là “vũ khí chiến lược”
Bản tin Covid-19 ngày 22.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 22.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 11.160 ca Covid-19, 2.338 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 22.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 21.4 đến 16h ngày 22.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.160 ca nhiễm mới.
Có 2.338 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 7 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.998 ca.
Ngày 22.4: Cả nước 11.160 ca Covid-19, 2.338 ca khỏi | Hà Nội 980 ca | TP.HCM 93 ca |
Thông tin về 11.160 ca nhiễm mới như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 11.160 ca ghi nhận trong nước (giảm 869 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.015 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (980), Phú Thọ (761), Bắc Giang (539), Quảng Ninh (510), Nghệ An (489), Vĩnh Phúc (458), Yên Bái (452), Lào Cai (389), Hải Dương (373), Bắc Kạn (357), Tuyên Quang (352), Đắk Lắk (346), Thái Nguyên (309), Gia Lai (304), Sơn La (273), Thái Bình (255), Nam Định (225), Quảng Bình (222), Hưng Yên (220), Cao Bằng (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (197), Lâm Đồng (194), Lạng Sơn (189), Bắc Ninh (176), Ninh Bình (169), Hà Giang (169), Hòa Bình (160), Hà Tĩnh (147), Hà Nam (137), Điện Biên (130), Đà Nẵng (126), Lai Châu (108), Bình Định (102), Tây Ninh (99), Bình Phước (97), TP.HCM (93), Vĩnh Long (90), Phú Yên (81), Quảng Trị (80), Bến Tre (75), Quảng Nam (70), Đắk Nông (69), Cà Mau (64), Quảng Ngãi (63), Thanh Hóa (57), Bình Dương (33), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Long An (27), Thừa Thiên-Huế (23), Bạc Liêu (13), An Giang (9), Trà Vinh (6), Kiên Giang (5), Cần Thơ (5), Kon Tum (4), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (2), Hậu Giang (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Nông (-208), Hải Dương (-111), Gia Lai (-89).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sơn La (+273), Vĩnh Phúc (+44), Điện Biên (+33).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.586 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.544.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.600 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.536.576 ca, trong đó có 9.076.448 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.537.814), TP.HCM (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.338 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.079.265 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 822 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 533 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 173 ca
- Thở máy không xâm lấn: 30 ca
- Thở máy xâm lấn: 84 ca
- ECMO: 2 ca
Từ 17h30 ngày 21.4 đến 17h30 ngày 22.4 ghi nhận 7 ca tử vong tại: Đồng Nai (2), Phú Thọ (2), Bến Tre (1), Hà Tĩnh (1), Kon Tum (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 11 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.998 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 39.478.512 mẫu tương đương 85.776.230 lượt người.
Trong ngày 21.4 có 723.940 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 211.284.125 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 193.736.289 liều: Mũi 1 là 71.426.692 liều; Mũi 2 là 68.588.396 liều; Mũi 3 là 1.505.741 liều; Mũi bổ sung là 15.127.284 liều; Mũi nhắc lại là 37.088.176 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.315.269 liều: Mũi 1 là 8.867.879 liều; Mũi 2 là 8.447.390 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 232.567 liều (mũi 1).
Vắc xin Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là 'lá chắn' chống dịch quan trọng nhất
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ xác định vắc xin Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, trong nước vẫn đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trong tháng 4.2022; đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2.2022.
Vắc xin Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là 'lá chắn' chống dịch quan trọng nhất |
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu việc tiêm vắc xin mũi 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là đối tượng nguy cơ cao, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế về mũi tăng cường này. Hiện các địa phương đang tiêm mũi 3 cho tất cả những người từ 18 tuổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ đang nghiên cứu tiêm mũi 4 (liều nhắc lại thứ 2) đối với một số đối tượng và ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có bệnh lý nền và có bệnh mãn tính. Đây là những đối tượng mà Bộ Y tế đang nghiên cứu, đang tổ chức các hội thảo khoa học để có thể triển khai tiêm được mũi 4, đảm bảo thành quả của chiến dịch tiêm chủng từ trước đến nay.
Bộ Y tế nêu rõ mũi 4 là mũi vắc xin để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tức 2 mũi) và liều nhắc lại (tức mũi 3). Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung (đủ 3 mũi) thì được coi là hoàn thành liều cơ bản. Như vậy, với những người này, liều nhắc lại là mũi 4.
Theo Bộ Y tế, cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, tránh bỏ sót; các cơ sở khám chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám chữa bệnh tại cơ sở. Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời theo dõi sát tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như vi rút có thể thích ứng với vắc xin hoặc có thể xuất hiện các biến thể mới.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu các mũi tiêm bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin công nghệ mRNA (gồm Moderna, Pfizer).
Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (AstraZeneca).
Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin AstraZeneca. Khoảng cách tiêm mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối của liều cơ bản.
Đối với người đã mắc Covid-19 thì thời gian tiêm vắc xin ít nhất 3 tháng sau khỏi bệnh.
TP.HCM chỉ còn 1 ca Covid-19 cách ly tập trung
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 21.4.2022, TP.HCM có 94 ca mắc Covid-19, gồm 81 ca phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, 13 ca phát hiện tại cộng đồng. Có 300 ca nghi ngờ do người dân tự test nhanh dương tính, chưa đủ điều kiện khẳng định là ca bệnh.
TP.HCM chỉ còn 1 ca Covid-19 cách ly tập trung |
Như vậy, hiện tại, số ca mắc mới trong ngày bằng với đầu tháng 2.2022 là dưới 100 ca/ngày.
Tổng số ca cộng dồn do Bộ Y tế công bố tại TP.HCM đến nay là hơn 608.000 ca.
Ngày 21.4, TP.HCM chỉ có 48 ca mắc Covid-19 nhập viện. Tổng số ca đang nằm bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 544 ca (trong đó có 468 ca điều trị ở tầng 2, 76 ca điều trị ở tầng 3).
Số ca có hỗ trợ hô hấp là 141 ca. Số ca đang thở máy xâm lấn là 25 ca.
Hiện TP.HCM chỉ còn 36 trẻ em dưới 16 tuổi và 2 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nằm viện.
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 1 ca cách ly tập trung, 6.929 ca đang cách ly tại nhà. 14 ngày liên tục, TP.HCM không có ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong trên địa bàn TP.HCM đến hiện tại là gần 20.500 ca.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong ngày 21.4, TP.HCM tổ chức 146 điểm tiêm vắc xin Covid-19 lưu động (trường học) trên địa bàn 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Có hơn 25.600 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm, 631 trẻ hoãn tiêm.
Như vậy, tính đến hết ngày 21.4, TP.HCM đã tiêm cho gần 120.000 trẻ. Tổng số trẻ hoãn tiêm là 2.494 em, ngoài ra ghi nhận 458 trường hợp được chỉ định chuyển đến bệnh viện tiêm. Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống Covid-19.
Dự kiến ngày 22.4, TP.HCM sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trong buổi sáng với 138 điểm, 336 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức với khoảng 33.000 trẻ được tiêm.
Đề xuất tăng học phí cho năm học mới
Ngày 21.4.2022, thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đơn vị này đã có đề xuất với UBND TP.HCM chủ trương ban hành quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo.
Đề xuất tăng học phí cho năm học mới |
Đề xuất có nội dung, thực hiện theo Nghị định số 81/2021 của Chính phủ, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM chủ trương thực hiện mức thu học phí như sau:
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên: Áp dụng mức sàn học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Sở GD-ĐT cũng đề xuất mức thu học phí từ năm học 2022 - 2023 đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên bằng mức sàn mức thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, học sinh tiểu học được miễn học phí nên đề xuất mức học phí đối với bậc tiểu học nói trên sẽ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Cụ thể, Sở GD-ĐT đề xuất thời gian áp dụng chủ trương này bắt đầu từ quý 2.2022. Đồng thời, theo Sở GD-ĐT, mức học phí đề xuất này căn cứ theo mức sàn là mức thấp nhất quy định trong Nghị định. Tuy nhiên, so với mức học phí năm học 2021 - 2022 và các năm học trước của TP.HCM thì mức này có tăng.
Tuy vậy, để giảm tác động đến xã hội và người học do tăng học phí, không làm ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận người dân có thu nhập thấp, Sở GD-ĐT khẳng định TP.HCM khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thuộc các diện chính sách được đi học, đồng thời sẽ luôn đi đầu trong các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo đúng quy định, xây dựng các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ khác đặc thù khác của thành phố góp phần ổn định tình hình đi học lại được an toàn, hiệu quả.
Theo Nghị định số 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2021 thì khung học phí năm học 2022 - 2023 (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
- Ở thành thị, mầm non và tiểu học từ 300.000 - 540.000 đồng/học sinh/tháng, THCS và THPT từ 300.000 - 650.000 đồng/học sinh/tháng.
- Ở nông thôn, mầm non và tiểu học từ 100.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng, THCS từ 100.000 270.000 đồng/học sinh/tháng, THPT từ 200.000 - 330.000 đồng/học sinh/tháng.
- Ở vùng dân tộc thiểu số thì mầm non và tiểu học từ 50.000 - 110.000 đồng/học sinh/tháng, THCS từ 50.000 - 170.000 đồng/học sinh/tháng, THPT từ 100.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng.
Hàng triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa được xác thực
Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp “làm sạch” dữ liệu hàng triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 cá nhân chưa thể xác thực.
Hàng triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa được xác thực |
Bộ Y tế cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ về triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công an khẩn trương thực hiện các giải pháp “làm sạch” dữ liệu 41 triệu mũi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Đây là các trường hợp đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tổng số 80 triệu dữ liệu mũi tiêm chưa thể xác thực do sai sót các thông tin cá nhân về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh...
Để kịp thời phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế của người dân, Bộ Y tế đề UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 theo Công văn số 1495 ngày 24.3.2022 về việc đôn đốc việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19 phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành trước ngày 5.5.
Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo hướng dẫn tại Công văn số 9458 ngày 8.11.2021 của Bộ Y tế.
Các địa phương thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn tại Công văn số 1908 ngày 15.4.2022 của Bộ Y tế. Thời gian hoàn thành trước ngày 30.4.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương quán triệt người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp “Hộ chiếu vắc xin”, phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế.
Đồng thời, lập danh sách cán bộ đầu mối phụ trách công tác tiêm chủng của sở y tế và trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (bao gồm các thông tin: họ và tên, đơn vị, chức vụ, số điện thoại) gửi về Bộ Y tế để phối hợp trong việc “làm sạch” dữ liệu và cấp hộ chiếu vắc xin.
Các địa phương báo cáo kết quả triển khai các nội dung trên về Bộ Y tế (qua Cục Công nghệ thông tin) trước ngày 6.5. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) để được giải quyết kịp thời.
Số người chết vì Covid-19 tăng, Thượng Hải ra cảnh báo
Theo Reuters, Ủy ban Y tế Thượng Hải hôm 22.4.2022 thông báo 11 người mắc Covid-19 đã qua đời ở thành phố này trong ngày 21.4, tăng từ 8 ca tử vong được ghi nhận ngày trước đó.
Số người chết vì Covid-19 tăng, Thượng Hải ra cảnh báo |
Ủy ban Y tế Thượng Hải còn ghi nhận 1.931 ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng và 15.861 ca nhiễm không có triệu chứng trong ngày 21.4, giảm từ số ca nhiễm tương ứng là 2.634 và 15.861 được ghi nhận ngày trước đó. Ở Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm không có triệu chứng không được xem là ca nhiễm Covid-19 được xác nhận.
Theo Reuters, dù số ca nhiễm mới giảm, giới chức Thượng Hải tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch, như tiến hành đợt xét nghiệm mới trên toàn thành phố trong ngày 22.4, và cảnh báo với các cư dân rằng tình trạng phong tỏa đã kéo dài 3 tuần chỉ có thể được dỡ bỏ hoàn toàn một khi tình trạng lây nhiễm bị chặn đứng.
Trong khi một vài quận ở Thượng Hải thắt chặt những hạn chế về đi lại, giới chức ở những khu vực đáp ứng tiêu chuẩn cho những người được phép rời khỏi nhà vẫn ngăn chặn họ làm việc này, gây ra tình trạng thất vọng trong số cư dân đã chịu đựng tình trạng phong tỏa kéo dài.
Chính quyền Thượng Hải nhấn mạnh trên WeChat, mục tiêu là làm cho cộng đồng không còn có ca nhiễm Covid-19 càng sớm càng tốt. Đây là chỉ dấu quan trọng mà Thượng Hải có thể chiến thắng cuộc chiến chống đại dịch đầy khó khăn này… để có thể khôi phục trật tự cuộc sống và sản xuất bình thường.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 22.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)