Grab làm đúng luật
Ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng Phòng tuyên truyền Cục Thuế TP.HCM nói : “Khẳng định với các anh chị là Grab được cơ quan thuế hướng dẫn hoàn toàn theo luật chứ chúng ta không làm gì sai với luật cả. Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến của anh chị, sau đó kiến nghị với Tổng cục Thuế trình với Chính phủ để sửa luật phù hợp với thực tiễn”.
“Công ty Grab sẽ thay mặt tài xế khai và nộp thuế cho các tài xế vào kho bạc nhà nước theo quy định”Ông Nguyễn Văn Thiện |
Ông Thiện chia sẻ thêm, trước năm 2015, nếu cá nhân làm việc ở một công ty có thu nhập từ tiền lương, tiền công; đồng thời có thu nhập từ chạy xe Grab thì sẽ cộng 2 khoản thu nhập này lại để xác định thu nhập tính thuế, do đó mức thuế rất cao. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, thu nhập từ Grab tính riêng, thu nhập trên 100 triệu đồng mới tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 3% trên doanh thu và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 1,5% trên doanh thu, đối với thu nhập là tiền thưởng có thuế suất là 1%. Cụ thể, tiền chạy xe một năm 96 triệu đồng, thưởng 8 triệu đồng, doanh thu là 104 triệu đồng, vậy tiền thuế là 96 triệu đồng x 4,5% (3% + 1,5%) + 8 triệu đồng x 1%.
Thu nhập thấp còn đóng thuế
Liên quan đến doanh thu 100 triệu đồng, tài xế Đỗ Ngọc Thịnh bức xúc cho hay: “Tôi chạy Grab khoảng 2 - 3 năm nay, để có được doanh thu 100 triệu đồng/năm, tài xế phải chạy xe từ 10 - 12 giờ mỗi ngày, làm việc ngoài giờ thay vì 8 tiếng như các lao động khác. Quy định hiện nay thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế, tôi phải chấp hành tuy nhiên quy định phải bình đẳng”. Theo ông Thịnh, các tài xế “cày” (tức chạy xe - PV) ngày, cày đêm giữa trời mưa, nắng, đối diện với những rủi ro, nguy hiểm như tai nạn, va quẹt… để mong có được tiền trả tiền thuê nhà, nuôi gia đình, trả tiền học phí cho con… Thế nhưng kiếm được 100 triệu đồng, đã đóng 4,5% tiền thuế là bất công cho người chạy xe vì họ phải đổ xăng, đổ nhớt, sửa xe… mới có được số tiền này. Chính vì vậy, ông Thịnh kiến nghị cho trừ đi những chi phí này trước khi tính thuế, kể cả việc cho trừ gia cảnh, người phụ thuộc vì tài xế nào mà không có gia đình, nuôi vợ con. “Dù rằng thu thuế 4,5% đối với người có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là không sai luật nhưng quá tàn nhẫn với người chạy xe”, ông Thịnh nói.
Một tài xế khác bức xúc dẫn chứng vợ ông này làm việc trong một công ty có thu nhập 16 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi gia cảnh và người phụ thuộc, số thuế mà vợ tài xế này đóng khoảng 2 triệu đồng/năm. Trong khi một tài xế chạy xe 8 giờ một ngày có được mức thu nhập tương đương sẽ phải đóng thuế gấp 3 - 4 lần. Các tài xế chạy xe còn phải tốn tiền xăng (100 km mất khoảng 1 triệu đồng tiền xăng), đó là chưa kể công việc đặc thù, đau lưng, phải chịu ảnh hưởng khói bụi ngoài đường… Vị này cho rằng, nếu xác định thu nhập tài xế Grab là kinh doanh thì cho trừ đi chi phí.
Đề xuất doanh thu 150 triệu/năm mới phải đóng thuế
Với đơn khiếu nại đã soạn sẵn đến buổi gặp mặt, tài xế Phạm Mi Sên bức xúc : Từ năm 2018, các tài xế đã nhận được thông báo nghĩa vụ thuế. 4 bên gồm tài xế GrabBike, Chi cục Thuế Q.10, Cục Thuế TP.HCM và Công ty Grab đã có buổi làm việc, cơ quan thuế đã ghi nhận những ý kiến của tài xế nhưng gần 2 năm trôi qua, những bất cập này vẫn không sửa đổi. Ông Sên cho rằng công việc tài xế GrabBike bằng phương tiện xe hai bánh đối diện với những điều kiện làm việc không an toàn như các phương tiện khác mà lại áp dụng chung một biểu thuế là chưa hợp lý. Do đó kiến nghị mức doanh thu trên 150 triệu đồng/năm mới tính thuế. Đồng thời, thuế GTGT do người tiêu dùng trả, người cung cấp sản phẩm dịch vụ chỉ là thu hộ thông qua giá thành sản phẩm. Vì vậy việc tính thuế GTGT vào thu nhập của tài xế là chưa hợp lý. Chính vì vậy kiến nghị tạm thời chưa áp dụng mức thuế này cho đến khi có giải pháp.
“Chúng tôi là những người lao động thuộc nhiều thành phần khác nhau nhưng có một điểm chung là không đủ điều kiện để tìm công việc phù hợp. Nhờ có công việc này mà chúng tôi có điều kiện lao động, vượt qua nghịch cảnh khó khăn để nuôi gia đình, chăm lo cho con cái, giảm gánh nặng cho xã hội. Do đó tôi làm đơn này và sẽ thu thập chữ ký của các tài xế kiến nghị có những chính sách điều chỉnh về thuế gửi lên cơ quan chức năng”- ông Sên nói.
Giải thích thêm về thuế GTGT, ông Thiện cho hay hiện nay trong giá xe đã có thuế GTGT nên mới thu. Đối với những đơn vị có chế độ kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ thì khi ra hóa đơn sẽ thể hiện giá chưa thuế, thuế và giá đã bao gồm thuế. Còn đối với những hộ kinh doanh không áp dụng sổ sách kế toán thì tiền thuế đã nằm trong giá. Ông Thiện cho hay cơ quan thuế cũng đã có những tiếp nhận kiến nghị về việc xem xét lại mức 100 triệu đồng/năm trở lên thực hiện đóng thuế. Sau buổi gặp này, cơ quan thuế sẽ tổng hợp để chuyển lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
Bình luận (0)