Những xấp tiền vàng mã đủ màu sắc, chủng loại và hình dáng nặng gần 5 kg được đốt hơn 30 phút mới cháy hết.
Tiền giả đưa vào lò bốc cháy ngùn ngụt, muội tro bay lên bạc trắng đầu người đốt. Cũng vì vậy mà nhiều vụ cháy nhà, tài sản hư hại cũng do đốt vàng mã mà ra. Điều đáng nói, hủ tục đốt vàng mã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và Phật giáo khẳng định nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc với tiềm thức “dương sao âm vậy”.
Do hủ tục này đã đi sâu vào lối suy nghĩ của người dân qua nhiều thế hệ nên khó bỏ trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đã là hủ tục thì phải được bãi bỏ để tránh lãng phí tiền của và không gây ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê về khối lượng vàng mã tiêu thụ mỗi năm nhưng các làng nghề sản xuất vàng mã vẫn có đất sống bởi lượng khách trung thành; cùng với đó là hàng tỉ đồng hóa thành tro.
Những ngày đầu năm, nhiều gia đình đi lễ chùa xin lộc, cầu bình an ở đền chùa ngoài vàng mã còn có thêm bó nhang. Vào dịp lễ, các lư hương luôn trong tình trạng quá tải bởi khối lượng nhang “khủng” của khách thập phương đến thắp. Nhà chùa khuyến cáo mỗi người chỉ nên thắp một nén nhang chiếu lệ nhưng nhiều người cắm luôn cả bó khiến khói bay nghi ngút cả góc chùa.
Nén nhang dâng lên tam bảo là lễ vật tất yếu nhưng sẽ đáng trân trọng hơn khi cúi mình trước đấng linh thiêng bằng lòng thành tâm, thanh tịnh trong tâm hồn hay còn gọi là những nén “tâm nhang”. Sự cầu kỳ, hình thức trong lễ vật có thể giúp cho bản thân người sắm lễ được an ủi về sự chỉn chu của mình nhưng nếu không có lòng thành thì cũng không có trời phật, tổ tiên nào chứng giám.
Thay vì mua sắm lễ vật, nhiều nhà chùa khuyến cáo phật tự, chúng sinh dành số tiền đó để làm từ thiện, sẻ chia với những phận đời còn khó khăn, thiếu thốn. Bởi khi giúp người khác, bản thân người làm từ thiện thấy lòng mình bình an và đó cũng là cách tích lũy công đức cho gia đình, người thân.
Bình luận (0)