Xử lý 575 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, phạt 18,7 tỉ đồng

26/12/2022 18:18 GMT+7

Qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 575 vụ vi phạm quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 18,7 tỉ đồng.

Tại hội nghị tổng kết công tác ngành công thương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra chiều 26.12, tại Hà Nội, Bộ Công thương nhận định năm 2022 là "một năm đặc biệt khó khăn" đối với thị trường xăng dầu trong nước.

Giá xăng dầu trong nước tăng cao theo giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Nguồn cung xăng dầu hạn chế dẫn đến một số thời điểm xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở các địa phương.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên thanh tra một doanh nghiệp xăng dầu ở xã Yên Đổ (H.Phú Lương, Thái Nguyên)

Tổng cục Quản lý thị trường

Theo Bộ Công thương, sau khi phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, đến nay nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Trong công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã thành lập 2 đoàn thanh tra chuyên ngành, tiến hành thanh tra các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối xăng dầu; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin phản ánh, nắm bắt tình hình kinh doanh xăng dầu nhằm hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, găm hàng; cửa hàng xăng dầu giảm thời gian bán hàng so với niêm yết.

Theo thống kê, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện 2.650 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó xử lý 575 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 18,7 tỉ đồng.

Thông tin tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 19.12, Bộ Công thương đã ban hành các kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối xăng dầu. Theo kết luận này, Thanh tra Bộ Công thương đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm.

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã báo cáo kho xăng dầu chưa đúng với thực tế; cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị, chưa được cấp lại nhưng vẫn đăng ký trong hệ thống và tổ chức bán hàng là vi phạm các quy định trong Nghị định 99/2020/NĐ-CP.

Đáng lưu ý, trong kết luận này, Thanh tra Bộ Công thương nêu rõ, qua kiểm tra báo cáo của các thương nhân đầu mối hằng năm gửi về một số vụ, cục của Bộ Công thương đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu; việc duy trì hệ thống theo quy định.

Tuy nhiên, một số vụ, cục chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện hành vi vi phạm, kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.

Cũng theo Thanh tra Bộ Công thương, qua kiểm tra hồ sơ cấp phép của một số đơn vị, đoàn kiểm tra của Bộ Công thương do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.