Theo Bộ Quốc phòng Nga, đợt tập kích sử dụng ba UAV, một chiếc bị bắn hạ, hai chiếc bị áp chế điện tử rơi vào một tòa nhà. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin trước đó cho biết các UAV Ukraine đã tập kích trong đêm, khiến hai tháp văn phòng bị hư hại bên ngoài.
Theo hãng tin TASS, sân bay quốc tế Vnukovo của Moskva tạm dừng hoạt động trong sáng 30.7.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 30.7 cũng cho biết lực lượng nước này đã phá âm mưu của Ukraine sử dụng 25 máy bay không người lái để tập kích bán đảo Crimea.
Theo nguồn tin này, vụ tập kích xảy ra trong đêm 29.7 không gây thương vong hay thiệt hại về vật chất. Nga đã bắn rơi 16 UAV Ukraine, 9 chiếc UAV còn lại bị chế áp điện tử, rơi xuống biển Đen.
Bán đảo Crimea đã nhiều lần thường xuyên bị tấn công sau khi chiến sự giữa Nga với Ukraine bùng phát tháng 2.2022. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông Nikolai Patrushev, hồi đầu tháng 7 cho biết Ukraine hơn 70 lần dùng UAV tập kích bán đảo Crimea.
Mới đầu tuần rồi, Nga cáo buộc Ukraine tung 17 UAV tấn công Crimea, khiến một kho đạn ở quận Dzhankoy bị hư hại và cư dân phải sơ tán. Ukraine hiếm khi nhận trách nhiệm về các vụ tấn công nhằm vào bán đảo Crimea.
Như quý vị đã biết, Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ukraine và phương Tây phản đối động thái của Nga và Kyiv khẳng định sẽ giành lại lãnh thổ này.
Ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo quân sự Ukraine (GUR), ngày 29.7 tuyên bố lực lượng Ukraine sẽ "sớm" tiến vào Crimea. Tuy nhiên, ông không nêu rõ thời điểm cụ thể, và hồi năm ngoái cũng ông Budanov từng cho rằng Kyiv sẽ tái kiểm soát Crimea trong mùa xuân 2023.
Moscow đã lên tiếng cảnh báo về các biện pháp "trả đũa mạnh tay" sau khi bắn hạ 2 tên lửa Ukraine trên vùng trời tây nam nước Nga hôm 28.7.
Gọi đây là một vụ "tấn công khủng bố", Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đánh chặn một tên lửa đất đối không S-200 mà Ukraine phóng tới thành phố Taganrog thuộc tỉnh Rostov, song mảnh vỡ tên lửa cuối cùng đã rơi xuống trung tâm thành phố, theo Đài RT. Bộ Y tế Nga thông báo 14 người bị thương trong vụ việc nhưng không ai thiệt mạng. Tên lửa thứ hai bị đánh chặn rơi xuống khu vực cách xa khu dân cư ở thành phố Azov (cũng thuộc tỉnh Rostov).
Hãng tin TASS ngày 29.7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow bảo lưu quyền trừng phạt nghiêm khắc sau các cuộc tấn công mà bà cho là "hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt quân sự".
Về thông tin tại các mặt trận, trong ngày 29.7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến khu vực gần thành phố Bakhmut (thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine) để chúc mừng các binh sĩ nhân Ngày Lực lượng tác chiến đặc biệt.
Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều xác nhận giao tranh ác liệt tiếp diễn ở miền nam Ukraine, nơi lực lượng của Kyiv đã đạt được những bước tiến nhỏ trong chiến dịch phản công diễn ra từ đầu tháng 6. Trong bản tin tình báo ngày 29.7, Bộ Quốc phòng Anh cho biết giao tranh đã gia tăng ở phía nam thành phố Orikhiv (thuộc tỉnh Zaporizhzhia miền nam Ukraine) và khu vực cách đó khoảng 80 km về phía đông trong vòng 48 giờ trước đó.
Và dù những bước tiến trong chiến dịch phản công còn chậm hơn kỳ vọng, giới phân tích nhận định rằng Ukraine hiểu rằng mỗi mét tiến quân đồng nghĩa với việc các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong hậu phương Nga càng sớm bị vũ khí Ukraine tấn công.
Trong thời gian qua các đồng minh phương Tây của Ukraine đã vô cùng nỗ lực để cung cấp các loại vũ khí càng lúc càng mạnh mẽ và hiện đại hơn cho lực lượng Kyiv. Quân đội Ukraine tăng bậc về sức mạnh, sở hữu một loạt những vũ khí hiện đại như xe tăng Leopard, Challenger và Abrams, tên lửa Patriot, tên lửa Storm Thunder và pháo phản lực HIMARS.
Nhưng không chỉ có vậy. Các nước phương Tây còn vất vả đi thu gom các loại đạn dược theo chuẩn Liên Xô để giúp Ukraine có thể tiếp tục sử dụng các loại vũ khí đã có sẵn trong biên chế quân đội từ trước cuộc xung đột. Hồi tháng 10.2023, đã xuất hiện thông tin về việc quân đội Anh vận chuyển hàng nghìn viên đạn pháo từ Pakistan và Romania cho Ukraine. Và mới đây nhất là một thông tin gây tò mò xuất phát từ báo Financial Times. Theo tờ báo này, quân đội Ukraine đang sử dụng đạn pháo phản lực có xuất xứ từ một nước vẫn đang là đồng minh của Nga. Đó chính là Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29.7 nói với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Moscow sẵn sàng tìm mọi cách để đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine.
Theo hãng tin TASS, Tổng thống Putin cho biết cách tiếp cận và ý tưởng của giới lãnh đạo châu Phi về giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine "đều lặp lại các điểm trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, được giới thiệu vào tháng 2".
Tuy nhiên, ông Putin nói chính quyền Ukraine "đã công bố cơ sở pháp lý đặc biệt cấm đàm phán với Nga".
Ông khẳng định Moscow "chưa bao giờ từ chối đàm phán… và luôn tuyên bố sẵn sàng đàm phán một cách công khai".
Ukraine chưa bình luận về phát biểu của nhà lãnh đạo Nga.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga ngày 29.7 Maria Zakharova cho biết Moscow đã nhận được khoảng 30 đề xuất về việc lập lại hòa bình ở Ukraine thông qua các kênh chính thức và không chính thức.
Cũng trong hôm 29.7, Tổng thống Putin xác nhận ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước mới nổi BRICS theo hình thức trực tuyến.
Tổng thống Putin nói: "Tôi không nghĩ việc đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS quan trọng hơn sự hiện diện của tôi ở Nga lúc này".
Sự kiện này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 tại Nam Phi, nước hiện đang là quốc gia chủ tịch khối BRICS với 4 thành viên còn lại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.
Ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết mình chưa quyết định có đến Ấn Độ để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 hay không.
Bình luận (0)