Số phận đã đưa hàng chục con người đến với nhau ở xóm chạy thận trong con ngõ số 252 đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa). Buổi sáng cuối năm, họ chỉ biết ngồi trước hiên phòng trọ ngước mắt ra khoảng không phía trước, chẳng ai nói một lời.
|
Nhà cách Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa (nơi các bệnh nhân chạy thận đang điều trị) chừng hơn 60 km, không phải xa lắm, nhưng vợ chồng ông Lục Văn Ơn (73 tuổi) và bà Hà Thị Nọn (72 tuổi, ngụ tại thị trấn Thường Xuân, huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa) không thể về quê cùng gia đình đón năm mới.
Vợ chồng ông Ơn là người dân tộc Thái. Hai năm trước, bạo bệnh ập đến, ông Ơn bị suy thận mức độ 3 và phải chạy thận, kể từ đó, ông “gia nhập” xóm chạy thận cho đến nay. Mỗi tuần, vào các ngày thứ 2, 4, 6, bà Nọn lại phải dùng xe lăn đưa ông Ơn từ phòng trọ đến bệnh viện để chạy thận. Thấm thoát, nay đã bước sang cái tết thứ 3 ông bà phải ở xa gia đình, người thân.
“Vợ chồng tôi sinh được 5 người con, nhưng 4 đứa con gái đã lấy chồng, nên giờ mọi chi phí chỉ biết chông chờ vào thằng con trai và hơn 500.000 đồng tiền trợ cấp mỗi tháng. Mà nhà thằng con trai cũng chả khá giả gì, có vài sào ruộng, quần quật quanh năm rồi làm thuê cho người ta cũng chỉ đủ lo cho con cái nó ăn học. Nhiều lúc nghĩ, mình đã thành gánh nặng cho vợ con”, ông Ơn buồn rầu nói.
Rồi cũng từ gia cảnh khó khăn, thân lại mang trọng bệnh nên mọi chi tiêu từ ăn ở, chi phí đi lại vợ chồng ông Ơn đều tính toán kỹ lưỡng, sao cho chắt chiu nhất. Cuộc sống cứ từng ngày trôi qua, gánh nặng tiền bạc đi chữa bệnh đè lên vai đôi vợ chồng người Thái đã ngoài 70 tuổi, nhưng có lẽ buồn hơn cả là ngày tết không thể về vui vầy bên con cháu, người thân.
|
Cùng chung nỗi niềm như ông Ơn, ông Lang Văn Bắc (70 tuổi, ngụ tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), cư dân xóm chạy thận, chia sẻ: "Tôi bị suy thận mức độ 4, đã chạy thận 3 năm nay. Nhà cách thành phố Thanh Hóa khoảng 150 km, nhưng tết năm nay cũng không dám về nhà, phần vì phải ở lại chạy thận, phần vì tiền đi lại tốn kém. Giờ có cố về được 1 ngày, rồi lại tất bật xuống viện chi phí cũng mất gần triệu đồng, mất cả tháng ăn ở chứ không ít đâu”, ông Bắc tâm sự.
Ngoài những người có người thân đi chăm sóc, nhiều người trong xóm chạy thận ở ngõ 252 Hải Thượng Lãn Ông có gia cảnh rất ngặt nghèo, éo le, một thân một mình chống chọi với bệnh tật.
Ông Lê Hồng Ý (60 tuổi, ngụ tại thôn 10, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) là người có thâm niên hơn 5 năm ở xóm chạy thận. Đã 5 năm qua, ông Ý một thân một mình đi chạy thận.
|
Vợ đã mất từ nhiều năm trước, 4 con gái lấy chồng, người con trai út của ông Ý năm nay mới 20 tuổi, đang phải vừa đi học vừa đi làm để phụ giúp bố. Ở quê nhà, ông Ý còn người mẹ già đã 80 tuổi. Dù thương mẹ, nhưng ngày tết ông Ý cũng không thể về bên mẹ mình.
|
Vừa rửa mấy con cá khô bị mốc vì thiếu nắng để nấu bữa trưa ngày cuối năm, ông Ý vừa ngấn lệ nói: “Ở đây mỗi người một số phận, một hoàn cảnh. Giờ trong tôi không còn quan trọng là tết có gì, mua sắm gì, chỉ mong muốn sức khỏe tốt lên, để những ngày tết được về với mẹ thôi. Mẹ tôi đã 80 tuổi, đang lầm lũi ở quê nhà, nghĩ đến đó tôi đau xót vô cùng, nhưng chăng biết làm gì được”.
Ông Ơn, ông Bắc, ông Ý và còn nhiều hoàn cảnh khác, thân phận khác ở xóm chạy thận. Xóm chạy thận ngày cuối năm càng trở nên im ắng, lặng lẽ giữa phố thị đang rực sáng màu cờ, đèn hoa trang trí cả ngày lẫn đêm.
|
Ở xóm chạy thận, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có một mong ước sức khỏe tốt lên để ngày tết được về với gia đình. Mong ước đó nhiều năm nay chưa thành hiện thực, và họ cũng không biết sẽ còn được đón tết đầm ấm cùng gia đình mình được lần nào nữa không, khi thi thoảng ở xóm chạy thận vẫn có những người "rời xa cõi trần" vì bệnh quá nặng.
Bình luận (0)