Xuân sang, nốt lặng trong ngày cuối năm để nhìn lại chính mình

21/01/2023 21:35 GMT+7

Dạo xe xuống phố xem hoa, xem phố phường tết đang về tràn ngập, dù vui vẻ phấn chấn nhưng lòng tôi bỗng rưng rưng khi nhìn thấy những người đang ngày ngày tất tả mưu sinh trên đường phố.

Mong thời gian bước đi chầm chậm

Những ngày này, không khí tết đã bắt đầu tràn về. Xôn xao từ trong nhà ngoài ngõ, nhiều người đã bàn nhau về việc đón năm mới. Chẳng còn bao lâu nữa là năm con mèo sẽ tới. Nên ai nấy đều hân hoan, đặc biệt là đám trẻ, đám choai choai. Tiếng nói cười rộn ràng của chúng nó khi nghĩ đến tết đã thể hiện hết niềm vui sướng. Và cũng thể hiện rằng, tết mang về rất nhiều niềm vui.

Nỗi lo cơm áo thường trực trong mỗi chúng ta

NGUYỄN NHẬT THANH

Nhưng đó chỉ là lớp màng bọc bên ngoài mà thôi. Tôi đã nghe không ít tiếng thở dài, khi trên tường cuốn lịch mới đã được treo lên. Những ngày cuối năm, tôi cũng thích đi dạo phố. Nhưng đó không phải là để thưởng ngoạn giải khuây. Bởi mỗi lần cuối năm xuống phố, tôi lại thấy lòng mình nặng trĩu. Nhìn những bà cụ già, những người tật nguyền đang đứng dưới ngã tư, gồng mình trước cái rét buốt của ngọn gió tàn đông, tay chìa ra những xấp vé số dày cồm cộm, vẫy mời thiên hạ mua giúp vài tờ. Cái vẫy tay như đang tìm lấy một chiếc phao cứu sinh cho ngày tết. Những chị bán hàng rong vẫn đạp xe trong khuya với tiếng rao lanh lảnh… Rồi nhìn những người công nhân quét đường, tôi chợt lên những suy nghĩ.

Một góc nhỏ vậy thôi, mà lại là một sự đối lập rất lớn với những gì mà ta đang chứng kiến. Có khi bạn chẳng thấy được nó, bởi bạn đang theo số đông. Bạn đang men theo lối vui của ngày tết. Nhưng khi bạn “tỉnh ngộ”, bạn sẽ thấy, đó là sự đối lập rất lớn. Giữa những người đang hân hoan chào đón năm mới, cũng có những người đang mong thời gian bước đi chầm chậm. Chỉ để họ có thời gian kiếm thêm, đủ lo tươm tất trong ba ngày tết.

Giữa những người đang hân hoan chào đón năm mới, cũng có những người đang mong thời gian bước đi chầm chậm

NGUYỄN NHẬT THANH

Dừng xe khi đèn đỏ, tôi nhìn thấy rõ ánh nhìn xa xăm của bà cụ bán vé số, của những chị bán hàng rong. Họ nhìn gia đình người ta vui vẻ chở nhau đi sắm tết. Nhìn họ đang chở tết về nhà. Trong khi bản thân bà, bản thân chị vẫn đang tất tả mưu sinh. Ánh mắt ấy là sự tủi thân và cũng là mong ước có những ngày được đón tết như vậy. Họ cũng là người, họ cũng có gia đình.

Tôi tự hỏi, có bao giờ bà cụ kia hay chị nọ đón một cái tết đúng nghĩa hay chưa? Tôi cúi đầu rồi nhìn sang phía họ một lần nữa, trước khi cột đèn giao thông đếm ngược những giây đèn đỏ cuối cùng.

Bùi ngùi khi nghe tiếng chuông chùa

Những ngày cuối năm, đại lộ chẳng bao giờ ngủ. Đường phố có khi chẳng còn chỗ cho mình chen chân. Phố xá nô nức đón tết, nối niềm vui đến tôi, tôi quên cả giờ giấc. Vì chợ hoa tết đổ vàng khắp các đường, người ta thi nhau đi “tuyển” hoa về chơi tết.

Người tràn xuống đường như thác, phố xá nào mà ngủ cho yên. Tôi là một người chuyên ngủ sớm. Nhưng những ngày ấy, tôi cũng chả biết buồn ngủ. Nhìn phố xá cứ như chỉ mới vào đêm. Ấy vậy mà ngó qua đồng hồ đã thấy gần nửa đêm rồi. Và cái không khí náo nức của mùa xuân cứ thưa dần, thưa dần, từ đại lộ về đến con hẻm nhà tôi. Phố chỉ còn những ngọn đèn vàng vọt trải mình trên con hẻm.

Có nhiều người có khái niệm về tết nhưng chưa bao giờ được sống trong ngày tết

NGUYỄN NHẬT THANH

Rẽ vào ngõ nhà mình, tôi vẫn nghe như có tiếng ai quét sân. Có chăng là nhà nào đó đang dọn dẹp? Rồi từ trong một con hẻm gần đó, tôi nhác thấy một người đi ra đẩy theo chiếc xe gì đó. À, ra là chị lao công. Chị đẩy một chiếc xe đầy nhóc những là rác, trên tay thủ sẵn một chiếc chổi tre. Vũ khí của chị đó, cần câu cơm của chị đó.

Tôi mời chị một ổ bánh mì tôi dành để ăn tối. Chị ăn ngon lành. Chị xã giao với tôi bằng những câu hỏi về chuyện tết nhất. Và chị xúc động kể câu chuyện tết của mình. Miếng bánh mì làm chị nghẹn hay những cảm xúc làm cho chị không thể kể những câu chuyện một các trôi chảy? Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng, từ ngày đi làm sạch phố phường, chị đã không còn biết tết là gì. Chưa bao giờ chị được cùng con mình đón tết một cách đúng nghĩa.

Đêm giao thừa, người người nhà nhà đón giao thừa bên mâm cúng. Tết đã có mặt trên quê hương này. Người ta bước vào kỳ nghỉ tết, chị vẫn cùng với đồng nghiệp sống như những ngày thường nhật, không khác một mảy may. Khác chăng là công việc nhiều hơn mà thôi. Khác chăng là sự bùi ngùi khi nghe tiếng chuông chùa đâu đó vang lên. Khi phố phường chìm sâu vào giấc ngủ, chị mới chia tay đồng nghiệp và lầm lũi đi về. Thở phào sau một ngày làm việc với công suất gấp mấy lần ngày thường.

Tôi lại ngó qua đồng hồ, ngày đã đi được hơn một tiếng. Ngó qua chị, tôi thấy chị giống như kim giây trong chiếc đồng hồ của tôi. Có những chiếc bánh răng đang chạy, kéo chị phải chạy theo và không thể dừng một giây phút nào. Mà chiếc bánh răng to nhất vẫn là cơm áo. Và những người đang mưu sinh trên phố kia, họ cũng vì thế cả. Nỗi lo cơm áo thường trực trong mỗi chúng ta. Nhưng mấy ai như họ? Khi tết cận kề, ta vui, họ buồn. Khi tết cận kề, ta vô tư lự còn họ thì ẩn chứa muôn vàn nỗi lo toan.

Khi phố phường chìm sâu vào giấc ngủ, chị lao công mới chia tay đồng nghiệp và lầm lũi đi về

NGUYỄN NHẬT THANH

Mỗi lần tết đến, là một cơ hội để ta nhìn lại cuộc đời

Tôi thương họ hơn, khi chợt nghĩ rằng, họ cũng như mẹ tôi, bà tôi, anh chị tôi,… nhưng họ lại đang ở một “cực” khác rồi. Và nhìn thấy những người ấy, tôi lại thấy trân quý thêm những giây phút được đón tết cùng gia đình. Có thể đối với ta là điều bình thường, nhưng với họ lại là thứ gì đó xa xỉ như nồi thịt kho ngày tết.

Và tôi bỗng chợt nghĩ cho riêng mình rằng, tết không phải là lúc để ta vui chơi, hay nghỉ ngơi. Tết cũng không đơn thuần chỉ là ngày mà chúng ta được đoàn tụ với gia đình. Mà mỗi lần tết đến, là một cơ hội để ta nhìn lại cuộc đời. Nhìn xem ta có những gì, tự dạy mình cách hài lòng với cuộc sống. Để rồi chính từ đó, ta sẽ đồng cảm với những người có khái niệm về tết nhưng chưa bao giờ được sống trong ngày tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.