Xem nhanh: Chiến dịch ngày 320, Nga đạt bước tiến nhỏ ở miền đông, Ukraine thành 'bãi mìn lớn nhất thế giới'

Thanh Hải - Thế Vinh - La Vi và 3 người khác
10/01/2023 22:51 GMT+7

Theo tờ báo The Guardian, Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong cuộc họp giao ban sáng 10.1 rằng Nga đang tập trung các hoạt động tấn công vào 3 khu vực trọng điểm ở miền đông Ukraine.

Theo cuộc họp báo, Nga đang tập trung nỗ lực kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk bằng cách nhắm vào các khu vực Bakhmut, Avdiivka và Lyman.

Bộ Quốc phòng Anh hôm nay 10.1 cho rằng lực lượng Nga và nhóm quân sự tư nhân Nga Wagner Group có thể đang kiểm soát phần lớn thị trấn Soledar ở miền đông Ukraine sau những bước tiến chiến thuật trong 4 ngày qua.

Các quan chức ở Kyiv khẳng định Moscow đã đẩy mạnh cuộc tiến công vào thị trấn nhỏ Soledar thuộc vùng Donbass, buộc quân đội Ukraine phải căng mình chống đỡ nhiều đợt tấn công do các tay súng của công ty quân sự tư nhân Wagner Group dẫn đầu xung quanh thị trấn này và các mặt trận gần đó, theo Reuters.

Soledar nằm gần thị trấn Bakhmut, nơi các lực lượng của cả hai bên đã chịu tổn thất nặng nề trong những cuộc giao tranh vào loại khốc liệt nhất kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định việc lực lượng Nga cố giành Soledar “rất có thể nằm trong nỗ lực bao vây Bakhmut từ phía bắc và làm gián đoạn các tuyến liên lạc của Ukraine”.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của Bakhmut, đài Sky News dẫn lời cựu thiếu tướng của lực lượng không quân Anh Sean Bell nhận định rằng về mặt chiến lược, Bakhmut không phải là một mục tiêu quân sự quan trọng.

Nhưng đặt trong bối cảnh Nga đang nỗ lực chiếm toàn bộ Donbass, Bakhmut là một phần của vùng lãnh thổ vẫn do lực lượng Ukraine kiểm soát và vốn là "một cái gai" trong mắt Moscow, ông Bell cho biết.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết việc chiếm được thành phố này sẽ có giá trị nhất định đối với Moscow. Bộ này còn nhấn mạnh thêm rằng điều này có khả năng cho phép Nga đe dọa các khu vực đô thị lớn hơn là Kramatorsk và Sloviansk.

Còn từ phía Nga, người đứng đầu lực lượng Wagner Group đang đóng vai trò chủ công trong hoạt động quân sự của Nga ở khu vực Bakhmut mới đây cũng đã tiết lộ lý do Nga muốn giành quyền kiểm soát khu vực này

Một quan chức Nhà Trắng nhận định, Washington tin rằng Nga muốn nắm quyền kiểm soát các mỏ muối và thạch cao trong khu vực Bakhmut vì lý do thương mại, không phải vì quân sự.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cũng nhận định Nga coi trận chiến giành Bakhmut là một nỗ lực nhằm kiểm soát và khai thác các tài nguyên ở khu vực này.

Còn tại những khu vực khác trên các mặt trận ở miền đông Ukraine, hai bên vẫn tiếp tục đẩy mạnh trinh sát và pháo kích lẫn nhau.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Volodymyr Zelensky dường như đang cân nhắc vấn đề mua nhiều vũ khí tinh vi hơn từ các đối tác phương Tây của Ukraine để chống lại Nga. Hôm 9.1, ông tiếp tục các nỗ lực ngoại giao bằng việc nói chuyện với ông Petr Fiala, thủ tướng Cộng hòa Séc, chủ tịch của Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên.

Pháp, Đức và Mỹ tuần trước đã cam kết gửi xe chiến đấu bọc thép, đáp ứng yêu cầu từ lâu của Ukraine. Trong đó, Pháp là nước đầu tiên cung cấp một loại xe tăng phương Tây cho Ukraine, dù đó chỉ là loại xe tăng hạng nhẹ bánh hơi AMX-10 RC. Quyết định này được xem là sẽ khuyến khích các nước phương Tây khác cung cấp thêm các loại vũ khí nặng hiện đại cho Ukraine.

Bình luận về quyết định của Pháp chuyển giao xe tăng cho Ukraine người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay nếu chỉ đề cập đến nguồn viện trợ của riêng Pháp thì vẫn chưa đủ.

Ông Peskov nói: “Tập thể châu Âu, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bơm hàng chục tỉ USD cho Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí. Những gói viện trợ này có thể mang thêm sự đau đớn cho người dân Ukraine, kéo dài sự đau khổ của họ. Thế nhưng, chúng lại chẳng thay đổi gì về mặt cơ bản [trong tình thế chiến trường ở Ukraine]”.

Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí, Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Đức chuyển giao xe tăng Leopard.

Trang tin Sky News hôm 9.1 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ chính phủ Anh đang cân nhắc cung cấp dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội nước này là Challenger 2 cho Ukraine.

Còn tạp chí Politico hôm 9.1 dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ Mỹ đang cân nhắc việc đưa xe chiến đấu bọc thép Stryker vào gói viện trợ sắp tới để giúp Ukraine chống lại một cuộc tấn công mùa xuân tiềm tàng của Nga. Nguồn tin cho biết thêm chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine vào tuần tới.

Nhưng trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 9.1 viết trên Twitter cho biết nước này biết ơn các đối tác đã viện trợ quân sự, nhưng “cần trung thực với nhau chừng nào lính Nga còn trên đất Ukraine thì tức là chưa ai làm đủ để giúp Ukraine".

Còn trong bài trả lời phỏng vấn mới đây với tạp chí Newsweek, Đại sứ Ukraine ở Anh Vadim Pristayko kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ, kể cả các loại vũ khí hết hạn sử dụng.

Ông Pristayko nói: "Một số thiết bị đã hết hạn sử dụng. Chúng tôi hay nói đùa rằng nếu có ai muốn bỏ vũ khí thì hãy cứ gửi chúng cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng đúng cách. Bình thường, nếu vào thời bình, không ai muốn nói về những điều như vậy. Nhưng vào lúc này thì tại sao lại không?".

Chuyển sang một thông tin khác, trong bối cảnh cuộc xung đột đã gần tròn 1 năm, Phó thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cáo buộc Nga đã tạo ra bãi mìn lớn nhất thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề đối với việc đi lại cũng như nông nghiệp Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.