“Hầu như lần nào anh Nguyễn Nhật Ánh ký tặng cũng có sách giả”, một người làm xuất bản lâu năm cho biết. Thậm chí, càng ở những TP nhỏ, nạn sách lậu ăn cắp bản quyền của nhà văn này càng nhiều.
Dù việc sản xuất và tiêu thụ sách lậu rất lớn, rất thường xuyên, việc xử lý lại thưa thớt. Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Phong Hà còn cho biết, nhiều năm gắn bó với xuất bản, ông chưa từng thấy vụ nào xử lý hình sự cả, mặc dù khung hình sự với tội này là có.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục, cho rằng nhiều vụ việc làm lậu sách đã không được xử theo điều 192 bộ luật Hình sự, về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Ông nhớ lại, vụ sách lậu cách đây 1 năm ở H.Hoài Đức (Hà Nội) với 47.000 bản sách giả và 87.000 bản đĩa giả. Quản lý thị trường đã có văn bản đề nghị Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội xác định đây là sách giả. Thanh tra sau đó phản hồi là họ chưa đủ thẩm quyền, và hướng xử lý là… phạt 30 triệu đồng, theo Nghị định 159 về xử phạt hành chính trong báo chí xuất bản. Trong khi đó, nếu xử theo luật Hình sự, án phạt sẽ khác hơn nhiều.
Vì sao khi khung pháp luật đã có sự phát triển, thực tiễn thi hành chống sách lậu, chống vi phạm sở hữu trí tuệ ở nhiều mảng vẫn bị kêu ca? Vì sao chế tài hình sự đã có, nhưng vi phạm vẫn cứ bị phạt hành chính với mức phạt nhẹ hơn rất nhiều? Cách phạt này không chỉ gây thất thu tiền phạt, khiến tính răn đe của chế tài thấp đi, mà còn làm tê liệt các nhà làm sách đúng pháp luật.
Một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ cho biết, khi làm việc với các tập đoàn hoặc các tổ chức xã hội bảo vệ bản quyền ở nước ngoài, các đơn vị trên luôn nói có vấn đề về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Họ cũng đánh giá đó là những vấn đề tồn tại dai dẳng. “Các tập đoàn, các tổ chức xã hội bảo vệ bản quyền ở nước ngoài luôn có các báo cáo thường niên hoặc có những buổi gặp gỡ hội thảo. Trong các trao đổi, khi nói về Việt Nam, quan niệm của họ luôn luôn là pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam có sự phát triển, còn thực tiễn quá nhiều tồn tại. Và cái đấy chắc không ai phản đối được họ rồi”, vị luật sư này nói.
Chính vì thế, chống sách lậu không chỉ là câu chuyện xuất bản. Nó còn là thái độ của Việt Nam với các sáng tạo trí tuệ khi hội nhập.
Bình luận (0)