Chập tối, Joseph Nzioka cùng anh bạn Georges Kitili ăn vội, rồi ghé trung tâm mua sắm Grand Mall rút tiền để chuẩn bị cho một đêm World Cup. Họ sẽ đến khu truyền hình trực tiếp bóng đá mới được lập nên trên bãi đất trống tại Asian Town nằm cách trung tâm Doha chừng 30 cây số về phía tây nam. Đó là một phần World Cup của họ.
Người lao động nước ngoài xem truyền hình trực tiếp tại “xóm nhà lá” Asian Town |
ĐỖ HÙNG |
Những kẻ may mắn
Tôi gặp Joseph Nzioka và Georges Kitili tại khu Asian Town khi lặn lội đến đây để tìm hiểu World Cup của các công nhân nước ngoài. Thế rồi tôi được biết hóa ra đây là hai ca đặc biệt nhất mà tôi từng gặp.
Joseph, 25 tuổi, còn Georges, 26 tuổi, người Kenya, đã đến làm thuê trong mùa World Cup. Joseph kể với tôi rằng anh và Georges nằm trong số những kẻ may mắn nhất, khi có thể tiếp cận được World Cup theo một cách đặc biệt ít ai ngờ.
“Tụi tôi được thuê làm bảo vệ ở một sân tập. Anh đừng hỏi sân tập nào, vì đó là điều chúng tôi không được phép tiết lộ”, Joseph nói. “Các anh có nhìn thấy cầu thủ không?”, tôi hỏi hai người. “Chúng tôi nhìn thấy khá thường xuyên. Việc gặp các cầu thủ mà trước đây tụi tôi chỉ thấy trên ti vi là điều rất đặc biệt”, Joseph nói. Tôi hỏi Joseph là có thực sự gặp không, hay chỉ thấy từ xa. Anh ta cười, giải thích rằng về nguyên tắc thì những người làm nhiệm vụ tại doanh trại đội tuyển không được phép chủ động tiếp xúc với cầu thủ.
“Chúng tôi chỉ làm công việc của mình, không được tiếp cận cầu thủ”, Joseph giải thích. “Nguyên tắc là vậy nhưng thực tế thì khác. Đôi lúc có một vài cầu thủ ngẫu hứng ghé tới nói chuyện với những người bảo vệ sân. Lần đầu tiên tôi đã khựng lại, không biết nói gì, chỉ kịp nói “rất vui được gặp anh” thôi. Lần sau thì đỡ hơn. Anh thấy tụi tôi rất may mắn đúng không?”, Joseph cười nói với tôi.
Một công việc đặc biệt, với khoản lương tháng 2.500 riyal (khoảng 16,5 triệu đồng), Joseph có lý do để cảm thấy may mắn. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì World Cup của anh vẫn là những buổi xem truyền hình trực tiếp tại “xóm nhà lá” ở Asian Town. “Xem ở đây cũng vui mà đồ ăn thức uống rẻ hơn dưới Fan Festival trung tâm. Tụi tôi chỉ cần có thế”, Joseph nói.
“Xóm nhà lá” sôi động
Trên khoảng sân rộng kế bên trung tâm mua sắm Grand Mall, 3 màn hình lớn được dựng lên. Khi có đội chủ nhà Qatar hoặc các đội bóng lớn thi đấu, nơi đây thu hút hàng ngàn người. Những trận đấu “nhỏ hơn” có số lượng người đến xem ít hơn, nhưng vẫn là nơi xôm tụ nhất của cả khu lao động nước ngoài này. Người ta tới để xem bóng đá, reo hò, ăn uống, chơi phóng phi tiêu và các trò chơi có thưởng khác. Trong lúc xem, người ta gọi điện cho người thân, bạn bè ở quê hương. Họ chính là những người lao động nghèo từ các nước khác đến Qatar làm ăn, kiếm tiền gửi về quê hương. Nhiều người trong số họ tham gia gián tiếp hoặc trực tiếp tới hoạt động chuẩn bị và công tác tổ chức World Cup 2022. Trong đó, có người xây sân vận động, đường sá, bãi tập; có những người như Joseph và Georges tham gia trực tiếp hơn vào công tác tổ chức. Nhưng đối với tất cả họ, vào sân xem trận đấu là một điều gì đấy rất xa vời.
Để phục vụ cho người lao động nghèo nước ngoài, ban tổ chức địa phương đã thành lập một khu truyền hình trực tiếp công cộng tại Asian Town, với vành đai an ninh, lực lượng bảo vệ túc trực, dịch vụ ăn uống… theo mô hình một fan festival chính thức. Tất nhiên là nơi đây không có sân khấu ca nhạc, không có những trò vui sôi động như Fan Festival ở Corniche dưới trung tâm Doha. Và cũng khác với khu trung tâm hoặc quanh các sân đấu, người lao động nghèo ở đây ít khoác áo các đội tuyển, với tên cầu thủ thần tượng được in trên lưng áo. Họ cũng không đi giày thể thao, đa phần xỏ dép. Họ mặc áo ở nhà, hoặc giữ nguyên bộ đồ từ nơi làm việc về, nói chung có gì mặc nấy.
Tôi đến đây vào những loạt trận cuối cùng của vòng đấu bảng, khi thường có hai trận đấu diễn ra cùng giờ. Người ta chia ra thành hai khu vực. Khu vực có hai màn hình nhỏ hơn phát trực tiếp một trận; màn hình lớn nhất phát trận còn lại. Chỉ có khoảng vài trăm người ngồi xem, gồm người đến từ Philippines, người gốc Nam Á, người Kenya, người Sudan, nôm na là một Liên hiệp quốc thu nhỏ. Những người lao động Philippines thoạt tiên tưởng tôi là đồng hương, chào hỏi bằng tiếng Philippines rất nồng nhiệt, sau đó biết tôi là người VN thì vẫn giữ nguyên sự vồn vã, còn nhờ tôi chụp hình và chụp hình chung.
“Anh là người nước ngoài hiếm hoi tới xem World Cup mà ghé qua chỗ này. Hầu hết người tới Qatar dịp World Cup chỉ biết trung tâm Doha, các sân bóng hoặc điểm du lịch”, anh Arriel Mateo, người Philippines làm nhân viên tại một khu mua sắm, chia sẻ và còn nói thêm: “Với chúng tôi, chỗ này là khác biệt duy nhất của World Cup so với ngày thường”.
Anthony Mwangi, một công nhân làm nghề xây dựng đến từ Kenya, cho biết World Cup đã khiến sinh hoạt hằng ngày của anh thay đổi. “Thông thường tôi làm việc xong thì về nhà trọ. Khi World Cup diễn ra, tôi gặp nhiều người hơn, nói chuyện với họ, kết nối với họ qua WhatsApp. Tôi thích các trận bóng đá, tôi cũng thích không khí này”, anh chia sẻ. Anthony nói rằng sau 12 năm sinh sống tại đây, anh đã thấy Qatar như là quê hương mình vậy. “Tôi ủng hộ đội tuyển Qatar, tất nhiên là như thế. Sau khi đội bóng của mình bị loại, tôi chọn Brazil để ủng hộ”, Anthony cho biết.
Tương tự Anthony, hàng trăm người hâm mộ bóng đá tại bãi xem Asian Town này đến từ hàng chục quốc gia khác nhau. Họ đã chọn Qatar để sinh sống, và qua thời gian, tạm bợ trở thành dài lâu, đất khách trở thành nhà. World Cup là dịp họ tương tác với nhau trong tình yêu trái bóng. Khi giải đấu đi qua, họ lại trở về với nỗi lo toan thường nhật, nhưng trải nghiệm mà họ từng có với nhau trên bãi đất trống này hẳn sẽ còn ở lại rất lâu trong tâm hồn.
Bình luận (0)