Bản tin Covid-19 ngày 26.4: Cả nước hơn 10,6 triệu ca | Sắp bỏ thủ tục khai báo y tế
Bản tin Covid-19 ngày 26.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 26.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 48.431 ca Covid-19, 23.465 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 26.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 25.4 đến 16h ngày 26.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới; Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 40.000 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 48.431 ca.
Có thêm 23.465 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 8 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.029 ca.
Ngày 26.4: Công bố 48.431 ca Covid-19, 23.465 ca khỏi | Hà Nội 937 ca | TP.HCM 64 ca |
Thông tin về 48.431 ca nhiễm vừa được công bố như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 8.431 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.014 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 6.341 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (937), Phú Thọ (702), Quảng Ninh (408), Yên Bái (382), Nghệ An (381), Vĩnh Phúc (351), Lào Cai (338), Hải Dương (326), Đắk Lắk (268), Tuyên Quang (265), Bắc Kạn (262), Bắc Giang (247), Thái Bình (229), Gia Lai (228), Thái Nguyên (215), Cao Bằng (203), Nam Định (202), Hưng Yên (175), Quảng Bình (158), Sơn La (158), Hòa Bình (137), Ninh Bình (137), Lai Châu (128), Hà Giang (128), Bắc Ninh (125), Hà Tĩnh (116), Đà Nẵng (107), Quảng Trị (103), Đắk Nông (91), Vĩnh Long (86), Quảng Nam (82), Lạng Sơn (79), Tây Ninh (78), Điện Biên (77), Hà Nam (68), TP.HCM (64), Thanh Hóa (53), Hải Phòng (43), Bình Dương (42), Bình Phước (37), Bà Rịa - Vũng Tàu (34), Cà Mau (32), Bình Định (31), Bình Thuận (22), Bến Tre (17), Long An (16), Phú Yên (13), Cần Thơ (13), Thừa Thiên-Huế (12), An Giang (10), Kiên Giang (5), Bạc Liêu (5), Hậu Giang (2), Đồng Nai (1), Trà Vinh (1), Kon Tum (1).
- Ngày 26.4.2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 40.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (-124), Hải Dương (-68), Thái Nguyên (-63).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+209), Bắc Giang (+195), Đắk Lắk (+108).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.212 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.612.454 ca, trong đó có 9.113.408 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.582.620), TP.HCM (608.112), Nghệ An (480.366), Bắc Giang (384.856), Bình Dương (383.281).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 23.465 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.116.225 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 620 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 508 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 47 ca
- Thở máy không xâm lấn: 12 ca
- Thở máy xâm lấn: 52 ca
- ECMO: 1 ca
Từ 17h30 ngày 25.4 đến 17h30 ngày 26.4 ghi nhận 8 ca tử vong tại: Đắk Lắk (3), An Giang (1), Hà Tĩnh (1), Phú Thọ (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 8 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.029 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.493.305 mẫu tương đương 85.792.898 lượt người.
Trong ngày 25.4 có 461.627 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 213.061.726 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.827.474 liều: Mũi 1 là 71.435.780 liều; Mũi 2 là 68.619.646 liều; Mũi 3 là 1.505.852 liều; Mũi bổ sung là 15.216.739 liều; Mũi nhắc lại là 38.049.457 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.354.263 liều: Mũi 1 là 8.894.799 liều; Mũi 2 là 8.459.464 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 879.989 liều (mũi 1).
Sẽ bỏ khai báo y tế, truy vết nội địa từng thực hiện trong đại dịch Covid-19
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương giải quyết những vấn đề vướng mắc về việc khai báo y tế khi thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh.
Sẽ bỏ khai báo y tế, truy vết nội địa từng thực hiện trong đại dịch Covid-19 |
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong ngày 26.4, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy định cụ thể điều kiện y tế về phòng, chống dịch để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; gửi các Bộ gồm: Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin - Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan để thông tin cho các đối tượng nhập cảnh.
Bộ Y tế chủ trì thống nhất và có văn bản thông báo việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh; rà soát các ứng dụng khai báo y tế điện tử có chỉ dẫn cụ thể để người nhập cảnh khai báo trước khi nhập cảnh thuận lợi.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan cử ngay đoàn công tác đến các địa phương có cảng hàng không quốc tế để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh; có phương án xử lý trong trường hợp nhập cảnh chưa kịp khai báo y tế trước khi nhập cảnh hoặc ngay tại cửa khẩu, hạn chế tối đa việc ùn ứ, ách tắc tại các sân bay.
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới tại TP.HCM có xu hướng ngày càng giảm, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm ngưng thực hiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam, chỉ yêu cầu người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe, sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú. Kiến nghị này nếu áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách du lịch đến hoặc về Việt Nam, hạn chế tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất.
Trong sáng 26.4, Hội nghị trực tuyến về làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19, triển khai đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 đã được tổ chức tại Bộ Y tế với 11.000 điểm cầu đến tuyến xã trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tới đây, trong nước sẽ bỏ khai báo y tế, truy vết nội địa. Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế) sẽ có hướng dẫn từng bước thực hiện bình thường hóa; chỉ khai báo y tế đúng điều lệ y tế quốc tế chứ không phục vụ mục đích khác.
Ngành y tế cũng sẽ "làm sạch" và thống nhất dữ liệu, không thêm dữ liệu quản lý nào; tất cả dữ liệu từ bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử, các mũi tiêm chủng sẽ tích hợp thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Không kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Sáng 26.4.2022, thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại đây. Sở Y tế TP.HCM cũng đã cải tiến đối với quy trình kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Không kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất |
Thứ nhất, TP.HCM bỏ khâu kiểm tra hành khách có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính tại khu nhập cảnh. Cụ thể, trước khi hành khách lên máy bay về Việt Nam, các hãng hàng không đã kiểm tra kết quả xét nghiệm để đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 (RT-PCR hoặc test nhanh) theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, Sở Y tế yêu cầu HCDC không phải kiểm tra lại khi hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Thứ 2, tổ chức phân luồng ngay khi hành khách nhập cảnh tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Cụ thể, đối với hành khách đã khai báo y tế, sau khi trình mã QR cho nhân viên kiểm dịch y tế thì sẽ được đi theo luồng riêng để vào làm thủ tục nhập cảnh, không phải dừng lại chờ quét mã QR và xác thực thông tin như trước đây.
Đối với hành khách chưa khai báo y tế, hành khách có thể khai báo trong khi di chuyển từ máy bay vào nhà ga (các mã QR được bố trí dọc lối đi), hoặc vào khu vực riêng với sự trợ giúp của kiểm dịch y tế hoặc nhân viên hãng hàng không.
Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị Cảng vụ hàng không miền Nam tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không thông báo và hướng dẫn đầy đủ cho hành khách khai báo y tế trước khi lên máy bay về Việt Nam. Đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hỗ trợ phân luồng, tăng cường bố trí mã QR tại nhiều điểm để hành khách có thể tự quét mã và khai báo ngay trong khi di chuyển trên các lối đi.
Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm tính từ giữa cuối tháng 3.2022 đến nay, lượng hành khách nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tăng lên rất nhanh. Ghi nhận ở thời điểm hiện tại mỗi ngày có trung bình 40 chuyến bay nhập cảnh với lượng hành khách khoảng 4.000 - 4.500 người.
Theo quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh thì tất cả hành khách khi nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính và khai báo y tế trên trang web: tokhaiyte.vn. Việc kiểm tra 2 nội dung này đối với hành khách nhập cảnh tại khu vực kiểm dịch y tế có thể gây ùn tắc do hành khách phải chờ đợi lâu, nhất là vào những thời điểm có nhiều chuyến bay đáp cùng lúc, một thực tế khá phổ biến hiện nay là có nhiều hành khách đã không khai báo trước khi lên máy bay, hoặc khai báo sai phải khai báo lại.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết với chủ trương mở lại tất cả các đường bay quốc tế trong thời gian sắp tới, với quy trình kiểm dịch Covid-19 theo quy định hiện hành tại tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như hiện nay thì việc ùn tắc chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn.
7,6 triệu mũi vắc xin chưa được cập nhật trên hệ thống
Sáng 26.4.2022, thông tin từ ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện cả nước đã tiêm trên 212 triệu mũi vắc xin Covid-19, nhưng 7,6 triệu chưa được các địa phương cập nhật trên phần mềm quản lý tiêm chủng dù Bộ Y tế đã nhiều lần thúc giục. Đồng thời còn 43 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa đồng bộ dữ liệu về tiêm chủng và dữ liệu công dân quốc gia.
7,6 triệu mũi vắc xin Covid-19 chưa được cập nhật trên hệ thống |
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá theo chỉ đạo của Chính phủ, Đề án 06 tại các địa phương do chủ tịch tỉnh là tổ trưởng, nhưng vẫn còn địa phương còn xem nhẹ. Tại Trung ương phối hợp rất tốt nhưng nếu các địa phương không phối hợp thì rất khó về cập nhật.
Liên quan đến việc ký xác nhận hộ chiếu vắc xin, thông tin từ Bộ Y tế cho biết đơn vị này đang phối hợp với Bộ Công an khẩn trương thực hiện các giải pháp “làm sạch” dữ liệu các mũi tiêm chủng Covid-19 đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực (do sai sót các thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh,....) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tổng số gần 80 triệu dữ liệu mũi tiêm.
Để kịp thời phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế, cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 của các tỉnh, thành cần chủ trì chỉ đạo thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19, hoàn thành trước ngày 5.5.2022.
Đồng thời, các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo hướng dẫn tại Công văn số 9458 ngày 8.11.2021 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn tại Công văn số 1908 ngày 15.4.2022 của Bộ Y tế.
Bắc Kinh ráo riết xét nghiệm Covid-19 cho gần 20 triệu dân
Theo AFP, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 26.4.2022 yêu cầu thêm 11 quận nữa ở trung tâm thành phố xét nghiệm Covid-19 cho người dân, đưa tổng số người được xét nghiệm ở Bắc Kinh lên 20 triệu người, tức gần 90% dân số thành phố. Người dân Bắc Kinh sẽ được xét nghiệm PCR 3 vòng, kéo dài từ 26-30.4
Bắc Kinh ráo riết xét nghiệm Covid-19 cho gần 20 triệu dân |
Trước đó, ngày 25.4, quận Triều Dương, nơi có khoảng 3,5 triệu dân, đã bắt đầu xét nghiệm trên diện rộng cho cư dân và những người đến làm việc tại đó. Đây là khu vực đặt trụ sở chính của nhiều công ty đa quốc gia và đại sứ quán.
Việc ra lệnh xét nghiệm hàng loạt ở Triều Dương đã khiến người dân lo lắng mua hàng tích trữ từ ngày 24.4 vì lo sợ Bắc Kinh sẽ phong tỏa chống Covid-19.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã kêu gọi các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà, phong tỏa nhiều khu dân cư và ngưng hoạt động của các nhóm du lịch trước kỳ nghỉ lễ 1.5. Nhà chức trách ngày 25.4 cũng kêu gọi người dân Bắc Kinh không rời thành phố trong những ngày nghỉ lễ, trừ khi cần thiết.
Các biện pháp này được đưa ra sau khi Bắc Kinh phát hiện một loạt ca nhiễm cộng đồng, khoảng một nửa trong số đó ở quận Triều Dương, từ ngày 23.4. Tuy nhiên, ông Từ Hòa Kiến, một quan chức Bắc Kinh, ngày 25.4 cho biết dịch bệnh ở thành phố vẫn "trong tầm kiểm soát".
Cơ quan y tế Bắc Kinh ngày 26.4 báo cáo 33 ca lây truyền tại địa phương ghi nhận hôm 25.4, trong đó 32 trường hợp có triệu chứng và một trường hợp không có triệu chứng. Con số này cao hơn mức 19 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng được ghi nhận một ngày trước đó.
Tuy vậy, số ca nhiễm ở Bắc Kinh vẫn nhỏ hơn so với ở Thượng Hải, nơi đang có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và đã phải phong tỏa hoàn toàn trong nhiều tuần qua.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Thượng Hải trong ngày 25.4 ghi nhận gần 17.000 ca mắc Covid-19 lây truyền trong cộng đồng. Thành phố này cũng có thêm 52 ca tử vong vì Covid-19 ghi nhận ngày 25.4, nâng tổng số người chết tại đây lên 190.
Đây cũng là số người tử vong cao nhất trong 24 giờ được ghi nhận tại Thượng Hải kể từ khi thành phố này bắt đầu phong tỏa. Kỷ lục trước đó của Thượng Hải là 21 trường hợp tử vong vì Covid-19, được ghi nhận vào ngày 24.4.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 26.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)