Đầu giờ chiều 12.10, PV Thanh Niên khảo sát tại khu vực Q.10, Q.Tân Bình, Q.3, các cây xăng đóng cửa vào ngày hôm trước đã mở lại, những nơi khác thì chỉ hoạt động 1/3 công suất. Khách vẫn phải xếp hàng, mặc dù là không còn chen chúc, nhưng để đổ đầy bình xăng thì người mua cũng mất khoảng 5 - 10 phút.
"Tôi luôn nhìn cây kim chỉ xăng trên đồng hồ xe của mình"
Đứng đợi tại cửa hàng Petrolimex ở ngã ba đường Lý Thường Kiệt - Bắc Hải (Q.Tân Bình), Nguyễn Thị Thùy Trâm, sinh viên Trường ĐH Sư phạm chỉ tay vào thông số hiển thị xăng trên chiếc xe máy của mình và nói: “Xăng xe của tôi còn nửa bình nhưng tôi vẫn đến đây đổ xăng vì... bị ám ảnh về cảnh tượng dòng người rồng rắn xếp hàng chờ đổ xăng những ngày gần đây. Bản thân từng phải nghỉ làm thêm, rồi dắt xe hàng cây số vì các cửa hàng xăng tôi đến đều đóng cửa”.
Đồng cảm với Thùy Trâm, anh Lê Chí Hiếu làm nghề chạy xe ôm công nghệ, sống ở hẻm 40 Nguyễn Giản Thanh, P.15, Q.10 cho hay anh cảm thấy an tâm trở lại khi hiện tượng thiếu xăng gần như đã được giải quyết và xe anh Hiếu không còn tình trạng cạn kiệt nhiên liệu nữa, nhưng bản thân vẫn còn lo sợ.
Đến giờ anh Hiếu vẫn còn ám ảnh cảnh tượng chen chân, xếp hàng nối dài mua xăng |
TẤN ĐẠT |
Anh Hiếu nói hồi đó tôi đợi xe gần cạn xăng mới đi đổ, nhưng bây giờ thấy nó còn hai vạch là phải đi đổ liền.
“Mấy ngày nay, trong những chuyến chở khách, tôi luôn nhìn cây kim chỉ xăng trên đồng hồ xe của mình và thường xuyên cập nhật những cây xăng còn bán ở TP.HCM. Với lại, mỗi lần chở khách qua các quận, huyện khác là tôi sợ lắm, vì không biết nơi này có cây xăng còn hoạt động hay không, nếu có bán thì tôi "ớn lạnh" với cái cảnh chen chân kinh hoàng, do đó tôi phải "phòng thủ" trước cho an tâm”, anh Hiếu tâm sự.
Thay đổi thói quen
Cảnh tượng các cây xăng đồng loạt đóng cửa, hay hành động chen chân, xếp hàng dài để mua xăng khiến không ít bạn trẻ bị thay đổi thói quen đi lại, sinh hoạt.
Điển hình như Lưu Nguyễn Hoài Nhân, sống tại hẻm 606 đường 3 Tháng 2, Q.10, hiện là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa cho biết những ngày hôm nay anh không còn “xách” xe chạy lòng vòng ngoài đường để đi chơi với bạn bè vào buổi tối nữa. Đồng thời, trước khi di chuyển đến một nơi mới, Nhân đều dò ứng dụng, xem đường để biết hướng đi chính xác, tránh bị lạc rồi chạy lòng vòng tốn xăng.
Việc liên quan đến xăng nhiều ngày qua khiến không ít bạn trẻ thay đổi thói quen sinh hoạt |
TẤN ĐẠT |
"Ngày nào tôi có lịch học ở cơ sở gần trường (Q.10) thì tôi cố gắng dậy sớm hơn để đi bộ. Khi học ở cơ sở Thủ Đức thì tôi chạy xe máy, tuy nhiên, mỗi lần tan lớp, thì bản thân đợi thêm khoảng 30 - 45 phút để qua giờ cao điểm, từ đó giúp tôi đi đường thông thoáng, không chạy nhích nhích từng chút cũng đỡ hao xăng", Hoài Nhân chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hà (25 tuổi), sống tại hẻm 606 đường 3 Tháng 2, Q.10 tâm sự rằng qua những vụ việc liên quan đến xăng như những lần tăng giá, khan hiếm từ giữa năm 2022 đến giờ chị đã có suy nghĩ bản thân phải thay đổi thói quen đi lại trước khi quá muộn.
Một số người trẻ chọn đạp xe đi làm, đi chơi thay vì xe máy |
NGUYỄN XUÂN |
"Hơn một tuần nay, tôi bắt đầu đạp xe đi làm. Tuyến đường từ nhà đến công ty chỉ gần 8 km, nên khi bắt đầu với hình thức di chuyển mới tôi không quá khó khăn. Sau vài ngày, tôi cảm thấy cơ thể khỏe hơn, có thêm hứng khởi làm việc và quan trọng hơn cả là không phải lo nghĩ đến chuyện đổ xăng, gây khí thải ô nhiễm tới môi trường", chị Hà bộc bạch.
Bình luận (0)