Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 309, tên lửa Ukraine bay vào Belarus, Kyiv nói xin Mỹ 100 cường kích A-10

Thanh Hải - Thế Vinh - Cẩm Tú và 3 người khác
30/12/2022 23:56 GMT+7

Khoảng hơn 2h ngày 30.12, chính quyền vùng Kyiv của Ukraine cảnh báo qua ứng dụng Telegram về việc thành phố bị tập kích và thúc giục người dân nhanh chóng tìm nơi trú ẩn.

Thống đốc vùng Kyiv, ông Olekskiy Kuleba, thông báo trên Telegram rằng: "Một vụ tấn công UAV đang xảy ra".

Theo thông tin ban đầu của chính quyền quân sự Kyiv, ít nhất 5 UAV Geran-2 đã bay vào không phận Kyiv và tất cả đều bị hệ thống phòng không của Ukraine phá hủy.

Vụ tập kích mới diễn ra chưa đầy một ngày sau khi Ukraine cáo buộc Nga tập kích tên lửa và UAV quy mô lớn vào các mục tiêu hạ tầng của nước này, trong đó có cả thủ đô Kyiv. Theo không quân Ukraine, Nga đã bắn 69 tên lửa hành trình từ các máy bay ném bom chiến lược và tàu chiến của Nga ở biển Đen, biển Caspi, cũng như dùng UAV tấn công tự sát. Phía Ukraine cho biết đã bắn hạ 54 tên lửa và 11 UAV.

Vụ tập kích khiến khoảng 20 tòa nhà bị hư hại, 10 cơ sở hạ tầng quan trọng khác bị phá hủy.

Trong cuộc tập kích hôm 29.12, hạ tầng năng lượng của Ukraine tiếp tục là những mục tiêu tấn công chính của Nga. Các cơ sở phát điện tại Kyiv, Kharkiv, Lviv và Odessa đã bị mảnh vỡ tên lửa và UAV cảm tử của Nga đánh trúng, gây ra mất điện trên diện rộng.

Tại thủ đô Kyiv, chính quyền địa phương xác nhận 40% người dân tại thành phố này đang phải sống trong cảnh mất điện. Con số này tại Lviv lên tới 90%. Đội ngũ kỹ thuật Ukraine đang chạy đua với thời gian để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, nhà chức trách Ukraine thừa nhận việc khôi phục lại hệ thống điện sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, một diễn biến đáng chú ý đã diễn ra trong trong vụ tập kích đường không của Nga hôm 29.12. Đó là việc một tên lửa phòng không S-300 có lẽ thuộc về Ukraine đã bay sang lãnh thổ nước láng giềng Belarus và bị bắn rơi tại đây.

Chính quyền Minsk nói đã tổ chức điều tra nguyên nhân tên lửa S-300 Ukraine bay vào không phận và bị bắn rơi, và không loại trừ khả năng đây là "hành động gây hấn" của Kyiv.

Trong khi đó, quân đội Ukraine cho rằng "Nga cố ý khiêu khích" khi đặt đường bay cho các tên lửa hành trình từ phía Belarus, để buộc phòng không Ukraine phải bắn tên lửa về phía nước láng giềng.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay, đại tá Kirill Kazantsev, chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không Belarus, cung cấp thông tin rõ hơn. Theo lời ông, "phòng không Belarus đã bắn hạ mục tiêu bay đến từ lãnh thổ Ukraine. Các khẩu đội chiến đấu đã làm đúng nhiệm vụ, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến sự việc này".

Đại tá Kazantsev nói Bộ Quốc phòng Belarus đang điều tra sự việc theo hai kịch bản chính, trong đó một là đây là vụ tên lửa bay lạc hướng ngoài ý muốn do trình độ hạn chế của kíp điều khiển hay tên lửa gặp trục trặc. Còn kịch bản thứ hai thì "đó là hành động cố ý gây hấn của quân đội Ukraine".

Cũng liên quan đến các cuộc tập kích đường không của Nga vào Ukraine thì loại UAV tự sát mà Nga sử dụng, mang tên Geran-2, vẫn bị xem chính là loại UAV Shahed của Iran.

Theo trang tin The Hill của Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang cố gắng hạn chế khả năng Iran cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho quân đội Nga bằng cách mở rộng nỗ lực bóp nghẹt hoạt động sản xuất UAV của Tehran.

Ở một diễn biến khác, bộ trưởng quốc phòng Ukraine mới đây tiết lộ rằng Kyiv đã đề nghị Washington cung cấp máy bay A-10 vào những ngày đầu xung đột. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị phía Mỹ từ chối.

Trung Quốc dù đã kêu gọi hai bên Nga - Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng chưa từng lên tiếng chỉ trích vì Moscow đã khơi mào cuộc xung đột ở Kyiv. Và gần đây ngoại trưởng Trung Quốc cũng khẳng định rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow rất "bền vững" và mọi nỗ lực bên ngoài nhằm gây bất hòa giữa hai nước sẽ trở nên vô ích. Theo ông Vương, Trung Quốc và Nga đã hỗ trợ vững chắc cho nhau trong việc duy trì các lợi ích cốt lõi của mỗi bên trong giai đoạn này. Ông nói Trung Quốc sẽ “làm sâu sắc thêm lòng tin chiến lược lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi” với Nga.

Vào năm 2022, khi xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra, Moscow và Bắc Kinh vẫn đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 28.12 thông báo Nga và Trung Quốc đã hoàn thành cuộc tập trận hải quân ở biển Hoa Đông, sau một tuần tập trận chung có phần thực hiện cách chiếm tàu ngầm bằng bom chìm, theo Reuters. Cuộc tập trận nói trên, mang tên “Tương tác hàng hải-2022”, diễn ra từ ngày 21-27.12 ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.

Hôm 29.12, Nga đã biên chế tàu ngầm Generalissimus Suvorov và hạ thủy chiếc Imperator Aleksandr III, đều thuộc lớp Borei-A.Tại lễ biên chế tàu ngầm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu: “Những tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa mới nhất của Nga không có đối thủ trên thế giới xét về nhiều mặt".

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng ngày cũng dự lễ hạ thủy tàu quét mìn Anatoly Shlemov và tàu tên lửa hạng nhẹ Grad mang được các loại tên lửa hành trình Kalibr và Oniks.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.