Hôm nay 6.12, Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT đã đưa tin về kết quả phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng GS Nhà nước (diễn ra ngày 5.12) về việc thảo luận và tiến hành bỏ phiếu đối với ứng viên đang được xét để được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. GS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng GS Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023, chủ trì phiên họp.
Theo đó, số ứng viên được 28 hội đồng GS ngành, liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên và đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận là 357 người, trong đó có 40 ứng viên GS, 317 ứng viên PGS. Kết quả, có 339 ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS. Tuy nhiên, danh sách cụ thể 339 ứng viên này chưa được công bố.
Vì sao 18 ứng viên bị “trượt” GS, PGS?
Về việc 18 ứng viên bị “trượt”, theo giải thích của Bộ GD-ĐT, hoặc ứng viên tự xin rút, hoặc không đủ phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận hồ sơ ứng viên từ các Hội đồng GS ngành, liên ngành, Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT và thường trực các Hội đồng GS ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát thêm minh chứng toàn bộ hồ sơ ứng viên, báo cáo thường trực Hội đồng GS Nhà nước trước khi trình Hội đồng GS Nhà nước xét và công nhận.
Trong quá trình rà soát, 14 ứng viên xin rút hồ sơ không đề nghị xét tiếp (trong đó 1 ứng viên GS và 13 ứng viên PGS). Như vậy, số ứng viên chính thức được xét tại Hội đồng GS Nhà nước là 343 ứng viên, trong đó có 39 ứng viên GS và 304 ứng viên PGS.
Tại phiên họp lần thứ 4, Hội đồng GS Nhà nước đã thảo luận công khai hồ sơ từng ứng viên, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu đối với kết quả xét của hội đồng GS ngành, liên ngành và danh sách ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Đối với những trường hợp có đơn thư, Hội đồng xem xét rất kỹ lưỡng và biểu quyết đưa vào bỏ phiếu cho từng trường hợp. Kết quả, có 339 ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm như đã nói ở trên.
Thông tin phản biện từ xã hội là nguồn thông tin hữu ích
Bộ GD-ĐT đánh giá, về cơ bản, chất lượng ứng viên GS, PGS năm 2020 khá tốt, hầu hết các ứng viên có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus.
Việc công khai thông tin ứng viên đạt tiêu chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông tin điện tử của Hội đồng GS Nhà nước đã phản ánh tính công khai, minh bạch của quá trình xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Những thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng các nhà khoa học… là nguồn thông tin hữu ích giúp các hội đồng GS các cấp lựa chọn được những ứng viên đủ điều kiện và xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020.
Nhiều ứng viên được vận động để tự nguyện rút
Như báo Thanh Niên đã đưa tin, sau các cuộc họp của các hội đồng GS ngành, liên ngành, 26/28 hội đồng (không tính các hội đồng khoa học an ninh, khoa học quân sự) đã đề xuất lên Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020 một danh sách gồm 321 ứng viên, trong đó 40 ứng viên GS, 281 ứng viên PGS.
Tuy nhiên, sau đó xuất hiện hàng loạt thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng khoa học cho rằng có hàng chục ứng viên, hầu hết của các ngành y, dược không đủ số bài báo quốc tế uy tín, thậm chí có một số trường hợp bị nghi ngờ vi phạm liêm chính khoa học. Riêng ngành y, có 31/40 ứng viên bị tố cáo; ngành dược có 5/10 ứng viên bị tố cáo.
Vì thế, Hội đồng GS Nhà nước đã quyết định lùi lịch xét GS, PGS, để hội đồng các ngành, liên ngành liên quan có thời gian rà soát lại hồ sơ ứng viên của mình.
Kết quả rà soát đã được 2 hội đồng ngành y, dược thông tin chính thức cho báo giới ngày 30.10. Theo đó, ngành y chỉ có 2 ứng viên bị “xét nhầm”, 4 ứng viên được cho “nợ” điều kiện. Còn ngành dược vẫn khẳng định, sau khi rà soát chỉ có 1 trường hợp PGS giảm số lượng bài báo nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn tối thiểu, nên kết quả không thay đổi.
Theo nguồn tin của báo Thanh Niên, sau ngày 30.10 Hội đồng GS ngành y lại tiếp tục họp rà soát, thêm một số ứng viên được “vận động” tự rút hồ sơ. Tuy nhiên, báo giới không được cung cấp thông tin cụ thể về danh sách cuối cùng của việc rà soát của 2 ngành y, dược.
Bình luận (0)