Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có 61/281 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị tạm dừng hoạt động, trong đó 53 trung tâm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Riêng Hà Nội có 22/31 TTĐK với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Tại TP.HCM, 9 TTĐK với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng. Khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở TP.HCM, thậm chí có tháng chỉ đạt khoảng 30% ở cả hai TP trên.
Thông tin bước đầu về điều tra sai phạm tại các TTĐK, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, những sai phạm tại Cục Đăng kiểm VN, một số TTĐK là hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân. Trong một thời gian dài, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định, tuy nhiên việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải còn diễn ra rất tùy tiện, chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật. Chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân; đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.
Bắt nhiều lãnh đạo, nhân viên 2 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội
Ngày 8.3, lãnh đạo Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết Cơ quan CSĐT quận vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 9 cán bộ, nhân viên TTĐK xe cơ giới 29-10D đóng trên địa bàn, gồm: Vũ Mạnh Cường (giám đốc), Phạm Trung Hiếu (phó giám đốc) và 7 đăng kiểm viên Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Khoa Minh, Nguyễn Hùng Ngọc, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Tài Thanh Phong, Đặng Lê Quân, Dương Tuấn Dũng, để điều tra về tội nhận hối lộ.
Công an Q.Hoàng Mai xác định, từ cuối năm 2018 đến khoảng tháng 9.2022, bị can Vũ Mạnh Cường đã chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ khoảng 5 tỉ đồng của các chủ xe, tài xế để bỏ qua các lỗi đăng kiểm. Bình quân mỗi tháng, tùy theo chức vụ, vị trí công việc, các bị can được chia từ 2 - 10 triệu đồng. Cuối năm 2022, biết cơ quan chức năng điều tra sai phạm xảy ra tại các TTĐK, bị can Vũ Mạnh Cường đã chỉ đạo dừng việc nhận tiền và thống nhất việc nếu bị điều tra sẽ khai ngoài lương thì không nhận bất cứ khoản nào khác.
Ngày 8.3, Công an H.Đông Anh (Hà Nội) cho biết Cơ quan CSĐT huyện này cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 lãnh đạo, 4 đăng kiểm viên của TTĐK xe cơ giới 29-07D về tội nhận hối lộ. Các bị can gồm: Lê Thành Chung (giám đốc), Hoàng Tuấn Anh (phó giám đốc) và các đăng kiểm viên Đào Huy Chung, Lê Văn Ngọc, Đỗ Văn Huân, Nguyễn Văn Hùng.
Công an H.Đông Anh xác định, từ năm 2015 - 2022, các bị can Lê Thành Chung, Hoàng Tuấn Anh đã bàn bạc, thông đồng với cấp dưới, bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm xe cơ giới thông thường (lỗi về đèn, phanh, khí thải) và bỏ qua lỗi về trọng tải đối với việc hoán cải cẩu, để nhận tiền từ khách hàng 100.000 - 200.000 đồng/xe. Số tiền nhận hối lộ lên đến hàng trăm triệu đồng, được các bị can chia nhau theo tỷ lệ.
Theo Công an Hà Nội, trên địa bàn có 31 TTĐK, đã phát hiện tới 23 trung tâm mắc sai phạm, 1 trung tâm tự đóng cửa.
Trần Cường
Để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe. Thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng. Tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các TTĐK ở Hà Nội và TP.HCM, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm tham gia hỗ trợ.
Bộ Công an trong quá trình xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm; tiếp tục phân hóa các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp nhất là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động của các trung tâm kiểm định...
Bình luận (0)