Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính tầm nhìn toàn cầu

Mai Phương
Mai Phương
25/02/2022 13:53 GMT+7

Đó là đề xuất tại Hội thảo "Đề án phát triển TP.HCM thành Trung tâm tài chính quốc tế" với sự tham gia của nhiều chuyên gia.

Hội thảo sáng 25.2 nhằm để lãnh đạo thành phố tiếp tục lắng nghe ý kiến từ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu để hoàn thiện đề án Phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế. Mô hình TTTC TP.HCM được xây dựng gồm ba cấu phần. Thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng với mục tiêu thu hút và phát triển ngân hàng theo hướng hình thành các tập đoàn tài chính; Thúc đẩy các dịch vụ và thị trường tiền tệ mới gắn với đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các doanh nghiệp startup về công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số. Thứ hai là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; Dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế... Thứ ba là thị trường hàng hóa phái sinh, gồm việc hình thành và phát triển Sở giao dịch hàng hóa TP.HCM; Kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu...

Các chuyên gia góp ý cho Đề án phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính

M.P

Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, bản thân TP.HCM đã đóng góp 95% trong thị trường vốn của cả nước và thực tế là Trung tâm tài chính (TTTC) của quốc gia. Vì vậy cần nhấn mạnh là xây dựng TTTC với tầm nhìn toàn cầu chứ không phải chỉ riêng khu vực với lộ trình từ quốc gia tới khu vực và quốc tế. Trong đó cần phải có những đột phá về chính sách để đạt được mục tiêu.

TS Nguyễn Xuân Thành - Trường ĐH Fulbright Việt Nam - cho rằng hiện nay TP.HCM có khoảng 200 doanh nghiệp Fintech, có nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng thật sự chưa có tập đoàn tài chính. Liệu sắp tới những đơn vị đó có thể trở thành những tổ chức tài chính số hay không? Hay vẫn chỉ là những công ty ngân hàng thực hiện chức năng huy động vốn, hay làm môi giới... Nếu khung pháp lý chưa đủ thì sẽ không cho phép những mô hình hoạt động mới. Rõ ràng cần phải có một số chính sách đột phá để TP.HCM vươn lên, bắt kịp và có khả năng ngang bằng Thái Lan và là một TTTC mạnh trong khu vực ASEAN.

Ông nhấn mạnh: Thái Lan đã có chính sách để cấp phép cho ngân hàng số độc lập. Hay Singapore năm trước cũng cấp phép cho ngân hàng truyền thống có thêm bộ phận ngân hàng số hoặc công ty Fintech có mảng ngân hàng số. Ông đề xuất bước đầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số và từ từ đưa vào luật Các tổ chức tín dụng, cấp phép thí điểm cho ngân hàng số độc lập hoạt động. Hay có nhiều dịch vụ Fintech không biết phân vào đâu, công nghệ, tài chính hay ngân hàng? Vì vậy có thể phân quyền cho TTTC được quyền cấp phép các dịch vụ này theo cơ chế thử nghiệm (Sandbox)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.