Bản tin Covid-19 ngày 25.4: Cả nước hơn 10,5 triệu ca | Dịch bệnh đã “xuống đáy”
Bản tin Covid-19 ngày 25.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 25.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 8.270 ca Covid-19, 6.685 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 25.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 24.4 đến 16h ngày 25.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.417 ca nhiễm mới, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 853 ca, như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 8.270 ca.
Có thêm 6.685 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 8 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.021 ca.
Ngày 25.4: Công bố 8.270 ca Covid-19, 6.685 ca khỏi | Hà Nội 941 ca | TP.HCM 38 ca |
Thông tin về 8.270 ca nhiễm vừa được công bố như sau:
- 0 ca nhập cảnh.
- 7.417 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.395 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 5.327 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (941), Phú Thọ (493), Quảng Ninh (411), Yên Bái (410), Nghệ An (400), Hải Dương (394), Lào Cai (330), Tuyên Quang (282), Thái Nguyên (278), Gia Lai (261), Vĩnh Phúc (255), Thái Bình (212), Bắc Kạn (203), Hưng Yên (169), Đắk Lắk (160), Nam Định (144), Cao Bằng (140), Lâm Đồng (124), Hà Tĩnh (121), Quảng Bình (121), Hà Giang (114), Lạng Sơn (107), Bắc Ninh (96), Hà Nam (87), Quảng Trị (86), Hòa Bình (77), Vĩnh Long (74), Ninh Bình (72), Đà Nẵng (68), Sơn La (64), Bắc Giang (52), Lai Châu (52), Bình Dương (48), Thanh Hóa (47), Điện Biên (44), Quảng Nam (42), Bình Phước (42), Tây Ninh (41), Quảng Ngãi (38), Phú Yên (38), TP.HCM (38), Đắk Nông (37), Bình Định (32), Bà Rịa - Vũng Tàu (32), Bến Tre (30), Cà Mau (18), Sóc Trăng (16), Bình Thuận (15), Khánh Hòa (10), Kiên Giang (9), Thừa Thiên-Huế (9), Long An (7), Bạc Liêu (7), Trà Vinh (5), An Giang (4), Đồng Nai (3), Cần Thơ (3), Hậu Giang (2), Kon Tum (1), Đồng Tháp (1).
- Ngày 25.4.2022, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 853 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-488), Quảng Bình (-115), Quảng Ninh (-84).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+187), Gia Lai (+96), Hà Giang (+27).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.936 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.571.772 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.870 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.564.023 ca, trong đó có 9.089.943 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.541.683), TP.HCM (608.048), Nghệ An (479.985), Bình Dương (384.609), Bắc Giang (383.239).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.685 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.092.760 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 664 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 523 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 65 ca
- Thở máy không xâm lấn: 19 ca
- Thở máy xâm lấn: 56 ca
- ECMO: 1 ca
Từ 17h30 ngày 24.4 đến 17h30 ngày 25.4 ghi nhận 8 ca tử vong tại: Quảng Nam (4), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Kiên Giang (1), Tây Ninh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 9 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.021 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.491.851 mẫu tương đương 85.791.014 lượt người.
Trong ngày 24.4 có 209.325 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 212.600.099 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.590.198 liều: Mũi 1 là 71.434.025 liều; Mũi 2 là 68.597.436 liều; Mũi 3 là 1.505.754 liều; Mũi bổ sung là 15.209.921 liều; Mũi nhắc lại là 37.843.062 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.341.923 liều: Mũi 1 là 8.886.195 liều; Mũi 2 là 8.455.728 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 667.978 liều (mũi 1).
Dịch Covid-19 ở TP.HCM đã 'xuống đáy'?
Ngày 27.4.2021, TP.HCM bắt đầu bước vào đợt dịch Covid-19 thứ tư. Đến nay sau gần 1 năm, TP.HCM tính chung có 608.961 ca mắc Covid-19, trong đó có 20.488 ca tử vong được báo cáo. Hiện tại, thành phố chỉ duy trì một số bệnh viện dã chiến đa tầng để tiếp nhận điều trị F0 nặng, còn hàng chục bệnh viện dã chiến lập ra vào giai đoạn cao điểm bùng dịch đã được giải thể từ lâu. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nặng tại các bệnh viện này còn rất ít.
Dịch Covid-19 ở TP.HCM đã 'xuống đáy': Các bệnh viện dã chiến số bệnh nhân "đếm trên đầu ngón tay" |
Đơn cử, Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình do bệnh viện Thống Nhất TP.HCM phụ trách chuyên môn có quy mô 1.000 giường hiện chỉ còn khoảng 10 bệnh nhân, chỉ còn 1 ca thở máy, nhưng trong tuần này có thể hết bệnh và cho xuất viện hết. Thời kỳ cao điểm của bệnh viện này có đến 800 - 850 ca.
Ngày 24.4, lãnh đạo bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 cũng cho biết bệnh viện không còn bệnh nhân Covid-19 nào, dù trước đó 5 ngày bệnh viện còn 5 bệnh nhân.
Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 cũng chỉ còn vài bệnh nhân.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết hiện bệnh viện còn hơn 30 bệnh nhân Covid-19, trong đó 2/3 bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh khác kèm dương tính với Covid-19.
Trước đó, vào giai đoạn cao điểm, các bệnh viện này tiếp nhận tới hàng trăm bệnh nhân.
Đợt dịch Covid-19 thứ tư tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 27.4.2021, nhưng bùng phát mạnh từ cuối tháng 5.2021 và ca tử vong đầu tiên tại TP.HCM là ngày 2.6.2021. Từ trung tuần tháng 7.2021, số ca mắc và tử vong gia tăng mạnh. Đỉnh điểm là ngày 23.8.2021, thành phố có 340 ca tử vong. Thời điểm đó, thành phố phải quản lý, chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 ca F0 nặng.
Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân y, tình nguyện viên, các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến, thuốc kháng vi rút, TP.HCM cũng đã tiêm 20,6 triệu liều vắc xin Covid-19…số ca F0 mắc mới và tử vong đã giảm dần. Đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, số ca mắc mới và tử vong của TP.HCM giảm sâu. Từ trung tuần tháng 1.2022, số tử vong tại TP.HCM kéo giảm xuống dưới 10 ca, số ca mắc mới cũng dưới 1.000 ca.
Sau Tết Nguyên đán 2022, tức từ trung tuần tháng 2, dịch Covid-19 với biến thể chính là Omicron đã làm số ca mắc tăng vọt. Đỉnh điểm là đến trung tuần tháng 3, TP.HCM có 111.000 ca mắc Covid-19 phải cách ly, điều trị. Tuy nhiên, số ca tử vong mỗi ngày cũng chỉ 1 - 2 ca, có ngày không có ca nào.
Tính đến ngày 24.4, TP.HCM có 17 ngày liên tiếp không có ca tử vong, chỉ còn 518 ca điều trị ở bệnh viện tầng 2, tầng 3 (20 ca thở máy xâm lấn) và 5.646 ca đang cách ly tại nhà, 2 ca cách ly tập trung.
Lãnh đạo một số bệnh viện khác tại TP.HCM cho biết công tác khám chữa bệnh hiện chưa phục hồi như trước dịch, tuy nhiên khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì bệnh nhân có thể sẽ đi khám nhiều hơn.
Nhân dân nếu có bệnh thì nên đi khám bệnh để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Khi đi khám bệnh thì phải đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần khi không cần thiết và rửa tay.
Nhiều bác sĩ cũng cho rằng việc khai báo y tế hiện nay là không có giá trị. Thực tế một số bệnh viện và đơn vị tại TP.HCM cũng đã không còn yêu cầu khách hàng, bệnh nhân khai báo y tế, mặc dù quy định về việc này chưa được bỏ.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, về hoạt động khám chữa bệnh, trong quý 1/2022, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận gần 6,8 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú và hơn 312.000 lượt nội trú, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 là 9,3 triệu lượt ngoại trú và hơn 482.000 lượt nội trú). Riêng khám chữa bệnh BHYT giảm đến hơn 25% so với quý 1/2021, và số chi phí khám chữa bệnh BHYT là 3.763 tỉ đồng, giảm hơn 16%.
Trong quý 2.2022, TP.HCM sẽ đổi mới khám chữa bệnh trong tình hình mới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đó là các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện 2 chức năng vừa khám chữa bệnh thông thường và Covid-19. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện mà nhiễm Covid-19 thì tách ra khu riêng để điều trị. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đề xuất xem xét lại có cần tiếp tục khai báo y tế, vì khai báo y tế là để truy vết nhưng hiện nay không còn truy vết nữa.
Ghi nhận có tổn thương gan ở trẻ mắc MIS-C hậu Covid-19
Mới đây, thông tin từ văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết nước Anh đang chứng kiến "sự gia tăng đáng kể và đột ngột" các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới bệnh Covid-19.
Ghi nhận có tổn thương gan ở trẻ mắc MIS-C hậu Covid-19 |
WHO đã nhận được thông báo về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền trung Scotland vào ngày 5.4 vừa qua. Đến ngày 8.4, con số này đã tăng đột biến, lên 74 trường hợp ghi nhận trên toàn nước Anh.
Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi này nhiễm các loại vi rút viêm gan A, B, C và E, thậm chí vi rút viêm gan D ở một số trường hợp, song phát hiện các em nhiễm một trong hai loại vi rút SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó có nhiều em nhiễm đồng thời cả hai loại vi rút này. Theo WHO, cần phải thực hiện các phân tích về di truyền của vi rút để xác định bất kỳ mối liên hệ nào có thể xảy ra giữa các trường hợp vừa nêu. Tính đến ngày 11.4, chưa có trường hợp nào tử vong.
Sau báo cáo về các ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại Anh, các trường hợp tương tự đã xuất hiện ở Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ.
Các triệu chứng của những bệnh nhi trên bao gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. WHO kêu gọi các quốc gia xác định, điều tra và báo cáo về những trường hợp tương tự.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến vi rút Adenovirus.
Theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau (trên 2 bộ phận) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.
Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc,… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế để biết có mắc hậu Covid-19 hay hội chứng MIS-C hay không.
Đối với hội chứng MIS-C, không có "chuẩn vàng" để chẩn đoán, cần tập hợp nhiều triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán bằng cách loại trừ với các bệnh lý khác (các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhưng không liên quan đến Covid-19 như nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa cấp, viêm tiết niệu,.. Đặc biệt cần phân biệt nhất là giữa MIS-C và Covid-19 cấp tính; giữa MIS-C và Kawasaki (sốt cấp kèm phát ban toàn thân).
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh thêm rằng không phải trẻ nào mắc Covid-19 cũng bị hội chứng này, mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.
Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc Covid-19. Cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như 5K và cho trẻ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch.
Tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19 nặng/nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ bị hội chứng MIS-C.
Công an tìm người đã chuyển tiền vụ “bác sĩ Trần Khoa”
Liên quan nhóm từ thiện lừa đảo "bác sĩ Trần Khoa", ngày 25.4.2022, thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cho biết cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh tin báo về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vụ 'bác sĩ Trần Khoa' lừa đảo tiền từ thiện: Các nạn nhân cần liên hệ ngay Công an TP.HCM |
Bước đầu, cơ quan công an xác định Nguyễn Thị Minh Thy (24 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) cùng đồng bọn dùng thủ đoạn đăng các bài viết hư cấu về những câu chuyện cảm động, dựng lên nhân vật "bác sĩ Trần Khoa" hòng kêu gọi gây quỹ từ thiện, nhận tiền từ những nhà hảo tâm để trục lợi.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định vào năm 2018, Thy đã lập và quản lý quỹ của "Nhóm từ thiện 82" trên Facebook, nhằm mục đích kêu gọi, bán hàng gây quỹ từ thiện và nhận tiền từ những nhà hảo tâm.
PC02 cho biết hiện đang mời những cá nhân, tổ chức đã ủng hộ tiền, tài sản cho Thy, "Nhóm từ thiện 82" và "bác sĩ Trần Khoa" đến PC02 để cung cấp thông tin liên quan đến vụ án này.
Theo PC02, vào tối 7.8.2021, tài khoản mạng xã hội Facebook “Trần Khoa” đăng tin có nội dung “bác sĩ” đã rút ống thở của mẹ đang bị Covid-19 để nhường cho sản phụ song thai đang điều trị cùng phòng tại một bệnh viện ở TP.HCM. Câu chuyện "cảm động" này nhanh chóng lan truyền mạnh trên mạng xã hội, khiến nhiều người quan tâm, được hàng loạt tài khoản Facebook chia sẻ.
Sở Y tế TP.HCM sau khi kiểm tra, xác minh đã khẳng định câu chuyện "bác sĩ Trần Khoa" là hư cấu, bịa đặt.
Tuy nhiên, có nhiều cá nhân, tổ chức cảm động trước câu chuyện trên đã ủng hộ tiền, tài sản cho Thy, "Nhóm từ thiện 82", "bác sĩ Trần Khoa" rồi bị nhóm từ thiện giả mạo này chiếm đoạt.
Nhiều tài khoản Facebook sau đó đã bị Sở TT-TT TP.HCM xử phạt về hành vi thông tin, chia sẻ các câu chuyện bịa đặt về "bác sĩ Trần Khoa".
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra vụ lừa đảo của nhóm "bác sĩ Trần Khoa".
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 25.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)