Hưởng ứng cuộc thi tiết kiệm điện do Báo Thanh Niên tổ chức, tôi nay ở tuổi 63 thật sự vẫn có nhiều trăn trở nhưng chưa có dịp được chia sẻ giãi bày. Nay quý báo tổ chức cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen là cơ hội lớn cho tôi được bày tỏ quan điểm của mình về tiết kiệm, trong đó có vấn đề tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Bản thân tôi được sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền quê vùng núi, lúc đó hoàn toàn chưa có điện, chúng tôi phải học bằng đèn dầu và múc nước bằng tay ở dưới giếng lên. Khi trưởng thành tôi vào TP sinh sống cho tới bây giờ là hơn 30 năm, từ một nơi khó khăn về điện, tôi vào một nơi có vẻ đầy đủ hơn ở quê nhà, đó là điện sinh hoạt. Nhưng tôi vẫn rất thương những người thôn quê và nhất là ở vùng sâu vùng xa chưa có điện, bởi vậy tôi luôn có ý thức cao về sử dụng điện trong gia đình.
Không phải keo kiệt nhưng nguyên tắc là nguyên tắc!
Hiện tại gia đình tôi có 3 thành viên, một tháng phải trả khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng tiền điện. Với số tiền điện không nhỏ so với tổng chi phí sinh hoạt của một gia đình, tôi thấy sử dụng như vậy đang bị lãng phí, nhưng tôi cũng rất phân vân khi các con tôi nói rằng mở hết bóng điện lên cho sáng cửa sáng nhà, có đáng bao nhiêu đâu! Nhưng trong cái không đáng bao nhiêu đó tôi vẫn xót xa không cầm lòng được khi nghĩ về những nơi các em bé thiếu điện để học hay các thiết bị nghe nhìn, lại càng ý thức việc tiết kiệm điện.
Chính vì vậy tôi luôn có thói quen và chỉ cho các con, các cháu rằng khi không ở phòng đó nữa thì hãy tắt đèn, quạt, tivi... Vào bếp tôi chuẩn bị từ rửa rau làm đồ ăn sẵn để khi đã bật công tắc bếp là nấu một cách liên tục, hết nồi này đến nồi kia chứ không bao giờ để bếp trống, và ưu tiên những nồi canh hay luộc rau trước.
Còn nồi canh xương hay kho cá sẽ nấu sau đến khi gần chín thì tắt bếp mà trong nồi vẫn tiếp tục sôi nhờ nguồn nhiệt vẫn còn. Từ nhận thức rồi thành thói quen cho tới nay các thành viên trong gia đình trước khi ra khỏi nhà bao giờ cũng kiểm tra và tắt các thiết bị điện không dùng tới để phòng chống cháy nổ và không bị lãng phí điện.
Ngoài ra nhà tôi với 11 phòng trọ có riêng 1 bóng đèn chiếu sáng ngoài hành lang, nhưng chỉ mở khi trời đã tối và tắt điện khi trời vừa sáng. Thật ra, việc làm này không phải vì keo kiệt nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Tắt và mở điện hành lang không đúng giờ là tôi không đồng ý và được tôi nhắc nhở ngay.
Chính vì cách làm có tình có lý này nên anh chị em công nhân phòng trọ rất hợp tác, mặc dù trải qua thời gian dịch bệnh và công nhân bị thất nghiệp nhiều, nhưng phòng trọ nhà tôi lúc nào cũng không bị bỏ trống, vì giá điện thấp hơn các nhà trọ cùng khu vực.
Còn vấn đề về điện chiếu sáng ban đêm của khu dân cư và ngoài đường, tôi cũng đề xuất ý kiến qua câu dưới đây: "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng/Ngày tháng 10 chưa cười đã tối".
Bởi nhiều khi đi đường tôi thấy trời chưa tối, vẫn còn rất sáng mà đèn đường đã sáng cả dãy phố, và buổi sáng thì sáng bạch rồi mà đèn chưa tắt, vì tháng 5 và tháng 10 thời điểm trời sáng/tối bắt đầu và kết thúc khác nhau, nhưng chế độ tự động đã không được cài đặt lại, nên thiết nghĩ ngành chiếu sáng công cộng cần quan tâm và để mắt tới.
Vì vậy, mỗi người dân hãy coi việc tiết kiệm điện là trách nhiệm, để giảm bớt chi phí và góp phần giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)