Chiều 27 tết (21.1), bà Át lặng lẽ ra chợ “cóc” cách xóm trọ chừng 200 m mua thêm vài mớ rau, dăm lạng thịt lợn cùng mấy miếng đậu phụ để ăn mấy ngày tết. Ông Dương (chồng bà Át) ngồi trước hiên căn phòng trọ hứng những ánh nắng hiếm hoi cho đỡ lạnh, sau giờ chạy thận ở bệnh viện về.
Đằng sau cảnh phố thị phồn hoa và nhộn nhịp những ngày cận tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ít ai biết, nằm sâu trong con ngõ nhỏ số 252 đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lại có nhiều đôi vợ chồng đang ở trọ để từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật. Và tất nhiên, họ chẳng có thời gian và cả tiền bạc để về đón tết bên gia đình.
|
Xung quanh khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa (đường Hải Thượng Lãn Ông) có nhiều nhà trọ, chủ yếu dành cho những bệnh nhân điều trị ngoại trú, nhưng xa nhà ở trọ. Nhưng có lẽ, chỉ xóm trọ nhà bà Vũ Thị Đảm (90 tuổi, ở ngõ 252 đường Hải Thượng Lãn Ông) là đặc biệt hơn cả, bởi chủ yếu là những người chạy thận thuê ở. Vì thế, từ lâu, khu nhà ở trọ này được người ta gọi là “xóm chạy thận”.
Là thành viên của xóm chạy thận 3 năm nay, ông Hà Văn Dương (69 tuổi, ngụ tại thôn Khả La, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) hiểu hơn ai hết nỗi niềm của những người chạy thận. Họ không có tết, không đoàn tụ, sum vầy với con cháu, người thân trong những ngày tết cổ truyền được, vì còn lo chạy thận 2 ngày/lần. Và với họ, tiền đi đi về về mỗi lần cũng là gánh nặng, là cả vấn đề lớn, tuy chỉ vài trăm ngàn đồng.
|
Ông Dương bị suy thận mức độ 5, và bắt đầu gia nhập xóm chạy thận hơn 3 năm trước. Cũng đã 3 năm, 3 cái tết ông không thể đoàn tụ cùng gia đình.
“Tôi chạy thận vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần. Tính theo lịch ngày tết năm nay thì 30 tết đến lịch chạy, rồi đến mùng 3 tết tiếp tục. Tuy chạy thận đều đặn, nhưng gần đây sức khỏe tôi ngày càng yếu. Mỗi lần từ xóm trọ đến bệnh viện chỉ cách khoảng hơn 100 m, nhưng phải có bà ấy (bà Át, vợ ông Dương - PV) dìu đi. 3 năm nay chưa có cái tết nào tôi về nhà được, dù nhà cách thành phố Thanh Hóa không xa, chỉ chừng 60 km, nhưng lịch chạy thận dày, mà tiền đi lại cũng tốn kém, nên ở lại xóm trọ thôi”, ông Dương ngậm ngùi.
Nơi ở trọ của vợ chồng ông Dương là căn phòng rộng chừng 8 m2. Trong phòng, ngoài chiếc giường ngủ lót chiếc chăn cũ cho đỡ lạnh ngày đông, còn là nơi nấu ăn, sinh hoạt.
Khó khăn nhất đối với vợ chồng ông Dương là tiền ăn ở, điều trị bệnh. Ngoài số tiền hơn 800.000 đồng nhà nước hỗ trợ cho người mắc bệnh và người chăm sóc người bệnh hiểm nghèo, ông bà chỉ biết trông chờ vào 5 người con. Tuy nhiên, các con cũng đều có gia đình riêng và kinh tế không khá giả, nên chỉ giúp được phần nào.
Mỗi tháng, riêng tiền thuê nhà trọ, điện nước cũng mất tiền triệu. Vì thế, bữa cơm mỗi ngày của vợ chồng ông Dương cũng phải suy tính đủ đường. Hoàn cảnh khó khăn nên đành bữa miếng rau, miếng cá, lát đậu cho qua ngày, chứ đừng nói đến việc bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, còn tiền mua thuốc điều trị bổ sung cũng không ít.
|
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng điều trớ trêu thay, đầu năm 2018, trong thời gian đang đi chăm sóc, đỡ đần chồng, bà Át phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, nên phải điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa. Kể từ đó, 3 sào ruộng đành bỏ hoang, vợ chồng ông Dương đành phải xem xóm chạy thận là nhà của mình.
“Mỗi bữa ăn chỉ dám mua từ 10.000 - 15.000 đồng thôi. Ăn khổ, thiếu thốn tí cũng được, còn thuốc thang bác sĩ bảo mua loại gì để uống thì phải mua loại đó, nên chật vật lắm. Nay ông ấy chạy thận về thấy yếu quá, chắc tôi cũng phải ở lại trông nom, chứ cũng chẳng về ăn tết với con cháu được. Với lại, về ăn tết cũng mất nhiều tiền lắm, cả đi lẫn về của hai vợ chồng mất hơn 800.000 đồng tiền taxi, mất cả tháng tiền ở trọ. Ông ấy không đi xe khách được, có lần đi xe khách, do xe chạy rung lắc quá, về ông ấy nằm liệt giường mấy hôm liền”, bà Át buồn rầu nói.
Những ngày cuối năm, người người, nhà nhà đang háo hức mua sắm để đón năm mới, sum vầy cùng gia đình, còn vợ chồng ông Dương bà Át ngậm ngùi trong phòng trọ nằm sâu trong con ngõ nhỏ.
Hơn bao giờ hết, họ đang mong ước điều kỳ diệu sẽ đến, bệnh tật sẽ hết để có được cái tết đoàn viên như mọi người.
Bình luận (0)