Hôm nay là ngày thứ 500 kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Trong những ngày đầu, nhiều nỗ lực đàm phán hòa bình đã được tổ chức nhằm nhanh chóng kết thúc chiến sự, tuy nhiên tính từ tháng 3 năm ngoái đến nay vẫn chưa có một buổi hòa đàm nào chính thức diễn ra, trong khi tình hình căng thẳng ngoài tiền tuyến lại ngày một tăng nhiệt.
Mới đây nhất, cuộc xung đột có thêm một dấu mốc leo thang mới khi Mỹ quyết định gửi đạn chùm đến Ukraine, làm dấy lên nhiều tranh cãi ngay cả trong chính các quốc gia đồng minh với nước này.
Chính phủ các nước Đức, Anh, Tây Ban Nha và Canada đều đã lên tiếng phản đối động thái của Mỹ. Chính phủ Canada tuyên bố: “Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom chùm và cam kết chấm dứt sự ảnh hưởng của bom chùm đối với dân thường, đặc biệt là trẻ em”.
Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Rezniko hoan nghênh Mỹ viện trợ loại đạn nguy hiểm trên, mà Kyiv cho rằng sẽ gây nên “tác động tâm lý-tình cảm phi thường” cho quân Nga.
Tuy nhiên, Nga cũng có thể lấy việc Ukraine đã trang bị bom chùm làm lý do cho những động thái leo thang tiếp theo. Hôm 8.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định rằng việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine sẽ không làm ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của nước này.
Loại đạn chùm mà Mỹ viện trợ cho Ukraine có tên gọi chính thức là Đạn Thông thường Lưỡng dụng Cải tiến (DPICM). Đây là thuật ngữ chỉ chung nhiều loại đạn pháo và hỏa tiễn mang đạn con hoặc bom con, mà người Việt quen thuộc với tên gọi “bom bi”.
Thuật ngữ “Lưỡng dụng” cho thấy DPICM có thể đối phó cả xe thiết giáp và mục tiêu mềm như binh sĩ.
Đạn mẹ DPICM thường phóng ra loạt đạn con ở vị trí đã được cài đặt từ trước trên đạn đạo. Mỗi quả đạn con của DPICM được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp, bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh gây sát thương rộng.
Một hỏa tiễn M26 đường kích 227 mm phóng từ hệ thống HIMARS có thể chứa 644 quả đạn con M77 và phát tán trên khu vực có bán kính 200 m.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đánh giá đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát. Ông Reznikov cũng cam kết sẽ không nã đạn chùm vào “lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận”.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định DPICM có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga, vốn đang gây thiệt hại nặng nề và cản bước chiến dịch phản công của Kyiv. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đây không phải là thứ vũ khí thần kỳ giúp giải quyết cuộc xung đột.
Nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, nơi đã diễn ra cuộc vây hãm của lực lượng Nga mà kết cục là các binh sĩ Ukraine cố thủ phải ra hàng vào tháng 5.2022. Sau đó, thông qua một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, Nga đã trao trả nhiều binh sĩ, trong đó có 5 sĩ quan chỉ huy Ukraine nhưng với điều kiện 5 người này phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột chấm dứt.
Thế nhưng, vào hôm qua, Ukraine đánh dấu 500 ngày cuộc xung đột bằng chuyến bay đưa 5 người này về nước.
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở thủ đô Istanbul hôm 8.7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Ukraine đáng được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, tại CH Czech, một trong vài nước thành viên NATO mà ông Zelensky công du trong tuần, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh NATO cần phải đưa ra “tín hiệu rõ ràng rằng Ukraine sẽ được tiếp nhận vào khối liên minh”.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho rằng toàn bộ thành viên NATO đã đạt được nhất trí trong việc rút ngắn quy trình để Ukraine có thể được kết nạp trước khi chiến sự chấm dứt. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định trong khi ông Biden và các nhà lãnh đạo NATO dĩ nhiên sẽ thể hiện “sự đoàn kết và kiên định” trong việc ủng hộ chính quyền Kyiv, Ukraine sẽ không gia nhập NATO ngay sau hội nghị.
Tất cả những nỗ lực nói trên từ ông Zelensky đều nhằm thúc đẩy các nước NATO nhanh chóng có động thái liên quan tại hội nghị thượng đỉnh của khối, diễn ra trong 2 ngày 11-12.7 tới ở thủ đô Vilnius (Lithuania). Điều đáng chú là nơi này chỉ cách biên giới với một đồng minh của Nga là Belarus chỉ hơn 30km. Chính vì vậy, các biện pháp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt đang được gấp rút triển khai nhằm bảo vệ các quan chức tham dự.
Để bảo vệ cho hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, Đức đã triển khai các hệ thống tên lửa Patriot để bảo vệ đến thủ đô Lithuania trong giai đoạn hội nghị diễn ra.
Trong khi đó, Tây Ban Nha điều hệ thống phòng không NASAMS. Pháp gửi pháo tự hành Caesar. Bên cạnh đó, các máy bay quân sự của Pháp, Phần Lan, Đan Mạch đang được triển khai ở Lithuania. Anh và Pháp còn cung cấp năng lực chống máy bay không người lái cho nước này.
Bên cạnh đó, Ba Lan và Đức gửi các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt và trực thăng. Những nước khác cung cấp những biện pháp ứng phó nguy cơ tấn công sinh học, hóa học, phóng xạ và hạt nhân.
Trong khi ủng hộ Ukraine trở thành thành viên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thay đổi ý kiến về khả năng Thụy Điển có thể được kết nạp trong thời gian tới.
Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập NATO vài tháng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được triển khai ở Ukraine.
Việc kết nạp thành viên mới cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 thành viên hiện tại trong NATO, song nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển đã vấp phải rào cản từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Cho đến đầu tháng 4, Ankara và Budapest mới đồng ý để Phần Lan gia nhập liên minh, trong khi vẫn tiếp tục trì hoãn việc kết nạp Thụy Điển. Nguyên nhân là vì Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà cả Ankara, Mỹ và EU xem là khủng bố.
Dù vậy, việc gia nhập của Thụy Điển dù vẫn còn một số vướng mắc nhưng được cho là sớm muộn gì cũng sẽ hoàn tất. Nga chắc chắn coi đó là mối đe dọa an ninh và sẽ có biện pháp đối phó tương xứng.
Các đơn vị Wagner vẫn chưa chuyển đến Belarus theo điều kiện của một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn của nhóm quân sự tư nhân này tại Nga vào hôm 24.6. Hôm 8.7, một chỉ huy Wagner đã lên tiếng giải thích rằng các đơn vị vẫn còn đang nghỉ phép đến tháng 8 theo lệnh từ người lãnh đạo Yevgheni Prigozhin.
Hãng tin Reuters dẫn lời chỉ huy Anton Yelizarov cho biết lực lượng của tập đoàn quân sự tư nhân đang trong giai đoạn chuẩn bị di dời cơ sở. Ông giải thích là ông Prigozhin đã lệnh cho các thành viên tập đoàn nghỉ phép đến đầu tháng 8 trước khi chuyển sang Belarus.
Trong thời gian này, theo ông Yelizarov, lực lượng Wagner đang “chuẩn bị căn cứ, thao trường, cũng như phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức trao đổi với cơ quan hành pháp tại Belarus và thiết lập hệ thống hậu cần”.
Ông Yelizarov cho biết sau vụ Wagner nổi loạn, lực lượng an ninh Nga “không đe dọa” thành viên của tập đoàn. Ông cũng tin rằng lính Wagner sẽ tiếp tục trung thành với người lãnh đạo Prigozhin vì ông “thu nhận những chiến sĩ mà chính phủ bỏ qua”.
Bình luận (0)