Trung Quốc chưa áp đặt các biện pháp cấm vận Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bắc Kinh nhiều lần khẳng định muốn giúp sớm chấm dứt xung đột Ukraine bằng biện pháp hòa bình.
Về tình hình chiến sự, quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga không ngừng cố gắng kiểm soát hoàn toàn hai thành phố Bakhmut và Avdeevka ở Donetsk song không thành công.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine vào cuối ngày 28.3 cho hay hai thành phố Bakhmut và Avdeevka cùng các khu vực lân cận trong khu vực công nghiệp Donetsk tiếp tục là mục tiêu tấn công của Nga.
Ông Serhiy Cherevatiy, người phát ngôn quân khu miền đông Ukraine, nói riêng Bakhmut phải chịu đến 70 vụ pháo kích trong ngày, và Nga đang muốn làm kiệt sức lực lượng phòng thủ.
Tuy nhiên, vị quan chức Ukraine nhấn mạnh tình hình “biến động không ngừng" và Nga đã không đạt được “lợi thế chiến lược nào” trong vài ngày qua, mà còn chịu thương vong lớn.
Bộ Quốc phòng Anh trước đó cho rằng Nga chỉ đạt được "tiến bộ nhỏ" trong nỗ lực bao vây Avdeevka và đã mất nhiều xe bọc thép, xe tăng tại đây.
Tuy nhiên, ông Denis Pushilin, quan chức đứng đầu khu vực Donetsk do Nga bổ nhiệm, tuyên bố hầu hết lực lượng Ukraine đã rút khỏi nhà máy kim loại AZOM ở phía tây Bakhmut. Tuyên bố này trái ngược với những lời khẳng định của Ukraine và phương Tây rằng tình hình ở Bakhmut đang ổn định và cuộc tấn công mùa đông của Nga đang chững lại.
Về tổn thất của Nga tại Avdeevka, tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga mất lượng lớn xe tăng tại đây do tiến công trực diện thiếu chiến thuật, tương tự các đợt tiến công không thành công gần đây của Nga, ở thành phố Ugledar.
Cơ quan này nhận định quân đoàn 3 của Nga ở mặt trận này đang "gặp phải các vấn đề như kỷ luật và tinh thần kém", đội hình tác chiến "dường như vẫn thể hiện hiệu quả chiến đấu hạn chế dù đã trải qua thời gian huấn luyện tại Belarus".
Nga chưa bình luận về đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đến thăm các khu vực tiền tuyến đã nhắc lại lời kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại hơn.
Ông nói Ukraine cần ít nhất 20 khẩu đội Patriot để chống lại tên lửa Nga.
Theo ông Zelensky, một số nước châu Âu đã gửi hệ thống phòng không khác tới Kyiv, nhưng lại không hoạt động được và họ phải thay thế nhiều lần. Tuy nhiên, ông không nêu rõ tên của nước nói trên.
Tổng thống Zelensky cũng nhắc lại mong muốn được cung cấp máy bay chiến đấu.
Hãng tin AFP gần đây cũng có dịp phỏng vấn một số phi công Ukraine, và họ thừa nhận rằng lực lượng trực thăng quá lạc hậu so với Nga. Theo các phi công này, trực thăng Ukraine chiến đấu ở miền đông hiện nay đều ra đời từ thời Liên Xô, bị áp đảo hoàn toàn về công nghệ so với những phi cơ đời mới của Nga. Vì vậy, mỗi lần cất cánh đối với họ đều là một lần trải qua “cảm giác bất an và lo sợ”.
Cho đến nay các đồng minh NATO vẫn chưa đồng ý cung cấp các loại chiến đấu cơ mà Kyiv mong muốn như F-16. Gần đây nhất, Ba Lan và Slovakia trở thành những nước đầu tiên chuyển chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng đây là loại MiG-29 từ thời Liên Xô. Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat hôm 27.3 than phiền rằng những chiếc MiG này chưa đủ để củng cố năng lực cho Ukraine. Theo ông Ignat giải thích thì MiG-29 không có radar và không thể mang tên lửa hiện đại, dù đã có hệ thống liên lạc và hoa tiêu hiện đại.
Trong khi đó, một quan chức Ukraine giấu tên gần đây nói với hãng tin Mỹ ABC News rằng thế hệ máy bay chiến đấu Su-35 mới nhất của Nga có những khả năng mà lực lượng Kyiv không thể vô hiệu hóa.
Theo vị quan chức ẩn danh này, các máy bay Su-35 mới nhất được trang bị radar rất hiệu quả và tên lửa tầm xa, cho phép chúng tấn công các máy bay phản lực Ukraine và hỗ trợ đắc lực từ trên không cho lực lượng mặt đất của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông lo ngại cục diện cuộc xung đột có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cán cân quyền lực trên chính trường Mỹ.
Phát biểu của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh một số chính trị gia nổi bật của Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Donald Trump, đã đặt câu hỏi về khoản viện trợ hàng chục tỉ USD cho Ukraine.
Trong khi đó, thành công của Ukraine trong việc đối phó với chiến dịch quân sự của Nga hơn một năm qua có phần đóng góp rất lớn từ sự hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Zelensky nói với hãng tin AP: "Người Mỹ hiểu rằng, nếu họ ngừng hỗ trợ chúng tôi, chúng tôi sẽ không thể chiến thắng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều lãnh đạo châu Âu đã nhiều lần tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ Kyiv "đến cùng". Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cảnh báo nếu cuộc chiến tiêu hao tiếp tục kéo dài, sự hỗ trợ đó sẽ giảm dần, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây phải đối mặt với các vấn đề kinh tế, xã hội của chính mình.
Phương Tây vẫn đang ra sức chi tiền để củng cố quốc phòng, đồng thời có nguồn lực để chi viện cho Ukraine. Các nhà máy công nghiệp quốc phòng khắp châu Âu đang gặp thời khi phải nỗ lực tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Hãng sản xuất vũ khí Nammo của Na Uy là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nỗ lực tăng sản lượng của hãng này đang gặp một trở ngại rất bất ngờ.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 29.4 cho biết Moscow bắt đầu tập trận với hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars. Động thái này có thể được coi là một nỗ lực khác của Nga nhằm phô diễn sức mạnh quân sự hạt nhân của mình, theo Reuters.
Tổng thống Vladimir Putin đã đặt mục tiêu chế tạo hệ thống tên lửa Yars, thay thế hệ thống Topol, một phần của "kho vũ khí bất khả chiến bại” của Nga và là trụ cột chính của thành phần trên mặt đất trong kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong một tuyên bố trên Telegram, bộ này cho biết có tổng cộng hơn 3.000 quân nhân và 300 thiết bị tham gia vào cuộc tập trận.
Cuộc tập trận bao gồm việc kiểm tra toàn diện khả năng kiểm soát của đội hình tên lửa Omsk, diễn tập chỉ huy và tham mưu với tên lửa Novosibirsk được trang bị hệ thống Yars.
Theo tờ báo The Guardian, các nhà phân tích Mỹ và Pháp cho rằng nỗ lực của Nga trong cuộc chiến tranh mạng ở Ukraine phần lớn đã thất bại và Moscow đang ngày càng nhắm mục tiêu vào các đồng minh châu Âu của Kyiv.
Trong một báo cáo hôm 29.3, công ty quốc phòng Pháp Thales cáo buộc Nga đang tấn công Ba Lan, các nước Bắc Âu và Baltic bằng nhiều vũ khí mạng nhằm gieo rắc sự chia rẽ và thúc đẩy các thông điệp phản chiến.
Microsoft trong một đánh giá về mối đe dọa hồi đầu tháng này nói rằng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công mạng tại ít nhất 17 quốc gia châu Âu trong 6 tuần đầu năm nay.
Thales và Microsoft cho biết cuộc xung đột Ukraine đi kèm với các cuộc tấn công mạng rộng rãi ở Ukraine, nhưng đều đã bị đẩy lùi. Cả hai công ty đều cho biết Nga đã chuyển trọng tâm sang các nước châu Âu khác vào cuối năm ngoái.
Bình luận (0)