Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành (Bộ TT-TT), cho biết ngành xuất bản đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thể phát hành 500 triệu bản sách/năm, đạt mốc doanh thu 4.600 tỉ đồng. Khi đó, VN sẽ lọt vào nhóm quốc gia có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Thông tin được ông Nguyễn Nguyên đưa ra tại hội thảo “Xuất bản VN 70 năm xây dựng và phát triển”, tổ chức tại Hà Nội ngày 28.9.
Phòng phân phối báo của Nhà in Hồng Phong tại Việt Bắc năm 1948 |
tư liệu triển lãm |
Ông Nguyễn Nguyên cũng đề xuất 8 giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu trên, gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động xuất bản; ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với hình thức xã hội hóa; phát triển mạng lưới phát hành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản; đổi mới chương trình đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ, triển lãm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho rằng: “Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới”.
Bên cạnh những ý kiến về phát triển ngành xuất bản, hội thảo cũng có ý kiến nhấn vào thúc đẩy văn hóa đọc. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), nhắc tới Nhật Bản với luật Chấn hưng văn hóa đọc và luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em. Điều này nhằm giúp trẻ em và người lớn được nâng cao dân trí, xây dựng nhân cách một cách bình đẳng. Bà Ngà cũng nhấn mạnh Nhật Bản hiện là quốc gia có ngành xuất bản đứng trong top đầu thế giới. Việc đọc sách ở Trung Quốc cũng đã được luật hóa, từ “chỉ tiêu mềm” về xây dựng văn hóa thành “chỉ tiêu cứng” và được đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH. Theo số liệu của Beijing Open Book, từ năm 2015 - 2019, thị trường sách Trung Quốc liên tục tăng trưởng hơn 10%/năm.
Trong khuôn khổ hội thảo, một triển lãm sách và tư liệu liên quan đến 70 năm ngành xuất bản cũng được tổ chức. Trong đó, công chúng được ngắm những tác phẩm quan trọng như sách báo kháng chiến; sách về văn kiện Đảng; sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách về CNXH và con đường đi lên CNXH ở VN… Những bức ảnh tư liệu về ngành xuất bản thời kỳ đầu cũng được trưng bày.
Bình luận (0)