TP.HCM nắng nóng, tia UV cực đại đến bao giờ?

Chí Nhân
Chí Nhân
23/04/2022 06:21 GMT+7

Đây là vấn đề quan tâm của nhiều người dân TP.HCM trong những ngày qua và đặc biệt khi vào đợt nghỉ lễ dài sắp tới.

Cảm nhận nóng đến 39 - 40 độ

Mùa khô năm nay, người dân TP.HCM đón mưa trái mùa nhiều hơn nhưng cái nắng nóng oi bức thì vẫn như mọi năm, đặc biệt càng về giai đoạn cuối tháng 4. Chị Nguyễn Ngọc Khanh (Q.4) nói: Mới hơn 8 giờ, bước ra khỏi nhà đã thấy nắng chói chang, không khí oi bức rất khó chịu. Cứ vắng mây là nắng nóng không chịu được, đặc biệt trong khoảng từ 11 - 16 giờ. Không hiểu tình trạng này còn kéo dài bao lâu?

Chia sẻ với cảm nhận của chị Ngọc Khanh, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết: Trong giai đoạn hiện nay đang là cao điểm mùa nắng nóng ở miền Nam; nhiệt độ trong lều khí tượng ở các tỉnh miền Tây khoảng 33 - 34 độ C, ở miền Đông 35 - 36 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ ngoài trời, nhất là khu vực TP.HCM, người dân có thể cảm nhận nắng nóng lên đến 39 - 40 độ C, thậm chí, có nơi đến 41 độ C. Thời gian nắng nóng kéo dài gần như cả ban ngày, từ khoảng 8 - 9 giờ đến tận 17 giờ. Thực tế, cảm nhận nắng nóng gay gắt đó cũng không sai vì có nhiều lý do. Về mặt khí hậu, trong thời gian qua về cơ bản Nam bộ vẫn đang trong giai đoạn mưa chuyển mùa, giai đoạn tranh chấp giữa đới gió đông bắc và đông nam với gió mùa tây nam mới chớm xuất hiện ở các tỉnh ven biển phía nam. Mưa xảy ra cục bộ ở nhiều nơi, phổ biến nhất các tỉnh ven biển miền Tây. Chính vì vậy mà chỉ mới có các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang vào mùa mưa; các địa phương còn lại vẫn còn đang trong giai đoạn chuyển mùa. Trong giai đoạn chuyển mùa này, TP.HCM và các tỉnh cũng thường xuất hiện các cơn mưa giông nhưng lượng nhỏ. Tuy nhiên, điều này cũng làm độ ẩm trong không khí tăng cao. Khi cơn mưa đi qua, nắng nóng gay gắt, hơi nước chuyển thành mây làm cho không khí oi bức rất khó chịu. Mặt khác, TP.HCM là nơi mức độ đô thị hóa cao, công nghiệp phát triển, giao thông đông đúc… những yếu tố này cộng hưởng vào sự oi nóng của thời tiết càng làm cho không khí nóng và khó chịu hơn các địa phương khác.

Người dân TP.HCM cảm nhận nắng nóng gay gắt đến khoảng 40 độ C

Chí Nhân

Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, vào tuần sau, các tỉnh miền Tây sẽ có thời tiết phổ biến sáng nắng chiều mưa. Trong đó, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang có thể xuất hiện gió mùa tây nam mạnh dần lên, nhiệt độ sẽ giảm xuống trung bình khoảng 1 độ C so với tuần trước đó. Trong khi ở các tỉnh miền Đông thời tiết nắng mưa xen kẻ dù số lượng mưa giông xuất hiện nhiều hơn nhưng nắng nóng vẫn còn gay gắt. Nhiệt độ trong lều khí tượng khoảng 35 - 36 độ C, nhiệt độ thực tế bên ngoài 37 - 38 độ C và thời gian nắng nóng trong ngày cũng kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn. Cao điểm nắng nóng ở miền Nam sẽ sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Lúc đó, toàn Nam bộ vào mùa mưa, giúp kéo giảm nhiệt độ và cũng rút ngắn thời gian nắng nóng. Không khí lạnh từ phía bắc tăng cường đã yếu đi, áp thấp nóng phía tây đang mạnh dần lên và lấn sang phía đông (VN) nên các tỉnh Trung và Bắc bộ chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng.

TP.HCM cảnh báo sốt xuất huyết diễn biến phức tạp sau Covid-19

Tia UV cực đại, khách du lịch chú ý

Nắng nóng dưới 41 độ có khả năng gây say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài ngoài nắng. Nhưng đi vào thời điểm hiện tại, mối nguy hại đi kèm với nắng nóng còn có chỉ số bức xạ tia cực tím (UV). Đây là chỉ số quan trọng mà người dân cần lưu ý. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cập nhật thông tin này hằng ngày. Trong khoảng một tháng nay chỉ số này ở các tỉnh phía nam luôn ở mức cực đại 10/11 và thậm chí 11/11. Cụ thể, như ngày 22.4, TP.HCM và Pleiku (Gia Lai) đạt cực đại 11/11, còn nhiều địa phương khác cũng đạt mức 10/11. Những ai thích du lịch biển cũng cần chú ý, chỉ số tia bức xạ thường xuyên ở mức 10 - 11/11.

Nắng nóng dưới 41 độ có khả năng gây say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài ngoài nắng. Nhưng đi vào thời điểm hiện tại, mối nguy hại đi kèm với nắng nóng còn có chỉ số bức xạ tia cực tím (UV).

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Bản tin mới nhất của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: “Các tỉnh thành Trung bộ, Nam bộ, chỉ số UV cực đại luôn duy trì trong ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao. Riêng Cần Thơ và Cà Mau có chỉ số UV cực đại ở mức nguy cơ gây hại cao”.

Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, sau ngày Xuân phân 21.3, mặt trời từ nam bán cầu sẽ vượt qua xích đạo lên bắc bán cầu, đi ngang qua từ Nam bộ trước rồi tới Nam Trung bộ, Tây nguyên. Điều này làm cho cường độ bức xạ mạnh, cường độ tia UV (cực tím) ở mức cao. Tình trạng này sẽ kéo dài đến ngày Hạ chí (22.6) bức xạ sẽ đạt cường độ mạnh nhất. Đến ngày Thu phân (23.9), cường độ bức xạ sẽ giảm. Trong mùa cường độ bức xạ cao có thể kéo dài từ 9 - 10 giờ đến 15 giờ. Tuy nhiên, cường độ nắng nóng sẽ giảm nhờ lượng mây che phủ nhiều như những ngày vừa qua.

Nắng nóng trên diện rộng vào dịp lễ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong khoảng 15 ngày tới, từ khoảng ngày 23.4, tại khu vực vùng núi phía tây thuộc bắc và trung Trung bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng trên diện rộng; từ khoảng ngày 24 - 26.4 nắng nóng có khả năng mở rộng ra hầu khắp các khu vực bắc và trung Trung bộ, khu vực tây Bắc bộ và một số nơi ở đông Bắc bộ. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ phổ biến ít mưa; khoảng 3 - 4 ngày cuối tháng 4 các khu vực này có khả năng xuất hiện mưa rào và giông gia tăng trở lại.

Trong khoảng cuối tháng 4 sang đầu tháng 5, rãnh thấp xích đạo có khả năng được thiết lập trên vùng biển phía nam khu vực Biển Đông và tiềm ẩn nguy cơ hình thành các vùng nhiễu động trên dải thấp xích đạo này. Số ngày nắng nóng ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ có xu hướng gia tăng trong tháng 5; tuy nhiên, nhiều khả năng số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Giai đoạn này, nhiệt độ trung bình trên cả nước đều có xu hướng thấp hơn từ 0,5 độ C; riêng khu vực Bắc bộ đến Trung Trung bộ thấp hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa ở hầu khắp các khu vực trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%.

Thời tiết nắng nóng năm 2022 diễn biến ra sao

Tia UV nguy hiểm ra sao?

Tia UV hay còn gọi tia tử ngoại, tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Chỉ số UV từ 8 - 10 có thời gian gây bỏng là 25 phút; đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ có mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người: Tia UVA (380 - 315 nm): có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB (315 - 280 nm): vẫn có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển gây say nắng, tổn thương và làm đen da. Tia UVC (280 - 100 nm): tia UV có năng lượng cao nhất, gây ung thư da nhưng đã có tầng ozon chặn lại.

Tia UVA, đây là bức xạ cực tím có tỷ lệ nhiều nhất (chiếm tới 97%) lượng tia, do UVA dễ dàng xuyên qua tầng ozon bảo vệ trái đất. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc của mắt, đi vào thủy tinh thể hoặc võng mạc ở bên trong mắt. Tiếp xúc với bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.