Xu hướng người trẻ viết về cha ông

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/11/2018 07:16 GMT+7

Theo nhà văn Trang Hạ, có thể tới đây sẽ bùng nổ trào lưu văn học mà ở đó người trẻ viết về thế hệ ông cha mình, với cách nhìn mới mẻ.

Thanh xuân là trào lưu “nóng”
Ngọc Nick M vẫn còn ngạc nhiên về thành công của cuốn sách 1987 ra mắt năm ngoái của mình và nhóm bạn cùng sinh năm 1987. Anh cũng là người điều phối thảo luận giữa các nhà văn Đức - VN về người trẻ và văn học ngày 6.11 do Viện Goethe tổ chức tại Manzi, Hà Nội.
Cuốn sách là lần đầu anh “chạm” vào văn học và không hình dung rõ về thể loại nào sẽ đắt khách hoặc không. “Tôi chỉ nghĩ là tôi 30 tuổi, tôi sinh vào năm 1987, một thời điểm xã hội VN đang từ cũ chuyển sang mới. Đơn giản chúng tôi viết về ký ức của mình trong 30 năm. Tôi nghĩ đó là một tập những bài viết ngắn. Có người chưa viết bao giờ, và có người đã viết văn, viết báo chuyên nghiệp. Tôi là người điều phối để câu chuyện xuyên suốt. Tôi cũng không ngờ nó ăn khách và bán được hơn vạn bản”, Ngọc Nick M chia sẻ.
Tôi dự đoán về tác phẩm trong văn học VN khoảng 20 năm tới sẽ bùng nổ về tự sự gia đình đa thế hệ hoặc những người trẻ viết lại các vấn đề lịch sử, hoặc tiểu thuyết trong bối cảnh lịch sử trước đây
Nhà văn Trang Hạ

Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, văn chương cho người trẻ, có người trẻ làm trung tâm luôn hút hàng. “Độc giả trẻ thực sự là một nhóm lớn, và có quyền lực”, ông Quý nói. Cùng với thứ văn chương mục đích hướng tới người trẻ này, theo ông Quý là các nhà văn trẻ, những cách chiêm nghiệm khá trẻ trung. Sự trưởng thành cũng là cái mà các nhà văn trẻ hay khai thác trong tác phẩm.
Về điểm này, nhà văn Fabian Hischmann (Đức) cũng thấy có tương đồng. Ông cho biết trong hai cuốn sách của mình đều có nói tới sự trưởng thành. “Trong đó, có một cuốn viết về nhân vật không muốn trưởng thành, rồi cuối cùng phát hiện ra mình bắt buộc phải trưởng thành”, ông nói.
Trong khi đó, nhà văn Maik Cây cho biết người trẻ cũng muốn viết để tái định vị danh tính của mình về thời thiếu niên. Trong đó, họ có thể phản kháng với những khuôn mẫu truyền thống của xã hội. Nhà văn cũng nhấn mạnh về xu hướng “bán thanh xuân” trong văn học. “Ở VN có một từ là thanh xuân, bán rất chạy. Nó cũng được xã hội phương Tây biến thành chủ đạo”, nhà văn nói.
Viết về cha mẹ, ông bà
Trong khi đó, dự báo về trào lưu văn học trong thời gian tới, nhà văn Trang Hạ cho biết văn học VN có một số khoảng trống, chẳng hạn văn học về những người di dân. Đó là lý do vì sao cuốn tiểu thuyết Dâu xứ lạ (viết về cô dâu Việt ở Đài Loan) của nữ nhà văn này trở thành đối tượng nghiên cứu văn học di dân tại VN. “Vì thế, tôi dự đoán về tác phẩm trong văn học VN khoảng 20 năm tới sẽ bùng nổ về tự sự gia đình đa thế hệ hoặc những người trẻ viết lại các vấn đề lịch sử, hoặc tiểu thuyết trong bối cảnh lịch sử trước đây. Đó là đề tài màu mỡ, nhân vật nhiều tính cách, tình tiết nhiều xung đột, giới hạn văn chương được mở rộng”, bà chia sẻ.
Trong khi đó, việc viết về cha mẹ, ông bà khác đi cũng đã manh nha tại VN. Nhà văn Trương Quý nhắc tới cuốn tự truyện của Lê Vân có tên Lê Vân - yêu và sống. Cuốn sách này đã gây sốt hơn 10 năm trước. “Cô viết về tình ái với 3 người chồng không chính thức. Cô phơi bày những điều không hay lắm về hôn nhân của bố mẹ mà theo truyền thống thường được giữ kín. Tôi có suy nghĩ nếu tự truyện có dấu vết một tiểu thuyết này nếu được giấu tên các nhân vật (vốn là người nổi tiếng) thì nó có ăn khách thế không?”, ông Quý nói.
Ông Thorsten Doenges, đại diện Viện Hội thảo chuyên đề Berlin, cho biết tại Đức cũng có nhiều tác phẩm mà con cháu viết về cha mẹ, ông bà. “Một dạo ở Đức, người ta chăm chú viết về thế hệ 1968 - thế hệ phản kháng bố mẹ là những người gây tội ác chiến tranh và sau đó vì xấu hổ nên phải im lặng. Nhưng không ngờ sau đó lại có một thế hệ khác. Đến lượt cháu viết về người ông, người bà đã mất, như viết về thời Phát xít, về thời 1968. Và giờ chúng tôi lại đón thế hệ trẻ viết về những điều đó với một cách nhìn khác.Họ có thời gian lùi của lịch sử, họ khách quan hơn, và có những đề tài chưa khai thác nhưng giờ lại được khai thác. Chẳng hạn, có đề tài sống ở nông thôn. Lâu rồi văn học Đức mới có đề tài này. Ở đó, gia đình họ sống tam đại đồng đường như ở châu Á. Tôi hạnh phúc khi nó lại trỗi dậy”, ông nói.
Chưa biết tương lai của văn học cho người trẻ, lấy người trẻ làm trung tâm sẽ ra sao. Tuy nhiên, theo ông Quý, có một sự thật là biên tập viên sách văn học giờ vất vả hơn trước.
“Họ phải đối diện với việc người viết và người đọc có thẩm quyền cao hơn. Biên tập viên trước như ông trùm, nhưng giờ họ phải tìm cách cộng sinh để lắng nghe tiếng nói khác nhau. Chưa kể biên tập viên còn bị sức ép về việc có đầu ra. Với văn xuôi thì rất đau đầu. Mình làm một năm mà báo cáo sản lượng tồi thì cũng nên nghỉ việc”, ông chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.