Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 321, tranh cãi quanh số phận thị trấn Soledar, Ukraine sẽ có xe tăng 'khủng' của Anh
Thống đốc khu vực Kharkiv của Ukraine cho biết Nga đã tập kích thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraine vào cuối ngày 10.1. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock có chuyến thăm bất ngờ đến Kharkiv.
Tự động phát
Trong dịp này, Ngoại trưởng Baerbock cam kết Đức sẽ hỗ trợ thêm cho Kyiv. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng việc Berlin từ chối gửi xe tăng cho Kyiv đang khiến Ukraine phải trả giá bằng sinh mạng binh sĩ.
Bà Baerbock đã công bố gói hỗ trợ gồm máy phát điện, 21 triệu USD để rà phá bom mìn và 21 triệu USD hỗ trợ tài chính cho dự án Starlink đảm bảo người dân Ukraine có thể truy cập Internet. Đức cũng sẽ hỗ trợ Ukraine trong quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đồng ý cung cấp cho Ukraine một tiểu đoàn xe chiến đấu bộ binh Marder, tương đương khoảng 40 chiếc. Đây là loại phương tiện mà Kyiv đã nhiều lần đề nghị Berlin cung cấp.
Về tình hình chiến sự, giao tranh tại thành phố Soledar và Bakhmut ở miền đông Ukraine ở mức độ ác liệt tới mức Tổng thống Ukraine mô tả những gì đang diễn ra ở đây chính là định nghĩa của "sự điên rồ".
Hôm nay, ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty quân sự tư nhân Wagner tuyên bố các đơn vị của họ đã kiểm soát Soledar, trong khi một quan chức thân Nga ở Donetsk nói sắp chiếm được Bakhmut.
Theo CNN, một binh sĩ Ukraine đang chiến đấu ở thị trấn Soledar cho biết tình hình đang nguy kịch và số người tử trận hiện cao đến mức không thể đếm được.
Người lính này thuộc lữ đoàn đổ bộ đường không số 46, lực lượng đang dẫn đầu nỗ lực cố thủ của Ukraine ở Soledar.
Người lính này nói với CNN rằng cho biết tính đến tối 10.1, vẫn chưa rõ Nga chiếm giữa bao nhiêu phần của thị trấn. Người này cho biết: “Không ai có thể nói chắc chắn ai đã di chuyển đến đâu và ai giữ cái gì, bởi vì không ai biết chắc chắn. Có một khu vực màu xám rộng lớn trong thành phố mà mọi người đều tuyên bố sẽ kiểm soát, [nhưng] đó chỉ là cường điệu thôi".
Theo CNN, người lính Ukraine này cho rằng giới lãnh đạo quân sự Ukraine cuối cùng sẽ từ bỏ Soledar và còn đặt câu hỏi tại sao họ vẫn chưa làm điều đó.
Còn theo báo Anh The Guardian, các sĩ quan tình báo phương Tây nhận định rằng nhóm bán quân sự Wagner đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chiến dịch của Nga và theo một quan chức giấu tên, có khả năng các thành viên Wagner hiện chiếm 1/4 hoặc nhiều hơn các binh sĩ Nga.
Khi cuộc xung đột của Nga và Ukraine bước sang tháng thứ 11, các quan chức Mỹ và Ukraine nói với CNN rằng hỏa lực pháo binh của Nga đã giảm đáng kể so với mức cao thời chiến, ở một số nơi giảm đến 75%.
Giới chức Mỹ và Ukraine vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng. Nga có thể đang hạn chế đạn pháo do nguồn cung thấp, hoặc đó có thể là kết quả của việc đánh giá lại các chiến thuật khi đối mặt với các cuộc phản công thành công của Ukraine.
Dù là vì lý do gì, các quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng sự sụt giảm đáng kể về hỏa lực pháo binh là bằng chứng cho thấy vị thế ngày càng yếu của Nga trên chiến trường sau gần một năm xung đột.
Và việc Nga giảm pháo kích cũng xảy ra khi Ukraine ngày càng nhận được nhiều hỗ trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây.
Một trong những loại vũ khí hiện đại nhất mà Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine là hệ thống phòng không Patriot. Mới đây, Washington thông báo sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa Patriot tại một căn cứ ở Oklahoma. Một đại diện của Nga đã lên tiếng cho rằng kế hoạch này là bằng chứng cho thấy Mỹ đang can dự trực tiếp vào chiến sự.
CNN dẫn lời hai quan chức cấp cao Mỹ nói với CNN rằng đã có sự thay đổi đáng kể về loại vũ khí mà Mỹ và các đồng minh đang cung cấp để đáp ứng các yêu cầu về hỏa lực của Kyiv.
Thông báo viện trợ mới nhất của Mỹ bao gồm nhiều vũ khí tấn công hơn. Vị quan chức Mỹ nói với CNN rằng điều này phản ánh thực tế chiến trường ở miền đông Ukraine và niềm tin của phương Tây là Ukraine có cơ hội giành lại lãnh thổ. Vị này cũng nhận định các hệ thống vũ khí mới mang lại cho Ukraine nhiều năng lực hơn.
Một quan chức Mỹ cũng cho biết Ukraine cho đến nay đã tuân thủ các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí mà phương Tây cung cấp, làm giảm bớt sự dè dặt về việc gửi các hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng người Ukraine đang phát triển và tuân theo chiến lược của riêng họ, và các động thái của Mỹ nhằm hỗ trợ chiến lược đó và đáp ứng nhu cầu của họ trên chiến trường.
Tuần trước, trong thông báo viện trợ quân sự lớn nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Mỹ cho biết họ đang cung cấp xe tăng Bradley mà quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết là nhằm tăng cường khả năng chiến đấu tấn công của Ukraine.
Chỉ sau vài ngày, Anh cũng được cho là đang tìm cách để cung cấp xe tăng Challenger 2 cho Ukraine. Điều này nếu diễn ra chắc chắn sẽ đánh dấu một cột mốc mới trong việc viện trợ quân sự của phương Tây.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã không ngừng kêu gọi các đồng minh cung cấp các loại xe tăng của phương Tây sản xuất, và như chúng ta đã biết thì Kyiv đã nhiều lần chỉ trích Berlin vì chưa đồng ý cung cấp xe tăng Leopard 2. Ukraine đã nhận được nhiều xe tăng viện trợ, nhưng tất cả đều là những loại xe thời Liên Xô cũ, hoặc các phiên bản nâng cấp của xe tăng Liên Xô cũ.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi lớn về vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là sau khi lực lượng xe tăng Nga chịu thiệt hại nặng vì những vũ khí bộ binh vác vai. Do đó, việc Ukraine tiếp tục yêu cầu viện trợ xe tăng đã khiến nhiều người tranh luận. Và có một nhân vật nổi bật đã tham gia vào cuộc tranh luận này, đó là nhà tỉ phú Elon Musk.
Bình luận (0)