Xếp hàng dài vào cửa hàng Uniqlo: Giới trẻ Việt không tiếc tiền mua sắm thời trang?

13/12/2019 19:04 GMT+7

Xếp hàng dài giữa trời nắng để chờ vào cửa hàng Uniqlo đầu tiên ở TP.HCM để mua sắm, trước đó, vào những dịp như Black Friday, cơn bão mua sắm đổ bộ ở các cửa hàng như Zara, Canifa, H&M…

Trong số nhiều người xếp hàng mà chúng tôi kể trên, có không ít người trẻ. Các bạn không tiếc tiền để có quần áo đẹp.

Một tủ quần áo vẫn không biết mặc gì hôm nay

Nguyễn Thị Thu Hà, 28 tuổi, người làm content (nội dung) về sách và phim ở đường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, cho biết càng có nhiều quần áo càng rơi vào trạng thái không biết mặc gì hôm nay. Mới đây, Hà đã lên Facebook để thanh lý những quần áo cũ mà có bộ trong đó chỉ mặc một lần rồi thôi. “Lúc mua thì thấy hay hay, nhưng đến khi mang về nhà lại mặc một lần thấy chán. Tôi bán lại cho bạn bè Facebook, tiền có được lại để mua quần áo mới”, Hà nói.
Theo số liệu công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố, quý 1 năm 2018 người Việt Nam chi tiêu cho thời trang nhiều đứng thứ 2 trong tổng số những nhu cầu. Còn ở quý 2 năm 2018, thời trang đứng thứ 3 trong số những lĩnh vực mà người Việt chi tiêu nhiều nhất (sau tiết kiệm, kỳ nghỉ).

Người dân mua sắm thời trang trong ngày Black Friday

Bảo Vy

Mua sắm thời trang từ lâu đã trở thành một cách để giải trí, giải tỏa stress của nhiều người trẻ, đặc biệt là các bạn đã đi làm có thu nhập tốt và còn độc thân, chưa quá lo toan về cơm áo gạo tiền. “Chất lượng thời trang Uniqlo, Zara, hay H&M, Ivy Moda được nhiều người đánh giá tốt. Thực tế, khi các cửa hàng này có mặt ở Việt Nam thì việc mua sắm dễ dàng hơn. Những ngày mới khai trương, giá của mỗi mặt hàng cũng không quá cao do được ưu đãi giảm giá, tôi nghĩ là 599.000 đồng cho một mẫu quần legging hay 199.000 đồng cho mẫu áo thun là chấp nhận được”, anh Nguyễn Thanh Hải, làm việc ở tòa nhà Vietbank, ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần (TP.HCM), nói.
Anh Hải cho rằng "đó là tín hiệu tốt của nền kinh tế. Khi người dân chi mạnh tay hơn cho mua sắm thời trang, là lúc kinh tế tăng trưởng tốt".

Đi du lịch mua sắm

Không chỉ thích mua sắm thời trang ở trong nước, nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch ở nước ngoài để thoải mái mua sắm thời trang cao cấp.
Đầu năm 2019, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố báo cáo chỉ ra có đến 23% người du lịch Việt Nam ra nước ngoài để mua sắm thời trang cao cấp. Có 5 nhóm sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng mạnh tay chi tiền để mua: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử cá nhân, sản phẩm chăm sóc cơ thể.

Xếp hàng dài vào Uniqlo Đồng Khởi (TP.HCM) ngày khai trương

Đậu Tiến Đạt

Trong một cửa hàng Uniqlo tại TP.Hakata, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản mới đây, chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ đang xếp hàng để được hoàn thuế sau khi mua hàng chục chiếc áo khoác, áo giữ nhiệt, quần legging của thương hiệu này. “599.000 đồng một áo khoác siêu nhẹ, có thể gấp gọn lại siêu nhỏ, nhưng mặc lại siêu ấm. Tôi mua cho mình, bố mẹ chồng, các con và cháu để làm quà”, chị Nguyễn Thu Ngọc, 31 tuổi, chủ một phòng khám sản, trú ở đường Đà Nẵng, TP.Hải Phòng) chia sẻ.

Mua hàng đắt tiền để… tiết kiệm

Xu hướng sống tối giản (minimalism) đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Một số bạn trẻ chọn mua hàng cũ (second hand) trong một số cửa hàng tuyển lựa hàng từ Hàn Quốc, Campuchia. Kinh nghiệm mua sắm của nhiều bạn trẻ là tìm được hàng “nước đầu” (hàng mới lựa đợt đầu) thì rất nhiều hàng hiệu như Zara, H&M hay Uniqlo trong số này.

Cửa hàng Canifa ngày Black Friday

Bảo Vy

Không phải mua hàng đắt tiền là hoang phí. Mua sắm thời trang chất lượng để lâu hư hỏng hơn đang là cách chọn lựa của nhiều bạn trẻ đã đi làm và có thu nhập ổn định.
“Một cái áo khoác hay một đôi giày có thương hiệu, chất lượng cao sẽ dùng được lâu bền hơn và lâu xuống chất lượng hơn. Từ đó, bạn sẽ mua và thải ra môi trường đồ hỏng ít hơn. Như vậy, mua sắm đồ đắt tiền cũng là cách để tiết kiệm”, chị Nguyễn Thị Cẩm Xuân, 27 tuổi, nhà thiết kế và chế tác trang sức đá quý Formation (TP.HCM) trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.