Như đã thông tin, liên quan đến sai phạm tại dự án (DA) Cửu Long Sơn Tự (513 ha, trên núi Chín Khúc ở TP.Nha Trang, giao cho Công ty Khánh Hòa), có 5 bị cáo bị truy tố, gồm các ông: Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT và Sở TN-MT; Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT. Riêng ông Thái không có mặt ở tòa vì lý do sức khỏe nhưng có bản khai.
Các bị cáo trả lời HĐXX ngày 5.4 |
Thế Quang |
Ngộ nhận trong ký giao đất ?
Tại phiên xét hỏi ngày thứ 2, HĐXX hỏi bị cáo Lê Mộng Điệp, khi ký Tờ trình 560b có biết việc chủ đầu tư DA chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) mở rộng DA lên 513 ha? Ông Điệp trả lời rằng sau này mới biết DA chưa có GCNĐT. “Bị cáo tưởng Công ty Khánh Hòa đã được cấp GCNĐT rồi và tin tưởng DA có sự chỉ đạo của UBND tỉnh nên ký tờ trình. Bị cáo cho rằng mục đích tham mưu UBND tỉnh giao đất vì nghĩ rằng cấp để bảo vệ rừng chứ không để làm kinh doanh”, ông Điệp trả lời.
Tại tòa, ông Điệp thừa nhận việc ký 3 tờ trình liên quan đến DA Cửu Long Sơn Tự là làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng căn cứ vào văn bản của Sở NN-PTNT về thẩm định thiết kế cơ sở về trồng rừng và bảo vệ rừng. Quá trình triển khai DA, bị cáo Điệp khai, Sở TN-MT không tham gia. Các văn bản ông làm theo UBND tỉnh chứ không phải đề xuất từ cơ sở lên. Bị cáo cũng thừa nhận “do nhận thức tại thời điểm đó, khi làm là nhận thức là đúng vì đây là DA chủ yếu trồng rừng, bảo vệ rừng. Chính bị cáo ngộ nhận...”.
Cấp dưới bị “áp lực” cấp trên
Trước đó, năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép điều chỉnh 5,23 ha đất thương mại dịch vụ (TMDV) trong DA này xuống còn 4,48 ha, chuyển 7.500 m2 trong đất TMDV sang đất ở lâu dài trái pháp luật. Do vắng mặt nên HĐXX công bố lời khai của bị cáo Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời khai, ông Thái thừa nhận ký Tờ trình 717 ngày 23.10.2015 để tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa cho giảm diện tích đất TMDV của DA và cho chuyển đổi 7.500 m2 đất ở nông thôn ở DA này. Nhưng trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản 6781 ngày 12.10.2015 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng gửi sở này nêu rõ về việc cho Công ty Khánh Hòa được chuyển mục đích sử dụng 7.500 m2 đất TMDV sang đất ở lâu dài.
Ông Thái khai, quá trình thực hiện Tờ trình 717, ông có bút phê giao bà Phạm Thị Thanh Hương, khi đó là Phó chi cục Quản lý đất đai và một cán bộ cấp dưới bà Hương làm gấp để trình cho UBND tỉnh. Lời khai của ông Thái cũng thể hiện rằng bà Hương có báo cho ông biết nếu cho chuyển mục đích đất ở tại khu vực nêu trên là vi phạm quy định về đất đai, trái quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (SDĐ). Nhưng ông Thái khai do bản thân ông bị áp lực bởi chỉ đạo của UBND tỉnh nên đã yêu cầu cấp dưới phải tham mưu lập tờ trình để ông ký.
Đến tòa với tư cách người làm chứng, bà Phạm Thị Thanh Hương trình bày, khi ông Thái có bút phê chỉ đạo vào công văn của UBND tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Chiến Thắng ký chỉ đạo Sở trình hồ sơ cho chuyển mục đích 7.500 m2 đất ở cho Công ty Khánh Hòa, bà đã 2 lần báo cáo với ông Thái là nếu chuyển cho đất ở là sai luật. “Tuy nhiên, ông Thái nói UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể nên ông ta phải chấp hành, còn tôi là cán bộ tham mưu cho giám đốc sở nên cũng phải chấp hành”, bà Hương nói.
Tại phiên xét hỏi, ông Nguyễn Chiến Thắng khai việc Công ty Khánh Hòa đề xuất cho chuyển 7.500 m2 đất ở DA Cửu Long Sơn Tự sang đất ở nông thôn, ông có giao Sở TN-MT tham mưu để UBND tỉnh quyết định và đây là các văn bản thông thường chứ không có “áp lực” gì. Ông Thắng nói nếu ông Thái không ký Tờ trình 717 và có ý kiến phản hồi việc chuyển 7.500 m2 đất ở trong DA này là sai luật thì chắc chắn ông không ký quyết định điều chỉnh.
Cấp sổ đỏ vì tin cấp dưới ?
Đối với ông Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, theo cáo buộc, ông Thiên được phân công phụ trách lĩnh vực TN-MT, đã cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ (GCNQSDĐ) số CT-09703 cho Công ty Khánh Hòa với diện tích 513,53 ha đất.
Bị cáo Trần Văn Hùng khai đã ký tham mưu 3 tờ trình cho Giám đốc Sở TN-MT. Tuy nhiên, các tờ trình đều căn cứ vào chỉ đạo văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa, văn bản của chủ đầu tư, văn bản của Sở NN-PTNT và một số văn bản pháp luật và Quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên bị cáo thừa nhận so với những quy định hiện hành là chưa phù hợp.
Trả lời HĐXX, ông Thiên khai việc ông ký cấp GCNQSDĐ là dựa vào Tờ trình 880 của Sở TN-MT. Theo quy định, Tờ trình này qua nhiều bước, trước là do Văn phòng đăng ký quyền SDĐ của Sở TN-MT trình lên giám đốc ký và sau đó qua sự thẩm định của Phòng xây dựng - nhà đất thuộc Văn phòng UBND tỉnh. “Tôi thấy đã có nhiều chữ ký nháy vào tờ trình ký nên cũng tin tưởng và ký. Sau này mới biết có thiếu sót của mình”, ông Thiên phân bua.
Ông Thiên thừa nhận bản thân đã có thiếu sót trong việc ký GCNQSDĐ do “tin anh em”. Nếu biết sai ngay từ đầu thì ông sẽ không bao giờ ký, bởi thời điểm đó, các văn bản, quyết định trình lên đều hợp quy định pháp luật.
Về việc ký GCNQSDĐ cho Công ty Khánh Hòa trong đó có nội dung doanh nghiệp được miễn tiền SDĐ (đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng), ông Thiên khai bản thân không để ý, không kiểm tra kỹ trước khi ký bởi chữ “miễn tiền SDĐ rất nhỏ lại được ghi chú ở dưới”.
Bình luận (0)