Bản tin Covid-19 ngày 21.4: Cả nước hơn 10,5 triệu ca | Cách trị ho dai dẳng hậu Covid-19

21/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 21.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 21.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 30.574 ca Covid-19, 8.693 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 21.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 20.4 đến 16h ngày 21.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.029 ca nhiễm mới, Sở Y tế Đắk Nông đăng ký bổ sung 18.545 ca. Như vậy, tổng số ca mắc được công bố trong ngày là 30.574 ca.

Có 8.693 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 9 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.991 ca.

Ngày 21.4: Công bố 30.574 ca Covid-19, 8.693 ca khỏi | Hà Nội 986 ca | TP.HCM 94 ca

Thông tin về 30.574 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 12.029 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.242 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.074 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (986), Phú Thọ (836), Quảng Ninh (550), Bắc Giang (550), Nghệ An (511), Yên Bái (487), Hải Dương (484), Vĩnh Phúc (414), Gia Lai (393), Tuyên Quang (383), Đắk Lắk (375), Lào Cai (373), Thái Nguyên (339), Bắc Kạn (331), Thái Bình (279), Đắk Nông (277), Quảng Bình (274), Bắc Ninh (243), Hưng Yên (240), Nam Định (229), Cao Bằng (210), Ninh Bình (207), Đà Nẵng (204), Lạng Sơn (198), Lâm Đồng (194), Bà Rịa - Vũng Tàu (193), Hà Giang (181), Quảng Trị (160), Lai Châu (156), Hà Nam (155), Hà Tĩnh (154), Hòa Bình (150), Tây Ninh (100), Quảng Nam (99), Điện Biên (97), Bình Phước (96), TP.HCM (94), Bình Định (93), Vĩnh Long (89), Bình Dương (79), Bến Tre (77), Quảng Ngãi (68), Cà Mau (65), Thanh Hóa (64), Phú Yên (61), Long An (36), Đồng Tháp (33), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Thừa Thiên-Huế (27), Bạc Liêu (22), An Giang (14), Trà Vinh (10), Kiên Giang (6), Đồng Nai (5), Kon Tum (5), Hậu Giang (5), Cần Thơ (4), Tiền Giang (3).

Ngày 21.4.2022, Sở Y tế Đắk Nông đăng ký bổ sung 18.545 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-168), Sơn La (-163), Vĩnh Phúc (-104).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+140), Đắk Nông (+105), Đà Nẵng (+75).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 14.860 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.533.164 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.490 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.525.416 ca, trong đó có 9.074.110 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.537.814), TP.HCM (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.693 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.076.927 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 826 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 602 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 98 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 28 ca
  • Thở máy xâm lấn: 96 ca
  • ECMO: 2 ca

Từ 17h30 ngày 20.4 đến 17h30 ngày 21.4 ghi nhận 9 ca tử vong tại: Đồng Nai (2), Đắk Lắk (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 13 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid -19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.991 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 39.475.987 mẫu cho 85.770.895 lượt người.

Trong ngày 20.4 có 452.228 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 210.560.185 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 193.157.190 liều: Mũi 1 là 71.421.980 liều; Mũi 2 là 68.568.543 liều; Mũi 3 là 1.505.706 liều; Mũi bổ sung là 15.103.741 liều; Mũi nhắc lại là 36.557.220 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.276.166 liều: Mũi 1 là 8.845.785 liều; Mũi 2 là 8.430.381 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 126.829 liều (mũi 1).

Trị ho dai dẳng hậu Covid-19 theo Đông Y

Thông tin từ thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh (Phó trưởng khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3) cho biết theo một nghiên cứu năm 2020 tại London (Anh) trên 384 người bệnh, có tuổi trung bình 59,9 (62% nam, 38% nữ). Khoảng trung bình 54 ngày sau khi PCR âm tính Covid-19, có 34% người bệnh có triệu chứng ho và ho mức độ nặng chiếm 10%.

Trị ho dai dẳng hậu Covid-19 theo Đông Y

Năm 2021, nghiên cứu tại Trieste, Ý cho thấy hơn một nửa số người mắc bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Có 304 người bệnh hoàn thành cuộc khảo sát; độ tuổi trung bình 47 (60,9% nữ, 39,1% là nam). Theo dõi 1 năm sau khởi phát bệnh, ghi nhận 53% người bệnh vẫn tồn tại ít nhất một triệu chứng sau 12 tháng. Trong các triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo của Covid-19 kéo dài thì triệu chứng ho khan chiếm tỉ lệ 4,5%.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, ho dai dẳng luôn gây ra nhiều phiền toái về sức khỏe và kinh tế cho người bệnh và môi trường xung quanh.

Điều trị ho trong y học cổ truyền có rất nhiều phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, dưỡng sinh... cho đến dùng thuốc.

Điều trị dùng thuốc với triệu chứng ho lâu ngày trên người bệnh hậu Covid-19 có đờm đặc vàng, ngực bồn chồn, người gầy yếu... thì dùng nhân sâm cáp giới thang; bệnh nhân ho lâu ngày, ho ít đờm, thở gấp, tự ra mồ hôi, miệng khô... thì dùng bài sinh mạch tán.

Các phương pháp dân gian dễ làm tại nhà như mật ong với gừng, chanh, sả bằng nước ấm.

Ngoài ra, người bệnh có thể tập luyện để giảm ho theo các bước sau: Ngồi thẳng lưng, hít vào sâu từ từ bằng mũi và giữ đếm 5 giây, sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng (lặp lại 3-4 lần), tập nhiều lần trong ngày.

Để giảm ho ban đêm, người bệnh cũng có thể kê gối nằm đầu cao 30-45 độ. Cần kiêng các đồ ăn đồ uống lạnh; gia vị cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt; thức uống bia rượu; đồ ăn nhiều dầu mỡ; không để quạt máy lạnh ở mức lớn hoặc dùng máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp.

Thu nhập trung bình của người Việt Nam đạt 4.000 USD/năm

Ngày 20.4.2022, tại hội thảo "Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 – 2020”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi cho biết thu nhập của người dân tăng từ 30 - 40% trong 10 năm qua, đạt trung bình 4.000 USD/người/năm. Việt Nam đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm.

Thu nhập trung bình của người Việt Nam đạt 4.000 USD/năm

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, đến thời điểm này, Việt Nam cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội (ASXH) bao phủ toàn dân. Các chính sách ASXH đang dần tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân, đồng thời phù hợp với xu thế chung của quốc tế.

Nhiều mục tiêu thiên niên kỷ hoàn thành trước thời hạn; chỉ số phát triển con người được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.000 - 8.000 trường hợp người có công với cách mạng; giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người.

Tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2 - 2,2%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 10,2 triệu người năm 2011 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021. 95% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, cung cấp nước sạch, giá viễn thông của Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, thu nhập của người dân tăng từ 30 - 40% trong 10 năm, đạt trung bình 4.000 USD/người/năm; tỉ lệ nghèo giảm trung bình 1 - 2%/năm. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010. Việt Nam đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo…

Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, trong bối cảnh tác động của Covid-19, Việt Nam đã cơ bản đảm bảo được ASXH cho người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, một số chính sách ASXH chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng, thiếu bền vững, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng... còn lớn.

Mức trợ cấp xã hội còn thấp, chất lượng an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý còn bất cập, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách.

Thời gian tới, Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các chính sách ASXH hiện hành và nghiên cứu xây dựng, đề xuất với trung ương một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là hết sức cần thiết, nhằm quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Hành động dễ thương của nữ y tá khiến trẻ hết sợ khi tiêm vắc xin

Sáng ngày 20.4, bé Phạm Ngọc Mai Anh (học sinh lớp 3) được mẹ là chị Nguyễn Ngọc Nam Thi đưa đến địa điểm Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM) để tiêm vắc xin Moderna.

Hành động dễ thương của nữ y tá khiến trẻ hết sợ khi tiêm vắc xin Covid-19

Mặc dù đã nắm tay mẹ thật chặt và liên tục che mặt, nhưng Mai Anh vẫn không hết sợ, nhân viên y tế không thể thực hiện mũi tiêm. Ngay lập tức, nữ y tá đã đứng sát bên, để bé vòng hai tay ôm lấy người mình. Với hành động nhẹ nhàng, gần gũi ấy đã giúp bé có điểm tựa, yên tâm thực hiện mũi tiêm, quên đi nỗi lo sợ ban đầu.

Giống như bé Mai Anh, nhiều em học sinh cũng có chung tâm lý hồi hộp, lo lắng trước khi tiêm vắc xin Covid-19, cha mẹ phải dùng nhiều cách khác nhau để trấn an, động viên.

Trong ngày 20.4, tại điểm tiêm Trường Tiểu học Võ Trường Toản, 96 học sinh lớp 3, trong đó có 39 học sinh của trường và 57 học sinh của Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương đã được tiêm vắc xin Covid-19. Tại đây, nhà trường bố trí nhiều truyện tranh, sách ảnh hấp dẫn, chiếu phim hoạt hình liên tục để phục vụ học sinh, giúp các em thoải mái, vui vẻ trong suốt buổi tiêm. Các bé sẽ được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và dặn dò một lượt trước khi về nhà.

Thầy Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản - chia sẻ: "Từ khâu tiếp nhận sàng lọc, theo dõi, chỗ mình bày xếp sao để trẻ con lúc nào cũng có tâm lý thoải mái để trẻ trong quá trình chích không có tâm lý nặng nề, thành ra điểm tiêm trường Võ Trường Toản rất thuận lợi".

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 30.4, thành phố sẽ hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Các điểm tiêm sẽ tăng cường công tác chuẩn bị để tạo không gian gần gũi, giúp phụ huynh và các em thực hiện buổi tiêm một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Đa số người dưới 50 tuổi chưa cần tiêm mũi 4

Trong cuộc họp ngày 20.4.2022, nhóm cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng đa số người Mỹ dưới 50 tuổi nên chờ thế hệ kế tiếp của mũi nhắc thay vì tiêm mũi 4 phiên bản vắc xin Covid-19 hiện tại.

Đa số người dưới 50 tuổi chưa cần tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19

Nhóm cố vấn CDC cho rằng các mũi tiêm nhắc nên tập trung vào mục tiêu ngăn chặn bệnh Covid-19 trở nặng hoặc gây tử vong chứ không phải ngừa nhiễm vi rút Corona chủng mới.

Theo Hãng Bloomberg hôm 21.4, điều này có nghĩa là những người nguy cơ cao mắc bệnh nặng nên cân nhắc tiêm mũi 4, và đa số những người còn lại nên chờ phiên bản kế tiếp của vắc xin Covid-19.

Theo nhóm chuyên gia, Mỹ hiện sử dụng các mũi tiêm nhắc Moderna và liên danh Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, những dòng vắc xin này không còn hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm các biến thể mới hơn của SARS-CoV-2 như dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.

Hiện giới chức y tế liên bang đang tìm kiếm lời khuyên nhằm triển khai chiến dịch tiêm nhắc hiệu quả hơn, thay vì theo đuổi cách làm hiện tại là phải tiêm bổ sung vài tháng/lần.

Tính đến ngày 19.4, Mỹ đã tiêm mũi 4 cho khoảng 1,1 triệu người Mỹ tuổi từ 50-64, và 3,2 triệu người từ 65 tuổi trở lên. CDC hôm 20.4 đề xuất chỉ tiêm mũi 4 cho các đối tượng như có bệnh nền, người dễ mắc Covid-19 vì lý do nghề nghiệp. Bên cạnh đó, một số thành viên nhóm cố vấn đang cân nhắc liệu người mắc Covid-19 dù tiêm đủ mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh có nên tiêm mũi bổ sung hay không.

Cuộc tranh luận đang diễn ra vào thời điểm các tiểu bang và những công ty trên khắp nước Mỹ đã dỡ bỏ đa số các biện pháp phòng dịch, mới nhất là không cần đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng.

FDA dự kiến sẽ họp một lần nữa vào hè nhằm thảo luận khả năng tiêm mũi nhắc vắc xin Covid-19 trong mùa thu hoặc mùa đông để đối phó làn sóng nhiễm bệnh vào cuối năm.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 21.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.