Những người buôn ve chai ở đây phần lớn đến từ Vĩnh Phúc. Họ bắt đầu vào phố thị từ những năm 1990 để tìm kế sinh nhai, đổi đời. Cứ người trước đi rồi kéo người thân, hàng xóm vào làm cùng. Có người còn đưa cả gia đình tham gia vào nghề ve chai.
"Ở đây tôi được đồng hương dìu dắt"
Ngày 24.10, chúng tôi đến xóm ve chai sau khi đi qua những con hẻm ngoằn ngoèo. Tại đây, nhiều người lộ rõ gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, ngáp ngủ; nhưng vẫn miệt mài chở những xe chất đầy bìa cát tông và chai nhựa về vựa ve chai ở hẻm số 2 (đường Lê Đức Thọ) để bán.
Tò mò, chúng tôi hỏi chuyện một người phụ nữ trung niên ngồi bệt bên cạnh bãi rác với khuôn mặt hằn rõ vẻ lam lũ. Mặc cho mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo, bà vẫn tỉ mẩn nhặt từng chiếc áo quần cũ bị bỏ đi. Bà nói mình tên Thiệp, quê ở H.Yên Lạc (Vĩnh Phúc), năm nay 60 tuổi.
Bà cho hay, xóm ve chai của những người đồng hương Vĩnh Phúc nằm rải rác trong các con hẻm dọc đường Lê Đức Thọ vì giá thuê trọ ở các quận khác rất mắc. Bà không nói cụ thể có bao nhiêu người, chỉ nói là rất nhiều; già trẻ, gái trai gì cũng có.
"Ở khu vực này, người dân làng tôi cả đấy, huyện nào cũng có; nhiều nhất là H.Yên Lạc, H.Vĩnh Tường và H.Tam Đảo. Người Vĩnh Phúc ở Sài Gòn này chuyên đi nhặt ve chai, đập phá bê tông…", bà Thiệp nói.
Một số người dân Vĩnh Phúc ở xóm ve chai cho rằng, lúc trước khu này nằm cạnh bờ sông rau muống sình lầy, bốc lên mùi hôi thối. Hễ đến mùa mưa nước đen ngòm dâng lên cao rồi tràn vào nhà. Ban đầu có vài người đi nhặt ve chai, sau thấy làm ăn được nên họ kéo theo họ hàng, con cháu đến ở và số lượng ngày càng đông nên hình thành xóm.
Hỏi về ngày đầu tiên mới từ quê lên thành phố, bà Thiệp kể lại cảm giác bỡ ngỡ trước từng con đường và nhịp sống hối hả của đô thị. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của người đồng hương, bà dần làm quen với cuộc sống mới và học cách mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai.
“Năm 1999, tôi vào Lâm Đồng làm rẫy nhưng liên tục thất bát. Nghe người quê mình bảo vào TP.HCM nhặt ve chai kiếm được, năm 2001 vợ chồng tôi quyết định lên đường vào Nam. Ở đây tôi được đồng hương dìu dắt; họ chỉ tôi cách mua, bán từ quận này sang quận khác. Tôi mang ơn dân làng mình dữ lắm", bà Thiệp nghẹn ngào.
Bà Thiệp gia nhập xóm ve chai hơn 20 năm
ẢNH: UYỂN NHI
Mưu sinh ở phố thị hơn 20 năm nay, bà Thiệp bảo mua ve chai vẫn đỡ hơn ở nhà làm ruộng vì có đồng ra đồng vào. Vợ chồng bà xa còn từ lúc mấy đứa con lớn đang học lớp 4, nay con cái đã học xong đại học và đã ra trường có công việc ổn định.
Ngày đi, vợ chồng bà quyết tâm nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Vậy là vào TP.HCM, bà đi nhặt ve chai còn chồng đi mua tivi, tủ lạnh cũ… Xa con, ban đầu bà nhớ đến dằn vặt nhưng vì tương lai của con và sự chịu thương, chịu khó làm ăn, vợ chồng bà đã bám trụ được lâu với nghề.
Bà Thiệp bắt đầu "hành trình ve chai" từ 8 giờ và về nhà lúc 21 giờ, trung bình bà kiếm được 100.000 đồng - 300.000 đồng/ngày. "Những ngày mưa gió thì ít lắm, mình nhặt giấy ướt về ai mà mua cho. Với lại năm nay làm ăn khó. Mọi năm mua giấy bán được 5.000 đồng/kg, năm nay giấy bán được 2000 đồng/kg, tôi lãi được 700 đồng/kg”, bà trần tình.
Bà Thiệp kể, ở xóm này còn có cả trường hợp cả 3 chị em ruột dắt nhau vào buôn ve chai, đến nay cũng ngót nghét hơn chục năm.
Xóm nhỏ tình thâm
Trong xóm ve chai này, sự yêu thương và san sẻ đã trở thành thói quen, giúp mọi người cùng vượt qua những khó khăn nơi phố thị. Bà Thiệp kể, người đồng hương quê bà sống tình cảm, gắn bó, hiếm khi xảy ra mâu thuẫn. Mọi người luôn đỡ đần, dìu dắt nhau làm ăn. Ai đau ốm, mọi người cũng hỏi han, động viên. Đi làm, nếu ai được người ta thương cho bánh trái cũng mang về chia cho cả xóm.
Chỉ tay vào túi cam mới nhặt được từ bãi rác ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), bà cười như nứt nẻ: “Tôi vừa lượm được cam đây này. Cam này xấu người ta bỏ đi, tôi nhặt về mời đồng nghiệp cùng ăn. Khi họ hỏi mua ở đâu, tôi bảo lựa từ bãi rác. Chả ai chê cả. Người quê tôi sống kham khổ, có gì ăn nấy; ngon thì ăn nhiều, không ngon cũng chẳng phàn nàn". Nụ cười chân chất, vui vẻ của bà Thiệp lan tỏa sự lạc quan cho người bên cạnh.
Phải năn nỉ mãi, bà Thiệp mới đồng ý đưa chúng tôi về chỗ nơi mà bà đã tá túc mấy chục năm qua. Vậy là chúng tôi lẽo đẽo theo chân bà vào khu trọ nằm sâu trong hẻm P.15. Trước mắt là một dãy phòng tối bưng, ẩm thấp và bí bách. Nhưng đây là nơi "đống đô" của hàng chục người lao động xa xứ.
Phòng trọ bà Thiệp rộng khoảng 8 m2, giá thuê 2 triệu đồng/tháng đã tính điện nước. Trong phòng chen chúc những vật dụng, đồ đạc dường như kín mít cả tường và trần nhà. Để ý thấy thứ tài sản quý giá như tivi, nồi cơm điện, xoong, nồi và cả áo quần… đều được lượm từ bãi rác.
Chỉ vào bộ quần áo đang mặc, bà Thiệp nói: "Bộ này cũng đi nhặt này. Con thấy cô có khi nào ra hồn không, cả năm không biết mặc áo quần đẹp là gì".
Đồng hương Vĩnh Phúc xem nhau như chị em một nhà
ẢNH: UYỂN NHI
Chừng 10 phút sau, có một người phụ nữ cách giọng hỏi thăm: “Hôm nay nhặt được nhiều không? Ăn uống gì chưa”? Bà Thiệp trả lời: “Hôm nay chán lắm chị à, đi cả ngày được 11 kg giấy”.
Đó là bà Thiết (64 tuổi, quê H.Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Giống như bà Thiệp, bà Thiết cũng được gia đình, họ hàng dắt vào Sài Gòn buôn ve chai. Tính đến nay, cũng ngót nghét gần 2 thập kỷ. "Người đi trước rước người đi sau cháu ạ. Em dâu cô vào trước thấy làm ăn được nên kêu cô vào ở chung dãy trọ để đi lượm ve chai", bà kể về cơ duyên bám nghề.
Họ xưng nhau “chị - em", bằng giọng đặc sệt miền Bắc. Bà Thiết kể, tối nào bà cũng sang phòng bà Thiệp chơi, chị em có nhau cho đỡ buồn. Có lẽ, với những người đồng hương, “đồng nghiệp" là người có thể hiểu và thấu chuyện nghề, chuyện đời của nhau giữa chốn thị thành phồn hoa.
Ở xóm ve chai, dẫu những ngôi nhà xiêu vẹo, 4 vách được lợp bằng tôn. Ngày ngày, họ còng lưng nhặt mót miếng ăn từ những thứ người ta đổ bỏ nhưng những mảnh đời tha hương ngụ cư ở nơi đây vẫn dìu dắt nhau, đoàn kết và yêu thương những con người cùng cảnh ngộ.
Trong mắt những người con xa xứ quê Vĩnh Phúc đó là một khu trọ đầy ắp tình người, đầy ắp yêu thương và trở thành những góc bình yên mà họ muốn tìm về sau một ngày rong ruổi, sau những mệt nhọc, trăn trở và đầy lo toan.
Bình luận (0)