Xe

Xe buýt ký sự - Kỳ 3: Chuyện đời sau tay lái

03/11/2017 09:06 GMT+7

Xe buýt lấn làn, vượt ẩu, bóp còi inh ỏi... là 'chuyện thường ngày' mà rất nhiều người dân than phiền. Tài xế xe buýt nói gì về chuyện này?

Bỏ khách để tăng chuyến, chạy ẩu cho kịp giờ
Cuộc đời tui chỉ còn biết vui buồn trên những chuyến xe. Tết tui chỉ xin nghỉ một ngày về quê làm mâm cơm cúng ông bà rồi chạy vội lên lại Sài Gòn. Nghề TX xe buýt đâu có nghỉ tết, riết rồi cũng quen…
Tài xế Trần Văn Hùng
Do áp lực thời gian, lại phải chạy liên tục nên nhiều tài xế (TX) phải lái xe trong cơn đói cồn cào. Đó cũng là “động lực” khiến họ đạp chân ga chạy nhanh hơn về bến để có thời gian ăn cơm.
“Đi xe, bụng mau đói lắm. Có khi vừa lái xe vừa để hộp cơm bên cạnh, đường vắng là lùa một muỗng. Nên tụi tui nhiều khi phải ráng chạy nhanh về bến trước thời gian quy định (mỗi chuyến xe quy định 1 giờ 15 phút), kiếm được bữa cơm thư thả mà không thấp thỏm lo tới giờ xuất bến”, ông T. (50 tuổi, TX tuyến số 18) cho biết.
Để “bào” được nhiều chuyến trong ngày, TX tên T. (35 tuổi, quê Đồng Nai) còn có chiêu khác độc hơn. “Đi xe, mình để ý đằng sau có xe buýt nào khác không. Nếu có thì khi khách xuống trạm, cứ cho xe tấp vào lề cách trạm dừng... mấy chục mét. Thế là khỏi đón khách mới, cho xe sau nó hưởng hết, mình tiết kiệm được mớ thời gian chứ chẳng chơi”, T. tiết lộ.
Làm tiếp viên (TV) trên nhiều chuyến xe, tôi nhận thấy xe buýt thường xuyên chạy lấn vào làn xe máy (dù không phải lúc lên xuống trạm), bóp còi inh ỏi mà chưa lần nào bị lực lượng chức năng thổi phạt.

tin liên quan

Xe buýt ký sự - Kỳ 2: Trên những chuyến xe
Bà già khó chịu, ông già chịu chơi, cô gái “ở dơ”, thanh niên bựa, dân móc túi… Trên những chuyến xe buýt là cả một xã hội thu nhỏ với đầy đủ những cung bậc cảm xúc.
Việc chạy xe quay đầu liên tục khiến tài xế có rất ít thời gian ăn uống, ngủ nghỉ

“Cậu nghĩ coi, tiền lương thưởng đều phụ thuộc vào số chuyến nên TX nào cũng cố gắng “bào” thật nhiều. Đường sá lại kẹt xe vầy thì bảo sao không chạy ẩu cho kịp. Lỡ trễ quá giờ bị lập biên bản thì phiền phức lại không được thưởng cuối tháng”, một TX kể.
Trên chuyến xe buýt chiều 21.9, TX tên V. (32 tuổi, ngụ Q.12) đang lúc “dầu sôi lửa bỏng”, chạy quá giờ quy định nên... làm liều. Lộ trình của xe chạy từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tới đường Hàm Nghi thì anh này quẹo luôn qua đường Lê Lợi (Q.1) để kịp cập bến.
“Ôi trời! Xe bữa nay sao chạy đường này bác tài ơi? Tui xuống trạm bên đường Hàm Nghi mà”, một hành khách tá hỏa hỏi. “Bữa nay xe được phép chạy bên này rồi. Ai xuống chợ Bến Thành hay qua đường Hàm Nghi tui mở cửa, xuống lẹ rồi đi bộ qua luôn nè”, TX cười khúc khích trả lời như thật.
Ông Trần Văn Hùng (tài xế tuyến số 150) ăn vội hộp cơm rồi sau đó ngủ luôn
Chồng tài xế vợ tiếp viên
Đi làm từ khi mọi người chưa thức, về tới nhà lúc mọi người đã ngủ say, nghề TV và TX xe buýt hầu như ít có điều kiện giải trí, giao lưu với “thế giới bên ngoài”. Thành ra, chỉ có TV và TX mới tiếp xúc thường xuyên với nhau, từ đó mà nhiều cặp nên duyên chồng vợ.
“Cái nghề này chỉ có TV và TX mới hiểu và san sẻ khó khăn được. Cho nên tui với ổng (TX xe buýt tuyến 24) mới quen và lấy nhau, tới nay cũng được mấy năm rồi”, chị Trinh (30 tuổi, ngụ H.Hóc Môn), TV tuyến số 18, kể.
Có 9 năm thâm niên trong nghề TV, mỗi ngày xong việc chị Trinh lại chạy xe máy về nhà tận Hóc Môn. “Hai vợ chồng có đứa con 6 tuổi nên ngày nào cũng về với nó. Nhiều lúc tới nhà, tắm rửa cơm nước xong xuôi cũng gần 12 giờ khuya, ngủ được vài ba tiếng lại rời con, đi làm tiếp”, chị Trinh cười, đôi mắt buồn hiu.

Anh Nguyễn Thành Lâm (41 tuổi, tiếp viên tuyến 150) lau chùi xe buýt sau một ngày ngược xuôi
Tuyến xe buýt số 18 có vợ chồng chị Diễm TV (28 tuổi, ngụ Q.12) và anh An TX (35 tuổi) kết hợp rước trả khách và soát vé rất ăn ý. “Hí hí, ổng là chồng tui đó. Tui theo nghề này hồi còn con gái 19 tuổi, làm được 4 năm thì bị... ổng dụ, cưới nhau từ đó tới giờ, sinh được 2 đứa rồi”, chị Diễm kể.
Khi xe đậu ở Bến xe buýt Hiệp Thành (Q.12) thì hai vợ chồng về nhà với con. Khi xe đậu ở Bến xe buýt công viên 23/9, xa nhà quá thì cột võng, ngủ lại. “Ở nhà có ông bà nội trông giùm. Hồi đó sinh con được 3 tháng tui lại tiếp tục đi làm. Hai vợ chồng đi chung xe bảo bọc nhau”, chị Diễm nói rồi nháy mắt: “Còn lý do nữa, biết sao đi chung không? Đi để... giữ chồng. Ớn lắm, TX và TV xe buýt dễ bồ bịch lung tung với hành khách lắm”.
Một đêm tháng 10, tôi với TX Trần Văn Hùng (quê H.Đức Hòa, Long An, chạy tuyến số 150) cùng nghỉ ngơi trên xe ở Bến xe buýt Chợ Lớn. Sài Gòn dạo này mưa liên tục, bất kể đêm ngày. Ngồi trong bến xe hiu quạnh, lùa vội hộp cơm đến nghẹn ở cổ họng, tự dưng ông Hùng buồn thiu, nhìn tôi tâm sự: “Cuộc đời tui chỉ còn biết vui buồn trên những chuyến xe. Ở quê cha mẹ mất, vợ thì ly dị mười mấy năm nay, đứa con trai cũng ở với mẹ nó. Tết tui chỉ xin nghỉ một ngày về quê làm mâm cơm cúng ông bà rồi chạy vội lên lại Sài Gòn. Nghề TX xe buýt đâu có nghỉ tết, riết rồi cũng quen...”.
Sống ổn với nghề
Theo tiết lộ của TX xe buýt, mỗi ngày họ chạy được 8 - 10 chuyến. Mỗi chuyến TX được trả từ 40.000 - 55.000 đồng, tùy tuyến xe. Ví dụ, TX chạy tuyến số 145 được trả 42.000 đồng/chuyến. TX tuyến số 18 và 150 được trả 55.000 đồng/chuyến. Tính ra, TX kiếm được khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ngày, chưa kể tiền thưởng cuối tháng (từ 1 - 2 triệu đồng).
Tuy vất vả nhưng nếu chịu khó tích góp, dành dụm nhiều, TX cũng “ăn nên làm ra” nhờ nghề. “Hồi đó nhà tui nghèo lắm, 6 anh chị em phải tha phương cầu thực. Tui lái xe buýt ở Sài Gòn mười mấy năm rồi. Giờ cuộc sống cũng tạm ổn định, mua được căn nhà ở H.Củ Chi. Có đứa em trai cũng xin vô làm TX, vừa mới lấy vợ. Ráng làm, dành dụm thì cuộc sống mình cũng ngon lành chứ không đến nỗi nào”, một TX quê H.Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.