Ngày 10.6, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm đối với 5 bị cáo trong vụ án thâu tóm đất công xảy ra tại Đà Nẵng và TP.HCM. Các bị cáo đang là bị án trong những vụ án khác gồm Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm'), Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục Tình báo) và Phan Hữu Tuấn (cựu trung tướng, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Công an) cùng bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai bị cáo còn lại là Bùi Văn Thành (60 tuổi) và Trần Việt Tân (64 tuổi), cùng là cựu Thứ trưởng Bộ Công an, được tại ngoại, bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
[VIDEO] Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an lại ra tòa với Vũ "nhôm"
|
HĐXX cũng đã triệu tập hàng loạt doanh nghiệp (DN) bất động sản tại Đà Nẵng và TP.HCM đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong danh sách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có ông Ngô Áng Hùng (anh rể bị cáo Vũ “nhôm”), Giám đốc Công ty TNHH I.V.C có trụ sở tại Đà Nẵng, đang bị bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án khác, nên tòa đã triệu tập thêm ông Phan Minh Cương, người đại diện I.V.C theo ủy quyền.
HĐXX cũng đã cho mời đại diện của Tổng cục Thuế, Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính đến phiên tòa với tư cách là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, để khi cần thì có ý kiến trong từng trường hợp cụ thể.
Thành lập tổ chức bình phong không đúng pháp luật
|
Khai nhận trước tòa, bị cáo Tuấn cho biết bản thân là người đã tuyển dụng Vũ 'nhôm' làm tình báo viên từ năm 2009; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Vũ về hoạt động nghiệp vụ cũng như: sử dụng 2 công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 và CP Nova Bắc Nam 79 (đều do Vũ làm chủ tịch HĐQT) để làm công ty bình phong. Về việc thành lập các tổ chức bình phong trên, bị cáo Tuấn cho biết cùng với bị cáo Bách thực hiện các văn bản đề xuất cấp trên quyết định. Bị cáo Tuấn thừa nhận tham gia góp vốn vào 2 DN này dưới tên Hoàng Hữu Thân.
“Bị cáo góp vốn vào các DN này căn cứ vào quy định pháp luật nào khi bị cáo là sĩ quan công an?”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Tuấn không trả lời được câu hỏi này mà chỉ nói loanh quanh “lĩnh vực tình báo rất phong phú, đa dạng...”. Câu trả lời của bị cáo đã bị chủ tọa cắt ngang với khẳng định: “Có “đặc thù”, “đặc biệt” gì cũng không được “trèo” lên pháp luật”. Sau đó, bị cáo Tuấn thừa nhận các tổ chức bình phong được thành lập, hoạt động không đúng với quy định pháp luật, kể cả quy định về tình báo cũng như luật DN.
Bị cáo Tuấn cũng cho rằng 7 tài sản nhà, đất có nguồn gốc công sản tại TP.HCM và Đà Nẵng mà Vũ “nhôm” mua đều trong tình trạng dở dang, nên Vũ “nhôm” không báo cáo và bản thân bị cáo cũng không nắm được. Nhưng khi chủ tọa phân tích quy chế của ngành quy định tình báo viên phải kịp thời báo cáo mọi hoạt động để người quản lý biết, bị cáo Tuấn thừa nhận có vi phạm. Bị cáo này cũng cho rằng Vũ “nhôm” tự mình đề xuất xin mua các bất động sản của nhà nước. Đồng thời, Bộ Công an có các văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện để mua, nhưng sau đó Vũ “nhôm” chuyển các tài sản này sang cá nhân là đã lợi dụng danh nghĩa công an để trục lợi.
“Nếu không có các văn bản của Bộ Công an thì Vũ “nhôm” sẽ không thể nào mua được các nhà đất công sản tại Đà Nẵng và TP.HCM”, bị cáo Tuấn nói.
Hoạt động công vụ sai quy định
Tại phiên tòa, Vũ “nhôm” kháng cáo toàn bộ bản án, đồng thời cho rằng tất cả các lời khai của bị cáo tại CQĐT và phiên tòa sơ thẩm là đúng sự thật.
Trước câu hỏi ai là người chủ trương xây dựng và tổ chức hoạt động các công ty bình phong, Vũ “nhôm” cho rằng “HĐXX hỏi như vậy là rất khó trả lời” và nhiều lần đề nghị HĐXX cho phép trình bày nguyên nhân, bối cảnh lịch sử. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận. Đáng chú ý, trước tòa, Vũ 'nhôm' thừa nhận ngoài tên Phan Văn Anh Vũ còn được cấp 2 CMND khác mang tên Trần Đại Vũ và Lê Văn Sáu để “thi hành nhiệm vụ”.
Mặc dù vậy, Vũ 'nhôm' cũng thừa nhận hàng loạt “hoạt động công vụ” sai so với quy định pháp luật. Theo đó, tại Công ty xây dựng Bắc Nam 79, khi thành lập (31.7.2009) chỉ có 3 cổ đông gồm: Vũ và 2 cán bộ công an. Đến tháng 12.2013, công ty này tăng vốn điều lệ, tăng thêm cổ đông thành 4 người nhưng thực chất Vũ 'nhôm' góp vốn bằng 2 tên là Phan Văn Anh Vũ và Lê Văn Sáu.
Một mặt, những người góp vốn và có tên trong các công ty bình phong đều không có thật. Mặt khác, việc các sĩ quan vũ trang tham gia vào việc góp vốn thành lập DN là vi phạm vào điều cấm của luật DN. Vũ 'nhôm' cũng đã nhiều lần sử dụng các bí danh để chuyển nhượng cổ phần tại các DN. Cụ thể, Vũ sử dụng tên Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho Lê Văn Sáu 70% cổ phần hoặc ngược lại. Vũ 'nhôm' cũng thừa nhận những hành vi này là sai.
Bình luận (0)