Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 300, tổng thống Ukraine bất ngờ xuất ngoại gặp tổng thống Mỹ
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết ngày hôm nay 21.12 Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp để thảo luận hoạt động của các lực lượng vũ trang Nga vào năm 2022 và các nhiệm vụ của lực lượng này trong năm tới.
Tự động phát
TASS cho biết tại cuộc họp này, "kết quả hoạt động của lực lượng vũ trang Liên bang Nga vào năm 2022 sẽ được tổng kết, cũng như các nhiệm vụ cho năm tới sẽ được đặt ra".
TASS cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu sẽ có "bài phát biểu quan trọng. Ông Shoigu sẽ báo cáo về tiến độ của hoạt động quân sự đặc biệt, số lượng vũ khí và thiết bị quân sự mà quân đội nhận được trong năm tới, việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, kết quả của các hoạt động quốc tế của Bộ Quốc phòng và bảo trợ xã hội của quân nhân".
Cuộc họp sẽ có sự tham gia của chỉ huy các quân khu của Nga, các nhánh khác nhau của quân đội và các quan chức liên bang. Khoảng 15.000 quan chức của lực lượng vũ trang Nga sẽ tham gia sự kiện này qua cầu truyền hình.
Trước đó, Điện Kremlin cũng bất ngờ xác nhận việc nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào hôm 16.12 đã đến thăm vùng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 300. Truyền thông Mỹ hôm 20.12 dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên phát biểu rằng đang có những quan điểm khác nhau ở Nga về việc có nên mở chiến dịch tấn công mới tại Ukraine hay không.
Theo quan chức này, Nga đang thiếu đạn dược, dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng trên tiền tuyến ở Ukraine. Trong khi đó, số binh sĩ mới được động viên để tham gia lực lượng chiến đấu chưa gắn kết tốt.
Quan chức này cũng tái khẳng định Washington luôn ủng hộ Kyiv trong mọi kịch bản, và cho rằng chiến dịch giành lại lãnh thổ của các lực lượng Ukraine sẽ không dừng lại vì thời tiết mùa đông.
Trong khi đó, tại nơi đang diễn ra giao tranh khốc liệt nhất là ở Bakhmut, hôm 20.12 Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến để gặp gỡ động viên tinh thần binh sĩ Ukraine đang chiến đấu tại đây.
Trong bài phát biểu ghi hình gửi đến lãnh đạo các nước tham gia cuộc họp Lực lượng Viễn chinh Hiệp đồng diễn ra tại Latvia hôm 20.12, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước châu Âu tăng tốc viện trợ các hệ thống phòng không và xe tăng, xe bọc thép cho Ukraine.
Ông nói: “Lực lượng phòng thủ của Ukraine càng thành công thì chiến dịch của Nga thất bại càng nhanh chóng".
Thống kê của Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức cho thấy Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đã viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị hơn 11 tỉ USD. Trong khi đó, Mỹ là bên hỗ trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine với 22,8 tỉ USD, còn Anh và Canada đóng góp 5,5 tỉ USD.
Sau sự hỗ trợ to lớn của Mỹ, và đứng trước những viễn cảnh khó khăn trong mùa đông lạnh giá cũng như việc đảng Cộng hòa sẽ lãnh đạo Hạ viện Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày hôm nay đang đến thăm Mỹ, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24.2.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận Tổng thống Joe Biden đã mời người đồng cấp Volodymyr Zelensky tới Washington. Bà Jean-Pierre nói: "Chuyến thăm sẽ nhấn mạnh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine đến khi nào còn cần thiết, thông qua hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và quân sự".
Liên quan chuyến thăm này, hãng tin RT dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết hiện Mỹ không thấy có con đường ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine trong tương lai gần. Cũng theo quan chức này, Washington giữ lập trường tránh đối đầu trực tiếp với Nga, và giữ cam kết không cho lực lượng Mỹ tham chiến. Việc huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các hệ thống phòng không Patriot sẽ được tiến hành ở một nước thứ 3.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Ông vẫn thường xuyên trao đổi, phát biểu với các lãnh đạo nước ngoài nhưng chỉ qua điện thoại và video trực tuyến. Lần gần nhất ông Zelensky rời Ukraine là khi ông tới Đức dự hội nghị an ninh Munich ngày 19.2, gần một tuần trước khi chiến sự nổ ra.
Chuyến thăm Washington của ông Zelensky rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của Mỹ đối với Ukraine. Washington đã cung cấp các khoản hỗ trợ ước tính 50 tỉ USD, trong đó có trên 20 tỉ USD viện trợ quân sự, nhằm giúp Kyiv đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Chắc chắn hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh phương Tây cho Ukraine là rất cần thiết cho sự sống còn của nước này, không chỉ về quân sự mà cả về kinh tế xã hội. Bởi vì dù chiến sự ở Ukraine đang diễn ra hết sức căng thẳng, nhưng đằng sau đó cũng có một mặt trận khác không kém phần khốc liệt.
Trên mặt trận ngoại giao thì Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier mới đây đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng ảnh hưởng với Nga để kêu gọi nước này chấm dứt chiến sự Ukraine.
Theo một thông cáo do văn phòng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier công bố hôm 20.12 về nội dung cuộc điện đàm giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Đức đã "nhấn mạnh tới lợi ích chung của châu Âu và Trung Quốc trong việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine cũng như vấn đề tôn trọng chủ quyền của Ukraine và việc Nga rút quân".
Trong khi đó, một cường quốc châu Âu khác là Pháp đã chuyển thêm các hệ thống tên lửa phòng không Crotale và nhiều loại vũ khí khác cho Ukraine.
Tổng thống Emmanuel Macron hôm 20.12 cho biết ông đang làm việc với Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Sebastien Lecornu để cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cần thiết cho Ukraine trong quý đầu năm 2023.
Các lô vũ khí dự kiến gồm tổ hợp lựu pháo cơ động Caesar, nhưng ông Macron không cho biết con số chính xác.
Nga liên tục cảnh báo phương Tây về việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Moscow cho rằng làm như vậy chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài thêm và gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây.
Bộ Ngoại giao Nga mới đây phản đối kế hoạch của một thành viên NATO là Hy Lạp về việc chuyển các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga thì làm như vậy là "vi phạm trắng trợn thỏa thuận" giữa Nga và Hy Lạp, và là “hành vi thù địch công khai đối với Nga". Các thỏa thuận mà Moscow nhắc tới là những hiệp ước quy định "cấm Hy Lạp tái xuất các thiết bị quân sự do Nga sản xuất nếu không được Nga đồng ý".
Dù căng thẳng dâng cao nhưng cả Nga và phương Tây cho đến nay vẫn rất kiềm chế trong hành động. Tuy vậy, NATO vẫn đang đẩy mạnh củng cố năng lực quân sự, đặc biệt ở những nước thành viên gần Nga. Chẳng hạn như Ý, trong những năm gần đây đã sắm một phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35 để tham gia tuần tra biển Baltic. Một video mới được công bố đã cho thấy một cuộc chạm trán thú vị giữa chiến đấu cơ thế hệ 5 này với các chiến đấu cơ thế hệ 4 Su-27 của Nga vào hồi tháng 6.
Bình luận (0)