Bản tin Covid-19 ngày 24.4: Cả nước hơn 10,5 triệu ca | Số ca nhiễm mới giảm còn 4 con số
Bản tin Covid-19 ngày 24.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 24.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 8.813 ca Covid-19, 4.581 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 24.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 23.4 đến 16h ngày 24.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.813 ca nhiễm mới, 4.581 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 9 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 43.013 ca.
Thông tin về 8.813 ca nhiễm mới như sau:
- 1 ca nhập cảnh.
- 8.812 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.553 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 6.245 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (970), Bắc Giang (540), Phú Thọ (511), Quảng Ninh (495), Nghệ An (442), Yên Bái (424), Lào Cai (325), Tuyên Quang (311), Vĩnh Phúc (302), Thái Nguyên (297), Bắc Kạn (278), Thái Bình (249), Quảng Bình (236), Nam Định (216), Hải Dương (207), Đắk Lắk (189), Hưng Yên (177), Gia Lai (165), Cao Bằng (163), Lạng Sơn (162), Lâm Đồng (162), Hà Tĩnh (137), Bắc Ninh (126), Ninh Bình (126), Lai Châu (120), Đà Nẵng (116), Bến Tre (107), Hòa Bình (94), Hà Nam (87), Hà Giang (87), Vĩnh Long (87), Quảng Trị (72), Thanh Hóa (71), Sơn La (71), Điện Biên (70), Bình Định (67), Quảng Nam (56), Bình Phước (56), Bà Rịa - Vũng Tàu (54), Hải Phòng (49), TP.HCM (48), Tây Ninh (41), Phú Yên (40), Quảng Ngãi (31), Đắk Nông (29), Bình Dương (28), Cà Mau (27), Bình Thuận (25), Thừa Thiên Huế (13), Đồng Tháp (10), Khánh Hòa (9), Cần Thơ (6), Bạc Liêu (6), Kiên Giang (5), Đồng Nai (4), Long An (4), Trà Vinh (4), An Giang (4), Kon Tum (2), Hậu Giang (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-242), Bà Rịa - Vũng Tàu (-156), Gia Lai (-153).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+137), Bến Tre (+67), Lai Châu (+38).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.593 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.563.502 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.794 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.555.753 ca, trong đó có 9.083.258 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.540.742), TP.HCM (608.010), Nghệ An (479.585), Bắc Giang (383.704), Bình Dương (383.191).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.581 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.086.075 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 612 ca, trong đó
- Thở ô xy qua mặt nạ: 476 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 63 ca
- Thở máy không xâm lấn: 18 ca
- Thở máy xâm lấn: 54 ca
- ECMO: 1 ca
Từ 17h30 ngày 23.4 đến 17h30 ngày 24.4 ghi nhận 9 ca tử vong tại: Cần Thơ (2), Đắk Lắk (2), Quảng Ninh (2), Bạc Liêu (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 10 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.013 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.490.331 mẫu tương đương 85.789.114 lượt người.
Trong ngày 23.4 có 397.919 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 212.390.774 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.475.837 liều: Mũi 1 là 71.433.026 liều; Mũi 2 là 68.594.984 liều; Mũi 3 là 1.505.754 liều; Mũi bổ sung là 15.199.860 liều; Mũi nhắc lại là 37.742.213 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.339.166 liều: Mũi 1 là 8.884.614 liều; Mũi 2 là 8.454.552 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 575.771 liều (mũi 1).
TP.HCM không còn ca Covid-19 nào cách ly tập trung
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 23.4.2022, TP.HCM có 76 ca mắc Covid-19 (bao gồm: 60 ca phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, 16 ca phát hiện tại cộng đồng). Số ca nghi ngờ (do người dân tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, chưa đủ điều kiện khẳng định là ca bệnh) là 211 ca.
TP.HCM không còn ca Covid-19 nào cách ly tập trung |
Hiện tại, số ca mắc Covid-19 mới được khẳng định tại TP.HCM đã giảm dưới 100 ca/ngày.
Tổng số ca mắc Covid-19 (cộng dồn) do Bộ Y tế công bố tại TP.HCM đến nay là hơn 608.800 ca.
Cũng trong ngày 23.4, TP.HCM chỉ có 40 ca mắc Covid-19 nhập viện. Tổng số ca đang nằm bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 497 ca (trong đó có 429 ca điều trị ở tầng 2, 68 ca điều trị ở tầng 3).
Số ca có hỗ trợ hô hấp giảm còn là 135 ca. Số ca đang thở máy xâm lấn là 20 ca.
Hiện nay cũng chỉ còn 16 trẻ em dưới 16 tuổi và 1 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nằm viện.
Hiện trên địa bàn TP.HCM không còn ca mắc Covid-19 cách ly tập trung tại quận, huyện, phường, xã. Thành phố còn 5.873 ca đang cách ly tại nhà. Đã 16 ngày liên tục TP.HCM không có ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong trên địa bàn TP.HCM cộng dồn đến hiện tại là gần 20.500 ca.
UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Bộ tiêu chí đánh giá có 3 phần: tiêu chí an toàn chung, tiêu chí đặc thù và tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống.
Đối với tiêu chí an toàn chung được áp dụng cho tất cả hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực. Cụ thể như sau:
- Tiêu chí A1 - đeo khẩu trang được áp dụng cho tất cả người dân, người lao động, người tham gia các hoạt động đều phải tuân thủ đeo khẩu trang theo quy định hiện hành. Có bố trí nhân sự kiểm tra, nhắc nhở việc tuân thủ đeo khẩu trang. Tiêu chí này không áp dụng với nhóm trẻ mầm non; người đang biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao nhưng không phải là người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19; người đang ăn uống.
- Tiêu chỉ A2 - đảm bảo thông khí. Cụ thể, tất cả các cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở trong thời gian làm việc, sinh hoạt... để thông khí. Đối với các không gian kín phải có biện pháp thông thoáng (có thể sử dụng quạt hút hoặc hệ thống thông gió; mở cửa phương tiện, mở cửa phòng sau mỗi lượt hoạt động...).
- Tiêu chỉ A3 - tiêm vắc xin Covid-19. Cụ thể, tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 đủ các mũi tiêm theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 3 tháng trên toàn bộ người lao động, học sinh, sinh viên, đối tượng được quản lý tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện ma túy… đạt 90%.
- Tiêu chí A4 - vệ sinh khử khuẩn. Cụ thể, có bố trí các điểm rửa tay phù hợp, đầy đủ vòi rửa tay; có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh cho người lao động và đối tượng sử dụng dịch vụ. Có thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà, nhà vệ sinh, khu vực ngoài trời, tay vịn, trụ ATM... ), phương tiện vận chuyển với hóa chất vệ sinh khử khuẩn (xà phòng, Javel, Cloramin B... ) tối thiểu 1 lần/ngày (2 lần/ngày đối với cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở sản xuất ) hoặc khi cần thiết.
- Tiêu chí A5 - kiểm soát người đến các địa điểm. Cụ thể, các địa điểm có sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra vào. Phân công người đăng nhập vào Hệ thống an toàn Covid-19 TP.HCM để quản lý và sử dụng thông tin phục vụ phòng, chống dịch của TP.HCM. Bố trí nhân sự kiểm soát, nhắc nhở người ra vào địa điểm. Đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.
- Tiêu chí A6 - Phương án phòng, chống dịch Covid-19. Tiêu chí này áp dụng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, các đơn vị có thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Tổ an toàn Covid-19; có kế hoạch phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị bao gồm các nội dung như: phương án hoạt động, sản xuất; quy trình xử lý khi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
TP.HCM đã tiêm vắc xin cho gần 155.000 trẻ từ 5 - 12 tuổi
Ngày 24.4.2022, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM trong ngày 23.4, TP.HCM đã tổ chức 57 điểm tiêm lưu động (trường học) trên địa bàn 6 quận, huyện, TP.Thủ Đức để tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi. Trong ngày có hơn 10.700 trẻ được tiêm, 295 trẻ hoãn tiêm, 10 trẻ được chuyển đến bệnh viện để tiêm.
TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho gần 155.000 trẻ từ 5 - 12 tuổi |
Như vậy, tính từ ngày bắt đầu tiêm 16.4, đến hết ngày 23.4, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho gần 155.000 trẻ từ 5 - 12 tuổi. Trong số này có 3.427 trẻ hoãn tiêm, 519 trẻ được chuyển bệnh viện viện tiêm. Bên cạnh đó có khoảng 22 trẻ có phản ứng sau tiêm nhưng đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định.
Công tác tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống Covid-19.
Dự kiến, trong ngày 24.4, TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trong buổi sáng với 6 điểm tiêm, 23 bàn tiêm tại 2 quận (gồm: Q.8, Q.Gò Vấp) với khoảng 2.509 trẻ.
Đến hiện tại, TP.HCM đã tiêm khoảng 21 triệu liều vắc xin Covid-19, bao gồm hơn 8,2 triệu liều mũi 1, hơn 7.3 triệu liều mũi 2, gần 683.000 liều mũi bổ sung, hơn 4,2 triệu liều mũi nhắc lại.
Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 của TP.HCM là đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho người từ 12 - 17 tuổi. Đồng thời tổ chức tiêm tại nhà cho những người khó khăn trong việc di chuyển; tiếp tục tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 - 12 tuổi.
Không được lạm dụng dịch vụ điều trị hậu Covid-19
Ngày 22.4.2022, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19.
Không được lạm dụng dịch vụ điều trị hậu Covid-19 |
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám,chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và sau mắc Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn bộ đã ban hành; thực hiện khám chữa bệnh theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa. Khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao các đơn vị như Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Thanh tra (Bộ Y tế); các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn; thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.
Bộ Y tế cho biết các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau mắc Covid-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng, hoặc tái phát. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hay khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực… Khi các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid khiến cho sức khỏe suy giảm kéo dài, giảm khả năng làm việc hoặc sinh hoạt bình thường, người dân cần đi khám. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa được khám hậu Covid theo phạm vi chuyên môn và hướng dẫn được Bộ Y tế cho phép, không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không được cấp phép hoặc các bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng.
Hơn 40% người khỏi bệnh sẽ bị hậu Covid-19
Theo thông tin từ tờ The Washington Post (Mỹ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bắt đầu đưa ra định nghĩa lâm sàng về các triệu chứng hậu Covid-19 vào tháng 10.2021. Tính đến nay, có rất nhiều triệu chứng hậu Covid-19 được liệt kê, trong đó phổ biến nhất là mệt mỏi, sương mù não và khó thở.
Hơn 40% người khỏi bệnh sẽ bị hậu Covid-19 |
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Đại học Michigan (Mỹ) đã mang đến nhiều thông tin hữu ích về triệu chứng hậu Covid-19. Các tác giả đã phân tích dữ liệu của 1,6 triệu người thu thập từ 50 nghiên cứu khác nhau.
Các phân tích cho thấy khoảng 43% người khỏi Covid-19 trên toàn thế giới sẽ xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19. Tuy nhiên, khoảng thời gian kết thúc các triệu chứng này là khác nhau.
Tỉ lệ khỏi triệu chứng hậu Covid-19 trong 1 tháng là 37%, trong 2 tháng là 25% và 3 tháng là 32%. Đặc biệt, khoảng thời gian các triệu chứng này kéo dài 4 tháng xuất hiện ở 49% người mắc.
Tiến sĩ Bhramar Mukherjee, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đã thực sự ngạc nhiên khi thấy kết quả phân tích này, đặc biệt là mệt mỏi và các vấn đề về trí nhớ là 2 triệu chứng hậu Covid-19 được báo cáo nhiều nhất.
Theo The Washington Post, trong khi đó, nguy cơ mắc hậu Covid-19 là khác nhau giữa các khu vực. Tại châu Á, khoảng 51% người khỏi bệnh sẽ mắc tình trạng hậu Covid-19. Tỉ lệ ở châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt là 44% và 31%.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 24.4 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)