Xử lý vi phạm cũng phải thần tốc

12/05/2021 04:40 GMT+7

Đợt dịch thứ 4 được cho là đợt bùng phát nguy hiểm, lan nhanh trên diện rộng với tỷ lệ nhiễm bệnh từ trong nước tăng cao.

Do vậy, Đảng và Nhà nước đều chỉ rõ: “Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả”. Đặc biệt, phải cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh.
Hơn thế, “chống dịch như chống giặc” là tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động bảo đảm cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta. Tức phải truy vết, khoanh vùng sớm để tầm soát dịch bệnh. Đồng thời, “trong dịch có giặc”, đó là những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly; không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người, tạm dừng việc kinh doanh các loại hình dịch vụ… làm lây lan dịch bệnh hoặc phát sinh chi phí phòng chống dịch; đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả, buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng dân, gây hoang mang trong dân, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Vì vậy, để công tác phòng chống dịch đạt tối ưu, như tư tưởng xuyên suốt “chống dịch như chống giặc” thì mỗi người dân như một người lính, ngoài tuân thủ 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, không tụ tập, khoảng cách), còn phải nâng tầm một bước là bao quát, nhận diện xung quanh để kịp thời ứng phó. Cụ thể, trong quá trình đi lại, công tác, sinh sống tại địa phương, khi phát hiện có người lạ, hoặc người có dấu hiệu vi phạm phòng chống dịch thì chủ động báo cho cơ quan thẩm quyền địa phương.
Đối với hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch, quy định pháp luật đã có, từ xử phạt hành chính cao nhất là 40 triệu đồng đến xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất 12 hoặc 15 năm tù, tùy hành vi phạm tội. Dẫu biết thời gian qua đã có trường hợp xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định về phòng chống dịch, tuy nhiên, những vụ việc bị xử lý như trên vẫn còn ít so với các vụ vi phạm hoặc xử lý chưa kịp thời.
Vì vậy, chính cơ quan thẩm quyền khi phát hiện sự việc phải xử lý quyết liệt, nghiêm và nhanh, kịp thời, vừa đủ sức răn đe, vừa tạo hiệu ứng xã hội. Còn không, tâm lý người dân sẽ suy nghĩ rằng “có vi phạm cùng lắm là nhắc nhở”, từ đó tạo sự xuề xòa, coi thường pháp luật.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; làm lây lan dịch bệnh cũng rất quan trọng. Bởi, nhiều bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nếu chưa tuyên truyền mà xử phạt thì chưa đạt mục đích giáo dục, tuyên truyền, phổ biến.
Đã thần tốc truy vết thì cũng cần phải thần tốc xử lý hành vi vi phạm, để cùng tạo hiệu ứng, đạt kết quả tốt nhất trong phòng chống dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.