Xem nhanh: Ngày 233 chiến dịch, ông Putin giảm tập kích tên lửa, Ukraine sợ mất dịch vụ internet của tỉ phú Musk
Ngày 14.10 là ngày lễ có tên gọi Bảo vệ Đất nước tại Ukraine. Nhân dịp này Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ "đánh bại Nga" và đó sẽ là chiến thắng của toàn dân.
Tự động phát
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, đại tướng Valeriy Zaluzhny chúc mừng các binh sĩ Ukraine. Ông tuyên bố quân đội Ukraine đã "chấm dứt huyền thoại về quân đội Nga bất khả chiến bại".
Nga chưa bình luận về tuyên bố của Ukraine.Tuy nhiên, về phía Nga thì đã Tổng thống Vladimir Putin đã có những phát biểu đáng chú ý khi ông tham dự một hội nghị tại Kazakhstan hôm 14.10. Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Astana của Kazakhstan, nhà lãnh đạo Nga được hỏi về khả năng đàm phán chấm dứt xung đột. Ông Putin đã cáo buộc Ukraine không muốn tham gia đàm phán hòa bình.
Theo ông Putin, hai bên gần như đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc chấm dứt chiến sự hồi tháng 3, sau nỗ lực trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo lời tổng thống Nga, ngay sau khi Nga rút quân khỏi khu vực quanh Kyiv thì giới lãnh đạo Ukraine đã không còn quan tâm đến đàm phán nữa.
Cũng trong cuộc họp báo này, ông Putin nói Nga không cần tiến hành thêm tập kích tên lửa quy mô lớn vào Ukraine như những ngày qua nữa, vì trong số 29 mục tiêu thì chỉ còn 7 mục tiêu chưa bị tấn công.
Sau các đợt tập kích tên lửa lớn của Nga vài ngày qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 14.10 viết trên Twitter cho rằng kho dự trữ Nga chỉ còn 609 tên lửa công nghệ cao, giảm mạnh so với hơn 1.840 quả trước chiến sự.
Một đồ họa mà ông Reznikov công bố cho thấy Nga chỉ còn 124 trong số 900 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, 272 trong số 500 tên lửa hành trình Kalibr phóng từ chiến hạm, và 213 trong số 444 tên lửa Kh-101 và Kh-555 phóng từ máy bay. Bộ trưởng Reznikov cho rằng khi Nga "phóng hàng trăm tên lửa tầm xa chính xác cao vào các mục tiêu dân sự tại Ukraine, thì chính Nga đã tự làm giảm khả năng tập kích các mục tiêu quân sự. Từ đó, ông kết luận rằng thất bại quân sự của Nga là "không thể tránh khỏi".
Nga chưa bình luận về thông tin của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine.
Bình luận được Bộ trưởng Reznikov đưa ra 4 ngày sau khi Nga phát động đợt tập kích tên lửa diện rộng nhằm vào "hạ tầng chỉ huy quân sự và năng lượng" của Ukraine.
Giới chức Ukraine thừa nhận 30% hạ tầng năng lượng của nước này bị thiệt hại vì tên lửa Nga, buộc Kyiv phải đình chỉ xuất khẩu điện sang châu Âu và kêu gọi dân chúng tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, trong các đợt tập kích này, Nga không chỉ dùng các loại tên lửa mà còn có các loại UAV “tự sát", còn gọi là đạn tuần kích. Loại vũ khí này cũng được các lực lượng Nga sử dụng ngày một nhiều hơn tại các mặt trận, gây nhiều thiệt hại cho quân Ukraine và buộc Kyiv phải tính cách đối phó.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev trong chuyến thăm địa điểm sản xuất UAV Orlan tại thành phố Saint Petersburg hôm 14.10 đã đề cao vai trò của UAV tại Ukraine. Ông Medvedev kêu gọi tăng cường tốc độ sản xuất và bàn giao các loại UAV vũ trang cho quân đội Nga.
Trong lúc các lực lượng của Kyiv gần đây đang đạt được đà tiến đáng kể, binh sĩ Ukraine gần đây bất ngờ có những báo cáo đầy lo ngại về việc bị mất hoàn toàn hoàn toàn kết nối Internet tại nhiều khu vực giao tranh với Nga. Nguyên nhân dường như không phải do Nga phá sóng, mà vì các thiết bị Starlink do công ty SpaceX cung cấp miễn phí cho Ukraine bất ngờ bị mất kết nối.
Sau khi ông Musk hôm 3.10 nêu ra các đề xuất gồm Ukraine nên nhượng bộ Nga về bán đảo Crimea, tổ chức lại trưng cầu dân ý tại 4 vùng Ukraine, và Kyiv chấp thuận trung lập, giới chức Ukraine đã có những phản ứng rất gay gắt. Đặc biệt, Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk viết trên mạng xã hội rằng: "Phản hồi đậm tính ngoại giao của tôi gửi đến Elon Musk là cút xéo đi".
Và hôm 14.10, Tập đoàn SpaceX của tỉ phú Musk thông báo với chính phủ Mỹ về việc không thể tiếp tục viện trợ và duy trì các thiết bị Starlink phát Internet cho Ukraine, và đề nghị Lầu Năm Góc tài trợ. Ông Musk cũng nhân dịp này khơi lại bình luận của Đại sứ Melnyk để nói rằng “chúng tôi chỉ làm theo gợi ý của ông thôi".
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak thừa nhận tỉ phú Elon Musk “đã giúp Ukraine sống sót qua những khoảnh khắc nguy nan nhất”. Ông nói Ukraine sẽ tìm giải pháp để duy trì dịch vụ Internet Starlink. Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng cho biết đang xem xét mọi phương án duy trì kết nối Starlink tại Ukraine sau khi SpaceX nói rằng không thể tiếp tục tài trợ cho việc này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 14.10 nói Lầu Năm Góc đang làm việc với các đồng minh và đối tác để xem xét mọi phương án nhằm hỗ trợ những yêu cầu do Ukraine đưa ra. Còn phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cùng ngày xác nhận cơ quan này đang thảo luận với SpaceX về vấn đề Starlink, nhưng bà Singh không nói rõ chi tiết về cuộc thảo luận cũng như khả năng hỗ trợ chi phí cho Ukraine trong tương lai.
Bà Singh khẳng định Mỹ biết rõ “lợi thế của các hệ thống liên lạc vệ tinh… và cũng hiểu sự mỏng manh của những hệ thống như vậy và đang đánh giá mọi lựa chọn để duy trì năng lực này cho Ukraine".
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông sắp tới do Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tới châu lục. Châu Âu cáo buộc Nga dùng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các biện pháp cấm vận của phương Tây. Ngược lại, Moscow nói các lệnh cấm vận đã gây ảnh hưởng đến trang thiết bị duy trì các đường ống dẫn khí.
Trong bối cảnh bị đứt nguồn cung năng lượng từ Nga, các nước châu Âu đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, và Mỹ đã trở thành một nhà cung cấp quan trọng. Tuy nhiên, từ phía các khách hàng đã xuất hiện những lời ca thán về giá cả và nghi ngờ Mỹ đang nhân cơ hội châu Âu khó khăn để làm lợi cho mình.
Vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi các nước châu Âu cùng kết hợp với các nền kinh tế châu Á để đòi hỏi 2 nước cung cấp khí đốt lớn là Mỹ và Na Uy bán giá thấp hơn.
Ông nói: “Trên tinh thần hữu nghị, chúng ta sẽ nói với các bạn Mỹ và Na Uy rằng: ‘Các bạn rất tuyệt khi cung cấp cho chúng tôi năng lượng và khí đốt, nhưng có một chuyện chúng tôi không thể chấp nhận quá lâu, đó là phải trả gấp 4 lần giá khí đốt mà các bạn bán cho công nghiệp nội địa".
Trong một thông tin có liên quan thì nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức vừa thông báo tin vui là đã đạt mục tiêu tích trữ khí đốt 95% sức chứa tối đa, có thể đáp ứng nhu cầu của người dân nước này trong hai tháng.
Berlin còn đề xuất cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhiều hơn và giảm tiêu thụ năng lượng trong những tòa nhà công cộng.
Tuy nhiên ông Klaus Mueller, giám đốc cơ quan quản lý năng lượng Đức, nói để tránh xảy ra tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông, Đức cần tăng nhập khẩu khí đốt và giảm nhu cầu tiêu thụ ít nhất 20%.
Bình luận (0)