(TNO) Sáng 30.12, tại phiên tòa phúc thẩm đại án Huyền Như, luật sư Phan Trung Hoài đã bày tỏ "sự hoang mang" vì có quá nhiều vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong suốt quá trình xét xử vụ án. Theo luật sư Hoài, đã có “lỗ hổng” về pháp lý trong các quy định của pháp luật.
Bị cáo Như sau phiên tòa sáng 30.12 - Ảnh: Ngọc Lê
|
“Lỗ hổng về pháp lý trong quy định pháp luật”
Bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư (LS) Phan Trung Hoài bày tỏ sự “hoang mang” vì có quá nhiều vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong suốt quá trình xét xử vụ án. Theo LS Hoài, đã có “lỗ hổng” về pháp lý trong các quy định của pháp luật. Điều này khiến việc định tội danh giữa các cơ quan tố tụng có một khoản cách quá xa nhau, từ đó phát sinh nhiều tranh cãi không đáng có.
Đối với hành vi của bị cáo Tuấn, LS Hoài cho rằng thiếu căn cứ để xác định Tuấn là đồng phạm của Như. LS Hoài lập luận, đối với thiệt hại của Công ty Thái Bình Dương, bị cáo Tuấn đã thừa nhận có biết trước sai phạm của Như nhưng không ngăn cản hay tố cáo. Như vậy, hành vi này là dấu hiệu của tội “che giấu tội phạm” thì hợp lý hơn chứ không phải là đồng phạm với Như.
Một vấn đề LS Hoài cũng băn khoăn, đối với tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” thì yếu tố xác định tội phạm chính là “hậu quả”, là thiệt hại đã xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật không hề đề cập hậu quả này "là cho ai", cho chính tổ chức tín dụng hay cho các pháp nhân khác.
Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã xác định thiệt hại xảy ra với khách hàng chứ không phải Vietinbank. “Vậy thì áp dụng theo nguyên tắc suy đoán vô tội để có lợi cho bị cáo hay cố gán theo hướng bất lợi là buộc tội cho bị cáo?”, LS Hoài đặt câu hỏi.
Luật sư của Vietinbank nói VKS "vi phạm tố tụng hình sự"
Sáng 30.12, tiếp tục phần đối đáp với ý kiến của VKS và các luật sư, phía Vietinbank đã cử đến 5 luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Các luật sư đã phản bác đề nghị của VKS yêu cầu Vietinbank có trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty, đồng thời đề nghị khởi tố thêm lãnh đạo của 3 ngân hàng khác.
LS Nguyễn Văn Trung, LS của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) trong phiên xét xử, đã phản bác ý kiến của LS bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và cho rằng việc VKS đề nghị hủy 1 phần bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố Huyền Như về tội tham ô tài sản là "vi phạm tố tụng hình sự".
Dẫn chứng Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự, LS Trung cho rằng tòa cấp phúc thẩm chỉ có quyền xem xét tội danh VKS truy tố, nhưng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Đối đáp với ý kiến VKS đề nghị xem xét Huyền Như phạm tội tham ô tài sản, LS Trung không đồng ý việc VKS cho rằng Vietinbank phải bồi thường 1.085 tỉ đồng cho 5 công ty (Phương Đông, Hưng Yên, SaiGonBank Berjara, Toàn Cầu và An Lộc) vì cho rằng trường hợp của 5 công ty này cũng giống như trường hợp của Ngân hàng Quốc dân và ACB.
LS Trương Xuân Tám, bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, đề nghị các cơ quan chức năng phải tiếp tục khởi tố vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 BLHS đối với lãnh đạo các Ngân hàng Tiên phong, Ngân hàng Hàng hải và Ngân hàng Quốc dân.
LS Trương Xuân Tám cho rằng hành vi của 3 ngân hàng này "giống hệt với trường hợp của ACB, nếu đã xử lý ACB thì không thể không xử lý 3 ngân hàng này”.
Trong các nội dung khác, các LS của Vietinbank cũng đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bình luận (0)