Xem nhanh: Ngày 264 chiến dịch, Nga có bước tiến nhỏ ở Donetsk, Mỹ tin chiến sự Ukraine sẽ giảm vì mùa đông

Thanh Hải - Thế Vinh - Cẩm Tú và 3 người khác
15/11/2022 22:47 GMT+7

Theo TTXVN, tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ lần 11 thảo luận tình hình Ukraine hôm 14.11, Đại sứ Đặng Hoàng Giang , Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhận định các bên cần kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình lâu dài, trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ,cũng như những quan tâm chính đáng của các bên.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay là chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Việt Nam ý thức sâu sắc tầm quan trọng của khắc phục hậu quả chiến tranh để tái thiết đất nước, duy trì hòa bình, ổn định cuộc sống của người dân. Do đó, Việt Nam tin tưởng rằng trong mọi xung đột, các bên liên quan cùng đối tác quốc tế cần nỗ lực hết sức trong giải quyết hậu quả chiến tranh, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao và tái thiết, phục hồi tại Ukraine.

Trở lại với tình hình tại Ukraine, sau khi các lực lượng của Kyiv đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trên chiến trường cũng như trong bối cảnh mùa đông đã bắt đầu sẽ gây nhiều khó khăn về tác chiến cho cả hai bên, trong những ngày gần đây đã râm ran xuất hiện thông tin về khả năng hoạt động giao tranh sẽ giảm mức độ khốc liệt để mở đường cho những bước thăm dò đàm phán hòa bình giữa hai bên. Đồng thời, gần đây đã xuất hiện những đồn đoán về việc Mỹ và phương Tây đang thuyết phục giới lãnh đạo Ukraine cởi mở hơn với những đề xuất đàm phán với Nga.

Trong hoàn cảnh đó, một cuộc gặp mới đây giữa lãnh đạo tình báo của Nga và Mỹ lại như tiếp thêm sức mạnh cho các phỏng đoán nói trên.

Mỹ và phương Tây vẫn luôn khẳng định rằng sẽ không đàm phán với Nga sau lưng Ukraine, và mọi chuyện liên quan đến Ukraine sẽ do người Ukraine quyết định. Còn với chính quyền Kyiv, điều kiện tiên quyết để có đàm phán hòa bình và chấm dứt chiến sự là quân đội Nga phải rút hết khỏi lãnh thổ và khôi phục lại đường biên giới năm 1991 của Ukraine.

Chính quyền Nga trong khi đó cho rằng mình vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhưng chính phía Ukraine đã không mặn mà. Theo hãng tin RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm 14.11 cũng tuyên bố Moscow sẽ không chấp nhận các điều kiện tiên quyết của Ukraine để nối lại các cuộc đàm phán, đặc biệt là điều kiện rút lực lượng Nga khỏi Ukraine.

Trong bài phát biểu qua video tại hội nghị cấp cao G20 đang diễn ra ở Bali (Indonesia) ngày hôm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã loại trừ khả năng có “thỏa thuận Minsk” thứ ba, tức là nhắc đến hai thỏa thuận ngừng bắn trước đây giữa Kyiv và Moscow về tình trạng của vùng Donbas thuộc miền đông Ukraine.

Ông Zelensky tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không để Nga chờ đợi, xây dựng lực lượng... Sẽ không có Minsk 3, loại thỏa thuận mà Nga sẽ vi phạm ngay sau khi ký".

Sau đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhận được câu hỏi liệu tuyên bố trên của Tổng thống Zelensky có phải là sự xác nhận rằng Kyiv không sẵn sàng đàm phán với Moscow hay không.

Và người đại diện Điện Kremlin đã trả lời với Hãng thông tấn RIA Novosti là “Đúng như thế".

Trong khi ở miền nam xung đột đã tạm lắng sau khi Nga rút quân qua bờ đông sông Dnieper ở vùng Kherson thì tại miền đông, giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt. Hôm 14.11, Nga tuyên bố đã đạt được một bước tiến quan trọng tại vùng Donbass, đó là giành quyền kiểm soát ngôi làng Pavlivka có vị trí chiến lược.

Đại hội đồng LHQ hôm 13.11 đã thông qua nghị quyết ủng hộ cơ chế yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại về người và tài sản cho Ukraine trong xung đột. Nghị quyết có thể dẫn tới việc Ukraine có thể đặt ra yêu sách đối với số tài sản trị giá hàng trăm tỉ USD của Nga hiện đang bị Mỹ và các đồng minh châu Âu đóng băng sau khi chiến sự bùng phát.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngay sau đó đã lên án nghị quyết mới của đại hội đồng LHQ. Ông cho rằng nghị quyết này này nhằm hợp pháp hóa các kế hoạch của phương Tây trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga.

Viết trên kênh Telegram, ông Medvedev nói: "Phương Tây rõ ràng đang tìm cách tạo dựng một cơ sở pháp lý để đánh cắp tài sản bị tịch thu bất hợp pháp của Nga". Ông cũng cho rằng LHQ “nên áp dụng khuyến nghị tương tự về việc bồi thường toàn bộ thiệt hại mà Mỹ đã gây ra cho nhiều nước khác".

Giới chức Ukraine hồi tháng 9 ước tính nước này chịu thiệt hại gần 1.000 tỉ USD, gấp 5 lần GDP hàng năm của quốc gia này trước khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2. Dù cắt giảm mạnh chi tiêu công, Ukraine vẫn thâm hụt khoảng 4,9 tỉ USD/tháng sau khi chiến sự bùng phát.

Khi mùa đông đến, tình hình xung đột ở Ukraine sẽ ra sao? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm trong lúc này. Mới đây, báo The New York Times dẫn một số nguồn tin quan chức Washington nhận định rằng hoạt động quân sự sẽ chậm lại đáng kể, và “việc tạm dừng do thời tiết" đối với chiến sự có thể kéo dài đến 6 tháng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang tham dự hội nghị G20 ở Indonesia cũng phát biểu với báo giới rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ “chậm lại" trong mùa đông do hai bên “không thể dễ dàng di chuyển".

Ông Biden đưa ra phát biểu này trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông ca ngợi các bước tiến của phía Ukraine trên chiến trường, và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp năng lực phòng vệ cho Ukraine, cũng như sẽ không đàm phán riêng với Nga.

Trong lúc đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, hiện là Chủ tịch Trung tâm chiến lược quốc phòng (Ukraine), nhận định chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine Sergey Surovikin có thể đã cam kết với Tổng thống Vladimir Putin về một thành công tại miền đông để đổi lấy việc rút quân khỏi Kherson. Vì vậy, theo ông Zagorodnyuk, “Ukraine phải chuẩn bị cho một đợt leo thang lớn tại Donbass trong những tuần tới”. ISW nhận định việc tái điều động binh sĩ đến Donetsk có thể dẫn đến sự tăng cường tác chiến gần các thành phố Bakhmut, Donetsk và các vùng miền tây tỉnh Donetsk.

Tuy nhiên, ở một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13.11 đã cho phép những sinh viên vùng Donbass được xuất ngũ và trở lại giảng đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.