Để có cơ sở xây dựng các kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, hiện các trường đang thăm dò và thống kê ban đầu về việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp tự chọn của học sinh (HS).
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ thi sẽ thi 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số những môn đã học và được đánh giá bằng điểm số như hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật.
MÔN TIẾNG ANH ÁP ĐẢO
Theo thống kê của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), trong tổng số 755 HS lớp 12 có 532 HS chọn môn tiếng Anh, 413 HS chọn môn vật lý, 269 HS chọn môn hóa học, 136 HS chọn môn sinh học, 46 HS chọn môn lịch sử, 36 HS chọn môn địa lý, 17 HS chọn môn tin học, 11 HS chọn thi môn công nghệ và 36 HS chọn thi môn giáo dục kinh tế và pháp luật.
Sau thống kê lựa chọn từng môn, Trường Bùi Thị Xuân tổng hợp được 24 tổ hợp lựa chọn thi tốt nghiệp của HS. Trong đó dẫn đầu là tổ hợp 2 môn tự chọn tiếng Anh, vật lý với 332 HS sau đó đến 120 HS chọn tổ hợp 2 môn hóa học, sinh học. Tiếp đến là các tổ hợp vật lý, hóa học; tiếng Anh, hóa học; tiếng Anh, lịch sử; tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật… Còn lại những tổ hợp như địa lý, công nghệ; tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật; tin học, địa lý…, mỗi tổ hợp chỉ có 1 HS chọn.
Hay như ở Trường THPT Marie Curie (Q.3), với 1.147 HS thì có 774 HS chọn thi môn tiếng Anh, 666 HS chọn thi môn vật lý sau đó số HS chọn các môn giảm mạnh bắt đầu từ môn hóa học với 322 HS, môn địa lý 123 HS…; và môn có ít lựa chọn nhất là công nghệ với 13 HS.
Tương tự, ở Trường THPT Hùng Vương (Q.5), trong số 1.049 HS, khoảng 80% chọn môn tiếng Anh, sau đó đến các môn vật lý, hóa học, địa lý, sinh học… Hai môn có ít lựa chọn nhất vẫn là tin học và công nghệ.
Nhận định về thực tế chọn môn thi tốt nghiệp của HS, hầu hết lãnh đạo các trường đều cho rằng, với thế mạnh của TP.HCM, nên việc HS chọn thi môn tiếng Anh chiếm thế áp đảo là điều dễ hiểu.
CHỌN CÁC TỔ HỢP PHỔ BIẾN XÉT TUYỂN ĐH
Bên cạnh đó, thống kê các trường còn cho thấy ở những trường tốp đầu, HS chọn các môn khối tự nhiên; còn ở những trường tốp sau, HS lại thiên về chọn thi các môn xã hội.
Chẳng hạn tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), với 655 HS, có 456 em chọn thi môn tiếng Anh, sau đó giảm dần ở các môn. Tuy vậy, nếu chỉ khoảng vài chục HS chọn các môn khối xã hội thì ở trường này có 107 HS chọn thi giáo dục kinh tế và pháp luật, 146 HS chọn địa lý, 117 HS chọn lịch sử.
Nhìn nhận về việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp, ông Tô Lâm Viên Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), cho hay nhiều HS chọn môn tiếng Anh nhất vì đây là môn học bắt buộc, có nhiều lựa chọn ở các ngành học ĐH. Đặc biệt còn là thế mạnh của HS TP nên các em cũng tự tin khi lựa chọn môn. Tiếp đến là các môn vật lý, hóa học, những môn nằm trong các tổ hợp phổ biến khi xét tuyển ĐH.
Các môn xã hội được lựa chọn ít cũng nằm trong xu hướng chung của nhiều trường và TP.HCM những năm qua. Tin học là môn quá mới đối với thi tốt nghiệp nên số lượng lựa chọn cũng rất ít.
Ông Viễn Khoa cho hay qua trao đổi với phụ huynh và HS về tiêu chí lựa chọn thì HS chủ yếu sẽ lựa chọn những môn quen thuộc trong các tổ hợp môn xét tuyển ĐH (theo những năm trước đây) và những môn mà các em học tốt, có khả năng lấy điểm cao.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là một quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả tốt nghiệp cũng như hướng đi tiếp vào ĐH của HS. Việc chọn 2 môn để thi nên các em tập trung vào môn sở trường, môn mình có thế mạnh hoặc hứng thú, bởi điều này sẽ giúp việc học và ôn thi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tuy vậy, hiệu trưởng này nói thêm, hiện một số trường ĐH có những tổ hợp riêng nên các em cũng phải lưu tâm tham khảo để tăng cơ hội trúng tuyển.
Quan trọng nhất vẫn là "các em nên tìm hiểu kỹ và cân nhắc thận trọng khi chọn môn thi tốt nghiệp để có thể tối đa hóa cơ hội và tiềm năng của mình", ông Phú nhấn mạnh.
Tìm giải pháp tránh nguy cơ học sinh chọn các môn xã hội nhiều
Các kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2017 trở đi, khi cho phép HS lựa chọn giữa tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc khoa học xã hội (KHXH), HS đã có xu hướng chọn tổ hợp KHXH ngày càng nhiều và HS chọn KHTN ngày càng giảm.
Năm 2024, tỷ lệ HS chọn KHXH là 67%, trong khi KHTN chỉ 33%. Do các môn KHXH có tính chất học thuộc nhiều, dễ học, dễ thi điểm cao, còn các môn KHTN đòi hỏi tư duy logic, hệ thống mới và vận dụng mới đạt điểm cao. Đây là điều bất cập, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước, của từng địa phương. Đã có địa phương như Yên Bái có tới 90% HS chọn tổ hợp KHXH.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 có 4 môn thi, 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, 2 môn tự chọn trong các môn ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật là rất phù hợp nhằm cân bằng giữa tự nhiên và xã hội.
Tuy nhiên, việc giải quyết cân bằng, hài hòa giữa các môn xã hội, tự nhiên và công nghệ cần có giải pháp đồng bộ từ Bộ GD-ĐT đến cơ sở giáo dục. Nếu không, HS sẽ có xu hướng chọn môn xã hội ngày càng nhiều như giai đoạn vừa qua.
Trước hết, việc ra đề thi của Bộ GD-ĐT phải có sự cân bằng độ khó giữa các môn. Việc HS lựa chọn 2 môn thi năm 2025 sẽ chia làm 3 nhóm: nhóm 2 môn xã hội (ngoại ngữ, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm 2 môn tự nhiên - kỹ thuật (lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ) và nhóm kết hợp 1 môn xã hội, 1 môn tự nhiên - kỹ thuật.
Việc đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT nên theo hướng: đối sánh tổng hợp điểm thi, đối sánh tổng 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, đối sánh trung bình điểm thi các môn xã hội, các môn tự nhiên - kỹ thuật và nhóm kết hợp giữa xã hội và tự nhiên - kỹ thuật. Năm 2025 có tất cả 36 tổ hợp thi tốt nghiệp, nên việc đối sánh cũng khá phức tạp hơn. Vì vậy, đối sánh chỉ số nào Bộ GD-ĐT cần nêu rõ chỉ số và phương thức tính toán.
Các cơ sở giáo dục cần hướng nghiệp tốt cho HS để các em chọn môn thi phù hợp với khả năng, định hướng nghề nghiệp và nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước.
Dự thảo quy chế thi THPT xác định kết quả thi là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục. Giáo dục và đào tạo cần hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chứ không phải hướng đến một kỳ thi, như một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã nêu quan điểm. Vì vậy, việc lựa chọn môn thi phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp, chứ không vì lợi ích trước mắt là đỗ tốt nghiệp.
Hồ Sỹ Anh
Bình luận (0)