Cuộc phản công của Ukraine, hiện đang ở giai đoạn đầu, phần nào giúp trả lời câu hỏi các hệ thống vũ khí mới có tăng cường năng lực quân sự của Kyiv hay không, và ở mức độ nào.
Xa hơn, chính xác hơn
Tổ hợp tên lửa tinh vi do Mỹ sản xuất - Hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, đã giúp lực lượng Kyiv có năng lực bắn trúng mục tiêu xa hơn và với độ chính xác cao hơn nhiều so với các hệ thống do Liên Xô thiết kế.
Các tổ hợp HIMARS do Ukraine vận hành có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 80km và sau đó nhanh chóng di chuyển để tránh phản pháo. Trong cuộc phản công mùa thu năm ngoái, HIMARS đã phá hủy các cây cầu gần thành phố Kherson phía nam, khiến quân đội Nga không thể hỗ trợ và tiếp ứng lẫn nhau và cuối cùng phải rút khỏi đây.
Ukraine đã đề nghị được cung cấp loại tên lửa bắn từ HIMARS có tầm tấn công tới 300km. Nhưng Mỹ và các đồng minh còn chần chừ chưa cung cấp.
Tuy nhiên, vào tháng 2, Washington đã đồng ý gửi loại bom đường kính nhỏ phóng được từ HIMARS có tầm bắn 150km, còn Anh đã chuyển giao các tên lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn 250km. Cả hai vũ khí này giúp mở rộng phạm vi tấn công của Ukraine.
Hệ thống phòng không
Trong suốt cuộc chiến, Nga nhiều lần tiến hành tập kích bằng tên lửa vào nhiều mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Để đối phó, phương Tây đã gửi cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot và Avenger. Với giá 4 triệu USD, tổ hợp tên lửa Patriot được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo phức tạp. Ukraine sử dụng các vũ khí đơn giản hơn có thể đối phó với các UAV tự sát giá rẻ, bay chậm.
Pháo binh
Được mệnh danh là “Vua chiến trường”, pháo binh là chìa khóa trong bất kỳ cuộc chiến nào - mà đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine. Các lực lượng Ukraine đang sử dụng nhiều pháo binh trong các trận chiến xung quanh Zaporizhzhia, nơi bắt đầu cuộc phản công đang diễn ra.
Ukraine có trong tay rất nhiều loại pháo — nhưng giờ đây họ có M777 của Mỹ và pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức, cả hai đều chính xác và mạnh mẽ hơn so với những gì lực lược Kyiv có lúc bắt đầu cuộc chiến.
Xe tăng - thiết giáp
Ukraine cần “nắm đấm bọc thép” - là các loại xe tăng và xe bọc thép - nếu muốn chọc thủng phòng tuyến Nga. Các xe tăng được phương Tây chuyển giao cho đến nay - bao gồm Leopard của Đức và Challenger của Anh - tinh vi hơn so với các mẫu T-64 và T-72 do Liên Xô thiết kế mà Ukraine có trước đó.
Theo ông Craig Cartier, một nhà phân tích về Liên Xô với hơn 30 năm kinh nghiệm nay đã nghỉ hưu, các xe tăng nói trên cũng có lớp giáp tốt hơn và có thể tấn công chính xác hơn so với xe tăng của Nga.
Mỹ cũng gửi xe chiến đấu Bradley, loại xe này có khả năng bảo vệ tốt hơn cho binh lính và có hỏa lực tốt hơn so với xe bọc thép thời Liên Xô mà Ukraine đã sử dụng. Tất cả những phương tiện này có thể gây thương vong cao và phá hủy các hệ thống vũ khí khác, khiến chúng trở nên vô cùng giá trị đối với một cuộc phản công.
Huấn luyện
Yếu tố có thể được xem là quan trọng nhất đối với thành công của Ukraine chính là bản thân người Ukraine. Các chuyên gia phân tích đều cho biết chính kinh nghiệm và công tác huấn luyện cho quân đội Ukraine, chứ không chỉ vũ khí do phương Tây cung cấp, đã khiến họ trở thành một lực lượng mạnh mẽ hơn.
Ông George Barros, một nhà phân tích về Nga của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận xét: “Không thể biết cuộc phản công sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng điều tôi sẽ nói là, mỗi khi người Ukraine có cơ hội thể hiện lòng dũng cảm và quyết tâm trên chiến trường, họ luôn làm tốt hơn mong đợi”.
Bình luận (0)