Từ đợt mưa lũ đầu tiên hoành hành miền Trung, người dân sinh sống trong hẻm nhỏ Sài Gòn sắp xếp công việc để chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại nặng nề. Sống trong con hẻm ít xe cộ qua lại, người dân ở đây tụ tập từ sáng đến tối để lựa quần áo kỹ càng trước khi gửi đ.
Xóm nhỏ Sài Gòn đồng hành cùng người miền Trung
Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (43 tuổi, người khởi xướng hoạt động hướng về miền Trung ở đây) chia sẻ chị vô cùng bất ngờ khi hoạt động này được hưởng ứng và lan tỏa đến vậy. Chị kể lại, ban đầu chị và bà Phan Thị Lệ Sen (68 tuổi) chỉ dự tính gom 300 suất quà nhưng người này truyền miệng người kia nên số hàng gửi đến ngày càng nhiều. Tính đến nay xóm đã gửi gần 5.000 phần quà ra miền Trung.
“Tôi quen biết nhiều nên nếu kêu gọi thì chắc cũng sẽ có một khoản khá. Nhưng tôi ngại nhận tiền nên chỉ nhận vật phẩm. Phần lớn đồ quyên góp được gửi từ quê An Giang của tôi lên, gồm quần áo, mì gói, dầu gió, mền gối...”, chị Tuyền nói.
|
|
Là người gốc Huế, bà Sen trực tiếp ra miền Trung làm đầu mối cho xóm Sài Gòn suốt nửa tháng qua. Sợ mẹ đi một mình nguy hiểm, con trai bà Sen xin nghỉ phép 2 tuần để cùng bà ra miền Trung. Trong những ngày miền Trung còn lũ lớn, họ phải chèo thuyền vào từng nhà để trao quà.
Bà Nguyễn Thị Kim Thu (63 tuổi) - một người sống trong xóm chia sẻ: “Giai đoạn đầu ở miền Trung nước ngập người dân không thể nấu nướng thì xóm tính toán chuyển đồ ăn nhanh như bánh mì, sữa... Xóm đặt bánh mì từ tận lò. Khi chuyện tiếp tế lương thực phần nào ổn thỏa, xóm bắt đầu đóng gói quần áo, gạo, mền gối để gửi ra”, bà Thu kể lại.
|
|
Sắp tới xóm sẽ chuyển 600 áo ấm và cuốn tập học sinh cho một ngôi trường có 560 học sinh ở miền Trung.
Đồ cứu trợ được chuyển một phần đến chùa Đông An (Huế) và sư cô tiếp nhận hàng rồi chuyển đến những nơi ảnh hưởng nặng. Nếu xóm gửi ra tiền quyên góp được, sư cô gộp chung vào phần quà để trao cho người dân. Xóm còn chuyển đồ cứu trợ đi Quảng Bình và Quảng Trị. Với những nơi vùng sâu vùng xa, bà Sen gửi nhờ cho các đoàn từ thiện và người quen.
Nhiều đêm thức trắng để kịp gửi ra miền Trung
Những ngày đầu thấy chị Tuyền cặm cụi lựa áo quần một mình, nhiều người dân trong xóm đến phụ giúp. Có gia đình cả nhà đều đến, ngày đi làm đêm qua phụ đóng gói. Gia đình chị Tuyền có đêm thức trắng để kịp mang đồ cứu trợ lên xe gửi ra miền Trung.
Nhiều đứa trẻ ở trong xóm cũng tranh thủ làm bài tập về nhà xong sớm rồi đến phụ mọi người. Có bà cụ ngồi từ sáng đến chiều để lựa quần áo đến nỗi bị đau lưng đứng dậy không nổi. Nhiều người ở nơi khác nghe vậy cũng đến phụ. Đông người nên chị Tuyền phải che bạt dài ra ngoài đường để có chỗ ngồi lựa đồ.
|
Chị Tuyền cho biết, công đoạn khó nhất là lựa quần áo. Nhiều người ở Sài Gòn biết xóm có hoạt động hướng về miền Trung đã mang quần áo đến quyên góp. Tuy nhiên, một số người mang quần áo đã cũ, đồ dơ, đồ lót nên chị Tuyền hạn chế nhận. Hơn 90% số quần áo được vận chuyển từ An Giang. Trước khi gửi từ An Giang lên Sài Gòn, người quen của chị Tuyền gom quần áo, lựa kỹ, thậm chí có một nhóm phụ trách may nút đàng hoàng rồi mới gửi lên.
Khi quần áo lên tới Sài Gòn, chị Tuyền lựa kỹ lại một lần nữa. Những đồ nào dơ, dính bẩn một xíu, áo không có dây, đồ lót... chị đều bỏ ra. Sau đó, áo lẻ quần lẻ sẽ được cuộn lại thành một bộ rồi cột dây thun. Bước tiếp theo cho vào bao ni lông lớn trước khi cho vào bao gai. Chị tâm sự, giai đoạn này rất tốn công sức nhưng ai nấy đều cảm thấy vui, hỗ trợ nhau suốt nửa tháng trời.
|
|
“Người ta thấy mình làm từ thiện nên chuyến xe chuyển đồ từ An Giang lên Sài Gòn cũng miễn phí. Chúng tôi làm việc này không cần tiếng tăm, chỉ cần biết hàng cứu trợ đến được tay người miền Trung là vui mừng lắm rồi. Nếu nhiều hàng được gửi về quá tôi chuyển đi những nơi khác như những nhà thờ ở TP.HCM vì cứ nơi nào cần thì chia sẻ chứ không phân biệt”, chị Tuyền bộc bạch.
Bình luận (0)