Xem nhanh: Ngày 439 chiến dịch, Nga duyệt binh đơn giản; Ukraine lo không chống được vũ khí mới

Xem nhanh: Ngày 439 chiến dịch, Nga duyệt binh đơn giản; Ukraine lo không chống được vũ khí mới

09/05/2023 23:19 GMT+7

Vào đầu ngày hôm nay, Ukraine lại báo động không kích trên khắp toàn quốc. Ông Oleksiy Goncharenko, một quan chức quốc hội Ukraine, cho biết toàn bộ thủ đô Kyiv đã "bị đánh thức bởi tiếng nổ lớn", nhưng ông không cho biết vụ nổ xảy ra ở đâu và có thiệt hại hay không.

Nga đã tiến hành tập kích bằng UAV và tên lửa vào nhiều khu vực của Ukraine, kể cả thủ đô Kyiv, gần như mỗi đêm trong suốt tuần qua, trong bối cảnh Ukraine được cho là sắp mở đợt phản công lớn.

Không quân Ukraine hôm nay xác nhận quân đội Nga đã phóng tổng cộng 25 tên lửa hành trình vào nhiều vùng của nước này trong đêm 8.5, rạng sáng 9.5.

Trong số đó có 15 tên lửa được bắn từ biển Caspi hướng về thủ đô Kyiv. Không quân Ukraine tuyên bố đã vô hiệu hóa 23 trong tổng số 25 tên lửa Nga vào đêm qua và không có thương vong.

Bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ tư lệnh Tác chiến miền nam của Ukraine, nhận định rằng Nga đang tìm cách làm cạn kiệt năng lực phòng không của Ukraine.

Hôm nay tại nước Nga đã tổ chức kỷ niệm Ngày chiến thắng 9.5, đánh dấu việc quân đội phát xít Đức đầu hàng phe Đồng minh Thế chiến 2 vào năm 1945. Nhân dịp này, như mọi năm, Nga cũng tổ chức diễu binh trên Quảng trường Đỏ, và Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu tại đây. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì cuộc duyệt binh năm nay khá giản dị so với các năm trước.

Sau cuộc duyệt binh của Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố EU sẽ không lung lay trước màn phô diễn sức mạnh quân sự của Nga.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), ông Scholz cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng tốc quá trình tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng cũng như nỗ lực mua sắm vũ khí chung cho Ukraine.

Trong khi đó, tại điểm nóng xung đột Bakhmut ở miền đông Ukraine, các trận chiến vẫn diễn ra khốc liệt. Theo lời ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tổ chức quân sự tư nhân Nga Wagner, trong hôm 8.5 các đơn vị Wagner tiến thêm 130 m, và Ukraine hiện chỉ còn giữ được khu vực rộng khoảng 2,36 km2.

Ông Prigozhin ban đầu cho biết các đơn vị Wagner đã bắt đầu được cung cấp thêm đạn dược. Tuy nhiên, trong một thông điệp đăng trên Telegram sau đó, ông lại nói rằng Wagner chưa được nhận. Cách đây vài ngày ông Prigozhin đã tuyên bố sẽ rút khỏi Bakhmut ngay vào ngày hôm nay 9.5 vì không được Bộ Quốc phòng Nga cung cấp đủ đạn dược, khiến cho lực lượng Wagner bị tổn thất lớn. Vấn đề này tưởng chừng đã được giải quyết cách đây 2 ngày, khi ông Prigozhin nói đã được Bộ Quốc phòng cam kết cung cấp đầy đủ lượng đạn và vũ khí cần thiết. Tuy nhiên, có vẻ đến hôm nay mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng.

Trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công lớn, tổng thống CH Séc mới đây cho biết ông đã cảnh báo giới lãnh đạo Kyiv về rủi ro nếu phản công vội vã.

Một quan chức Nga hôm 8.5 cho biết các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải tạm ngừng hoạt động do lo ngại sắp có hoạt động phản công ở khu vực này.

Reuters dẫn thông báo của ông Yevgeny Balitsky, người đứng đầu chính quyền Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, ngày 8.5 cho biết: "Chúng tôi thấy mực nước ở đập Kakhovka đã lên 17,08m. Chúng tôi cho rằng đây là một hành động khiêu khích cố ý. Các lò phản ứng hạt nhân (của nhà máy Zaporizhia) đã tạm ngừng hoạt động".

Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia Yuri Chernichuk cho hay các lò phản ứng đã ngừng hoạt động vào tuần trước, việc bảo trì "tiếp tục tuân thủ các quy định cần thiết, với sự kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn bức xạ".

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và hiện do Nga kiểm soát.

Tuần trước, ông Renat Karchaa, cố vấn Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom, đã cảnh báo nếu đập Kakhovka bị vỡ, các đường dây điện cấp cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ bị ngập.

Thủ tướng Hà Lan hôm 8.5 cho biết chính phủ của ông đang thảo luận với Đan Mạch, Anh, Mỹ và một số nước châu Âu khác về khả năng gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Nhưng ông thận trọng cho biết vẫn cần đạt được đồng thuận giữa tất cả các bên, như đã từng thực hiện trong các quyết định chuyển giao lựu pháo và xe tăng cho Kyiv.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết nước này đã chuyển giao tổng cộng 10 máy bay MiG-29 cho Ukraine.

Ukraine trong nhiều tuần qua đã liên tục lặp lại yêu cầu phương Tây cung cấp chiến đấu cơ hiện đại, cụ thể là F-16, để bảo vệ vùng trời trước các cuộc không kích của Nga. Yêu cầu này càng trở nên cấp bách khi Nga trong những ngày gần đây bắt đầu sử dụng nhiều hơn một loại vũ khí mới làm khó hệ thống phòng không của Kyiv.

Mỹ chuẩn bị công bố gói viện trợ trị giá 1,2 tỉ cho Ukraine sớm nhất là vào ngày 9.5, theo một quan chức Mỹ thạo tin.

Gói này sẽ bao gồm máy bay không người lái, đạn pháo và tên lửa phòng không.

Theo hãng tin AP, lô hàng này sẽ thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), có nghĩa là sẽ được ký hợp đồng và mua từ các nhà sản xuất thay vì lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng.

Thay vì cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà nước này hiện đang cần, các gói của USAI nhằm tạo ra nguồn cung cấp trung hạn và dài hạn cho Ukraine.

Với trị giá 1,2 tỉ USD, gói viện trợ mới nâng tổng viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine lên gần 37 tỉ USD từ khi cuộc xung đột bùng phát hồi tháng 2.2022.

Giới chức Mỹ cho biết một phần khoản tiền sẽ được chi cho các tổ hợp phòng không MIM-23 HAWK. Ngoài ra còn có đạn tên lửa, máy bay không người lái (UAV) hỗ trợ phòng không, pháo, hỏa tiễn, ảnh vệ tinh, kinh phí cho bảo trì và phụ tùng thay thế của nhiều hệ thống vũ khí.

Một loại vũ khí Mỹ mà người Ukraine đang mong chờ trong nhiều tháng qua là xe tăng chủ lực M1 Abrams. Thông tin ban đầu cho biết Ukraine sẽ được nhận một số xe tăng phiên bản mới, nhưng sau đó, Mỹ cho biết sẽ cung cấp những xe tăng Abrams phiên bản cũ hơn. Không những vậy, số xe tăng này trong quá trình chuẩn bị chuyển giao cũng sẽ bị lấy đi những trang bị công nghệ cao.

Bộ tư lệnh Tác chiến Đường không thuộc không quân Mỹ hôm 8.5 ra thông cáo cho biết đã điều tiêm kích tàng hình F-22 đến Estonia để bảo vệ sườn đông NATO và "răn đe các hành động hung hăng trong khu vực biển Baltic".

Thông cáo này không nói rõ số lượng tiêm kích F-22 triển khai đến Estonia và thời gian lưu trú tại căn cứ Amara. Không quân Mỹ đầu tháng 4 điều động 12 chiến đấu cơ tàng hình F-22 đến đóng quân tại căn cứ Powidz ở Ba Lan, nhằm hỗ trợ hoạt động bảo vệ sườn đông dài 2.400 km của NATO.

Estonia và Nga chưa có bình luận về thông tin này.

Máy bay của NATO và Nga thường xuyên đụng độ tại các khu vực ranh giới thời gian qua. Hồi cuối tháng 4, không quân Đức và Anh tham gia nhiệm vụ của NATO đã ngăn chặn 3 máy bay quân sự của Nga tại khu vực biển Baltic.

Còn trong tháng 3, một máy bay không người lái (UAV) trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ rơi ở biển Đen trong một vụ đụng độ với hai máy bay tiêm kích Su-27 của Nga.

Mới đây, lại xảy ra một vụ đối đầu trên không giữa máy bay Nga và máy bay Ba Lan trên biển Đen, khiến NATO phải đặt các đơn vị tuần tra trên không của liên minh trong tình trạng sẵn sàng cao hơn.

Bộ Ngoại giao Ý hôm 8.5 đã khuyến cáo các công dân Ý còn ở Ukraine cần lập tức rời nước này bằng mọi biện pháp có thể.

Bộ Ngoại giao Ý cũng không khuyến khích công dân nước này đến Ukraine. Rome kêu gọi những người buộc phải công tác tại đây cần "cực kỳ thận trọng và có biện pháp để phòng ngừa".

Cảnh báo này được giới chức Ý phát ra khi Nga dường như đang tăng cường tập kích đường không vào Ukraine, trong bối cảnh Kyiv được cho là sắp mở đợt phản công lớn.

Trong một thông tin khác, ông Ibrahim Kalin, cố vấn cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về chính sách đối ngoại, tin rằng xung đột giữa Nga và Ukraine thực chất là xung đột giữa Moscow và phương Tây, do đó chỉ có thể được giải quyết bằng cách hai bên đạt được một "thỏa thuận an ninh chiến lược" mới.

Ông Kalin cho biết đã thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về lập trường của Moscow trong vấn đề này nhân chuyến thăm Nga gần đây.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận như vậy, nhưng ông Kalin thừa nhận bầu không khí quốc tế hiện tại đang "nghiêng về xung đột hơn là hòa bình". Ông nói có "các cường quốc muốn cuộc chiến này tiếp diễn", nhưng không nêu rõ các bên ủng hộ xung đột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.