Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine 50 xe bọc thép Bradley. Đây là loại xe được quân đội Mỹ sử dụng để chở quân trên các chiến trường kể từ giữa những năm 1980.
Nga cáo buộc Mỹ đã thúc đẩy leo thang và trực tiếp tham gia vào xung đột.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Mỹ đã cung cấp vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo và tham gia trực tiếp vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động chiến đấu".
Trong khi đó, tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 17.2 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo cấp cao phương Tây nhanh chóng viện trợ vũ khí cho Kyiv.
Ông Zelensky cảnh báo rằng Ukraine sẽ không phải là điểm dừng cuối cùng của các lực lượng Nga. Ông nói mọi sự chậm trễ trong cung cấp vũ khí cho Ukraine đều “luôn là sai lầm".
Tại hội nghị Munich, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine để giúp nước này thực hiện một cuộc phản công cần thiết chống lại Nga. Theo báo The Guardian, ông Macron cho rằng Ukraine không thể có hòa bình nếu không đánh bại Nga.
Cũng theo báo The Guardian, Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong bài phát biểu tại Munich dự kiến sẽ kêu gọi các nước "tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine". Nhà lãnh đạo Anh kêu gọi thiết lập điều khoản mới trong Hiến chương NATO để bảo vệ Ukraine trước nguy cơ bị Nga tấn công quân sự trong tương lai.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại gián tiếp phản bác Tổng thống Zelensky, ông nói rằng hành động thận trọng và đoàn kết sẽ tốt hơn là vội vàng hàh động một mình. Ông Scholz khẳng định Đức là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine ở châu Âu lục địa, nhưng những gì đang diễn ra là chưa từng có tiền lệ, và cũng chưa có kế hoạch chi tiết nào để đối đầu với vũ khí hạt nhân. Do đó, thủ tướng Đức nhấn mạnh điều quan trọng là phải tránh leo thang ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, ông Scholz cũng kêu gọi đồng minh chuyển ngay xe tăng chủ lực tới Ukraine nếu có sẵn. Ông khẳng định Đức "sẽ góp phần giúp các đối tác đưa ra quyết định" viện trợ xe tăng, trong đó có đào tạo binh sĩ Ukraine tại Đức hoặc hỗ trợ hậu cần và vật tư cho nước này.
Trong lúc Hội nghị an ninh Munich mở màn thì trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 17.2, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cáo buộc phương Tây đang quyết tâm muốn phá hủy Nga. Ông Nebenzia tuyên bố: "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ đất nước của chúng tôi - bảo vệ Nga trước phương Tây, bảo vệ bản sắc và tương lai của chúng tôi".
Các đại sứ phương Tây sau đó cáo buộc Nga sử dụng cuộc họp để giải thích cho điều mà Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Nicolas De Riviere gọi là cuộc chiến "không thể biện minh được" của Moscow ở Ukraine.
Trong bối cảnh xung đột Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt, các cuộc họp ở Hội đồng bảo an là nền tảng quốc tế duy nhất mà Moscow còn tiếp xúc thường xuyên với phía Kyiv, cũng như đại diện các nước phương Tây. Tuy nhiên, ngôn từ căng thẳng tại đây cho thấy vẫn còn khác biệt rất lớn giữa các bên về cách giải quyết cuộc xung đột này.
Một hệ quả của các căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây là việc Mỹ và đồng minh trong năm qua đã tăng cường truy quét mạng lưới điệp viên Nga trên khắp châu Âu.
Cũng liên quan đến câu chuyện tình báo và phản gián, một nhân viên của Đại sứ quán Anh ở Berlin hôm qua 17.2 đã bị kết án hơn 13 năm tù giam tại một tòa án ở London với tội danh chuyển các thông tin cực kỳ nhạy cảm cho Nga.
Theo tờ báo The Guardian, ông Smith đã sao chép các tài liệu bí mật mà ông tìm thấy trong tủ hồ sơ và trên bàn làm việc tại đại sứ quán, bao gồm một bức thư cho thủ tướng lúc đó là ông Boris Johnson.
Ông cũng tiết lộ thông tin chi tiết về các nhân viên tham gia công tác quốc phòng, bao gồm địa chỉ nhà riêng và số điện thoại của họ, lưu tài liệu vào một chiếc USB.
Một trong những tài liệu có “tính chất nhạy cảm cao” được viết bởi một người chỉ được gọi là “Nhà ngoại giao X”, người phụ trách liên hệ với Nga tại đại sứ quán.
Tờ The Guardian cho biết ông Smith đã kết hôn với một người Ukraine nói tiếng Nga, người đã trở lại vùng Donbass vào tháng 7.2018 và để ông Smith ở lại một mình.
Chuyển sang tình hình chiến sự, Thống đốc tỉnh Luhansk ở phía đông Ukraine cho biết các cuộc tấn công trên bộ và trên không từ các lực lượng Nga đang gia tăng, theo The Guardian.
Bình luận về giao tranh gần thành phố Kreminna, ông Serhiy Haidai nói: "Hôm nay (tình hình ở) mọi hướng khá khó khăn. (Nga) đã nỗ lực lực tục để chọc thủ tuyến phòng thủ của chúng tôi".
Bộ Quốc phòng Nga hôm 17.2 cho biết trong đợt tập kích trước đó 1 ngày, các tên lửa phóng từ trên mặt đất, trên không và trên biển đã được phóng vào các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu và đạn dược cho Ukraine. Theo phía Nga, cuộc tập kích đã “gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu cho các đơn vị quân đội Ukraine, trong khi năng lực sản xuất chất nổ, thuốc phóng và nhiên liệu rắn cho tên lửa của đối phương cũng suy giảm đáng kể".
Trong những tuần qua, phương Tây và Ukraine đều cảnh báo Nga có thể mở chiến dịch tiến công quy mô lớn nhằm đảo ngược tình thế sau khi phải chịu nhiều bước lùi hồi cuối năm 2022. Ngoài các đợt tập kích bằng tên lửa tầm xa, Nga đang tăng cường tấn công phòng tuyến Ukraine ở vùng Donbass nhằm phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường.
Vì cuộc xung đột Ukraine-Nga mà mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Ba Lan và Belarus cũng đang rất căng thẳng.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, trong khi Belarus là đồng minh thân cận của Nga và đã cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ để đưa quân vào Ukraine.
Ba Lan tuần trước thông báo đóng một cửa khẩu quan trọng giữa hai nước vì lý do "an ninh quốc gia".
Bộ Ngoại giao Belarus hôm 17.2 triệu đại biện lâm thời Ba Lan để lên án quyết định đóng cửa khẩu của Warsaw, mà Minsk cho là “đơn phương” và “vô nhân đạo". Để trả đũa Belarus cũng đã áp đặt hạn chế xe tải Ba Lan đi vào lãnh thổ.
Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski sau đó thông báo trên Twitter rằng Ba Lan sẽ đáp trả tương ứng đối với các hãng vận tải Belarus.
Trong khi đó, Nga và Belarus đang củng cố quan hệ đồng minh. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 17.2 đã đến Moscow hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc gặp, ông Lukashenko nói nước này đã sẵn sàng chế tạo máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25, vốn "đã được chứng minh là hoạt động hiệu quả ở Ukraine".
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc mở rộng hợp tác quân sự và kinh tế trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Belarus cho biết nước này chỉ tham chiến cùng Nga nếu có một nước tấn công Belarus.
Sau phát ngôn của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông hy vọng “Belarus sẽ không tham gia cuộc xung đột". Ông Zelensky cảnh báo nếu Belarus can thiệp quân sự thì Ukraine “sẽ chiến đấu, và sẽ sống sót”. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói việc Minsk cho phép Nga sử dụng Belarus làm bàn đạp cho một cuộc tấn công mới sẽ là "sai lầm lớn".
Bình luận (0)