Xem nhanh: Ngày 251 chiến dịch, Nga bị nghi mua thêm tên lửa Iran, vì sao HIMARS vẫn 'vô đối'?

Thanh Hải - Thế Vinh - Cẩm Tú và 3 người khác
02/11/2022 23:21 GMT+7

Dư âm của cuộc tấn công vào cảng Sevastopol hồi cuối tuần trước vẫn kéo dài. Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ triệu tập đại sứ Anh để phản đối điều mà Nga cho là sự dính líu của các chuyên gia Anh vào vụ dùng thiết bị không người lái tấn công Hạm đội biển Đen.

Sau khi vụ tấn công diễn ra, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Anh dính líu vào vụ tấn công do Ukraine thực hiện. Nga cũng cáo buộc Anh tham gia vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream.

Phía Anh đã bác bỏ cáo buộc này. Sau vụ tấn công này, Nga đã tiếp tục tiến hành tập kích vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái đã làm hư hại 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và khiến nhiều khu vực ở thủ đô Kyiv mất điện và nước trong thời gian ngắn.

Tờ The Guardian dẫn lời Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko hôm 2.11 cho biết giới chức thủ đô đang chuẩn bị hơn 1.000 điểm sưởi ấm khắp thành phố đề phòng trường hợp các hệ thống sưởi trung tâm bị vô hiệu hóa do các cuộc tấn công của Nga.

Các địa điểm sẽ được trang bị máy phát điện và có một lượng nhu yếu phẩm ví dụ như nước, thị trưởng Kyiv cho biết.

Trong các cuộc tập kích đường không của mình gần 1 tháng qua, Nga đã sử dụng nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) được cho là của Iran. Dù cả Moscow và Tehran đều đã bác bỏ cáo buộc này, nhưng mới đây các nguồn tin quân sự phương Tây cho rằng Iran đang chuẩn bị chuyển cho Nga thêm một số lượng lớn vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo và UAV.

Theo CNN, tình báo quân đội Ukraine hôm 1.11 cho biết Iran đang có kế hoạch gửi hơn 200 máy bay không người lái chiến đấu tới Nga, bao gồm Shahed-136, Mohajer-6 và Arash-2. Arash-2 được quân đội Iran coi là một trong những máy bay không người lái tấn công tầm xa nhất trên thế giới.

Số máy bay này sẽ được gửi đến Nga vào đầu tháng 11 qua biển Caspi đến cảng Astrakhan, theo cơ quan tình báo Ukraine.

Còn theo báo Newsweek, người phát ngôn không quân Ukraine Yuriy Ihnat ngày 1.11 cho biết các tên lửa đạn đạo mà Iran được cho là sắp chuyển cho Nga có tầm bắn từ 300-700 km. Điều này có nghĩa là nếu dùng những tên lửa này, Nga có thể bắn đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Ukraine.

Người phát ngôn không quân Ukraine cũng cho biết "sẽ triển khai mọi phương cách có thể để chống lại" nhưng ông cũng thừa nhận rằng hiện nước này vẫn thiếu các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiệu quả.

Về tình hình chiến sự, hãng tin Nga RIA Novosti hôm nay dẫn lời nhà lãnh đạo của “Công hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng Denis Pushilin nói rằng các lực lượng thân Nga ở Donetsk đã kiểm soát thêm một số lãnh thổ theo hướng Vuhledar.

Liên quan hướng phản công của quân đội Ukraine ở miền nam, một quan chức do Nga bổ nhiệm ở vùng Kherson hôm nay nói lực lượng Ukraine tìm cách phản kích theo hướng Beryslav, nhưng đã bị đẩy lùi và tổn thất nhiều binh sĩ và vũ khí.

Trong khi đó, bộ tư lệnh tác chiến miền Nam của quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga vẫn tiếp tục cố thủ, tìm cách giữ chiến tuyến ở Kherson. Trong vài ngày gần đây, Nga cũng đã mở rộng việc sơ tán dân thường ở vùng Kherson.

Theo ông Saldo, việc sơ tán dự kiến hoàn tất trong 3 ngày và các chuyến phà chở khách sẽ ngừng hoạt động sau đó. Đến nay, Nga đã sơ tán khoảng 70.000 người.

Ngày 1.11, chính quyền tại huyện Kakhovka ở Kherson đề nghị người dân sơ tán ngay lập tức vì nguy cơ quân sự cao và tuyên bố việc cưỡng chế sẽ bắt đầu vào ngày 6.11.

Theo hãng Reuters, vẫn còn một số người đứng bên bờ câu cá, không quan tâm đến tiếng pháo nổ ở đằng xa. Sau 8 tháng chiến sự, người dân ở thành phố thuộc vùng Kherson không còn xa lạ gì với cảnh bom đạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 1.11 đã cung cấp thêm thông tin về đợt động viên một phần quân dự bị vừa diễn ra. Ông cho biết 218.000 tân binh đang được huấn luyện, 87.000 quân nhân đã hoàn thành khóa đào tạo và được triển khai tới "khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt".

Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần trước thông báo hoàn thành lệnh động viên quân một phần do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi giữa tháng 9. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý và truyền thông Nga lưu ý rằng chỉ có ông Putin mới có thẩm quyền kết thúc đợt động viên.

Trong khi đó, Điện Kremlin hôm 1.11 nói rằng lệnh động viên một phần đã hoàn thành và Tổng thống Vladimir Putin "không cần" ký sắc lệnh kết thúc.

Tổng thống Nga hôm 31.10 cho biết ông "chưa nghĩ đến" việc ký sắc lệnh kết thúc đợt động viên và sẽ thảo luận với đội ngũ pháp lý.

Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ sát cánh với Kyiv đến cùng. Hai nhà lãnh đạo của hai nước vẫn thường dùng những lời có cánh khi nói về nhau. Tuy nhiên, theo đài NBC News, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có lần nổi nóng trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ngay khi Washington cung cấp cho Kyiv lượng vũ khí khổng lồ, Moscow và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Mỹ đã cáo buộc rằng vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ gửi đến Ukraine có thể đã bị đưa ra thị trường chợ đen.

Theo đài NBC, trước những cáo buộc này, các quân nhân Mỹ đã đến Ukraine để giúp theo dõi số vũ khí và thiết bị trị giá hàng tỉ USD mà Mỹ đã gửi cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên quân nhân Mỹ đến Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này.

Trong số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS được cho là đóng vai trò rất quan trọng giúp quân đội Ukraine xoay chuyển tình thế. Với tầm bắn xa, độ chính xác cao, sức công phá mạnh cùng khả năng cơ động cực tốt, HIMARS được xem là chìa khóa trên chiến trường cho Ukraine khi nước này có thể tiêu diệt các mục tiêu cố định hoặc đang di chuyển của Nga ở xa tiền tuyến.

Cho đến nay, quân đội Nga dường như chỉ mới có khả năng đánh chặn một phần số đạn HIMARS bắn vào các mục tiêu. Dù không ít lần tuyên bố đã tiêu diệt được hệ thống HIMARS của Ukraine nhưng phía Nga vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào xác thực.

Vừa có một thông tin bất ngờ là Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận rằng nước này sẽ nối lại việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen.

Đây là động thái quay ngược 180 độ so với vài ngày trước, khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận do Ukraine tấn công vào Hạm đội biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga nói đã nhận được đảm bảo bằng văn bản từ phía Kyiv rằng Ukraine sẽ “không sử dụng hành lang vận chuyển ngũ cốc để thực hiện hành động chiến tranh chống Nga".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan được cho là đã đóng vai trò trong việc thuyết phục Nga xuống thang. Trước đó, Tổng thống Erdoğan đã nói rõ rằng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ tiếp tục dù Nga có tham gia hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.