'Xé rào' cho thảm đỏ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/04/2019 05:01 GMT+7

Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức dự kiến trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây một lần nữa đề xuất, sửa đổi chính sách đối với người có tài năng.

Trong đó, luật cho phép người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng trong cơ quan mình quản lý dựa trên khung của Chính phủ.
Giải trình về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích rằng, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Thực tế, có lẽ không cần tới 10 năm kể từ khi chính sách đối với người có tài năng được đưa vào luật Công chức, viên chức năm 2008, người ta mới nhận thấy rằng, chính sách thu hút người có tài năng vào các cơ quan nhà nước trong suốt thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
Vấn đề quan trọng nhất có lẽ là vì đâu những chủ trương về thu hút nhân tài dù được rất nhiều người ủng hộ, quan tâm song lại không đạt được hiệu quả như mong muốn? Vì đâu, chúng ta không tạo ra được cơ chế, môi trường làm việc để giữ chân được người tài?
Nhiều người hẳn còn nhớ, vào năm 2011, khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields danh giá trong lĩnh vực toán học, người ta đã không khỏi ngậm ngùi với “cơ chế thu hút nhân tài” ở VN khi Viện trưởng Viện Toán học VN khi đó là GS Lê Tuấn Hoa chia sẻ rằng viện này đã nhiều lần phải “xé rào” để trả lương cho GS Châu 5 triệu đồng/tháng khi mời GS Châu về nước làm việc, dù biết mức lương này không bằng 1 ngày GS Châu làm việc ở nước ngoài.
Nhưng việc giữ chân những người có tài năng thực sự không chỉ đơn giản nằm ở mức đãi ngộ. Chính cơ chế tuyển dụng bố trí việc làm dựa quá nhiều vào quan hệ, thiếu minh bạch; chính cơ chế của một môi trường làm việc thiếu sự độc lập, cạnh tranh... là nguyên nhân chính khiến cơ chế thu hút người tài không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, nhiều nhân tài đã phải rũ áo ra đi chỉ sau vài năm được thu hút.
Song, cũng thật khó có thể đòi hỏi nhiều hơn khi chính sách thu hút nhân tài lại bị bó buộc hay tác động bởi những cơ chế khác. Ngay cả khi dự thảo luật cho phép những người đứng đầu cơ quan, đơn vị quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ với người có tài năng nhưng những quy định này e cũng khó có thể vượt ra khỏi chiếc “vòng kim cô cơ chế”.
Để thu hút, sau đó là giữ chân được người tài thì những chủ trương nằm trong nghị quyết là chưa đủ. Nó cần những chính sách hoặc chí ít là những nguyên tắc cụ thể để những người đứng đầu có thể vượt qua rào cản “cơ chế” trong chính sách đối với người tài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.