Chính sách trợ giá của chính phủ Thái Lan ngày càng bị phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ những nhà xuất khẩu mà cả các nhà nghiên cứu. Gạo ứ đọng, xuất khẩu giảm làm cả doanh nghiệp và chính phủ đều lỗ nặng.
|
Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, tính đến cuối tháng 7.2012, nước này xuất khẩu được khoảng 3,78 triệu tấn gạo, so với cùng kỳ năm trước giảm gần 50%. Đây là dấu hiệu báo động cho ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan. Hơn 30 năm nay chưa khi nào thành tích xuất khẩu gạo của nước này lại tệ như thế (năm 2011, Thái Lan xuất kỷ lục 11 triệu tấn). Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan Nipon Poapongsakorn giải thích gạo nước này mất khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giá, từ khi có chính sách trợ giá. Tuy nhiên, theo ông Nipon, không vì thế mà chính phủ nên đẩy mạnh xuất khẩu bởi càng xuất càng lỗ trong khi giá gạo của chính phủ cao hơn giá thị trường. Theo tính toán của ông, Thái Lan sẽ lỗ 80-100 tỉ baht (56.000-70.000 tỉ đồng) nếu bán hết lượng gạo trong kho dự trữ 10,6 triệu tấn hiện nay, đó là chưa tính đến chi phí trữ gạo gần 1 năm nay khoảng 260 tỉ baht (175.000 tỉ đồng).
|
Ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết nửa đầu năm 2012, giá gạo nước này tăng 19% nhưng tổng giá trị xuất khẩu lại giảm 33%. “Tưởng rằng chính sách trợ giá có lợi nhưng thực tế thì chính phủ lỗ mà những nhà xuất khẩu như chúng tôi cũng thiệt”, ông Vichai nói với Thanh Niên. Ông cho biết vừa qua, chính phủ xuất 3 triệu tấn gạo từ kho dự trữ bán cho Indonesia theo chương trình hợp đồng chính phủ với giá thấp hơn giá mua vào từ người nông dân. Giao dịch này bị chỉ trích là mờ ám, thậm chí là tham nhũng. “Vấn đề của chúng tôi bây giờ không phải là số 1 hay 2 thế giới mà là hạn chế lỗ”, ông Vichai chua chát. Theo ông, gần như tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước này đều không vượt qua thử thách này và đều lỗ. Còn nông dân, trước mắt được hưởng lợi nhưng về lâu dài chính sách trợ giá sẽ có tác dụng ngược, vì gạo sản xuất ra nhiều mà không xuất được. Hiện 50% lượng gạo sản xuất hằng năm ở Thái Lan dành cho xuất khẩu.
Các nhà nghiên cứu và cả doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng chính phủ nên dừng chính sách này hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom trong chương trình đối thoại với người dân trên truyền hình hồi cuối tuần qua, cho biết chính sách trợ giá vẫn tiếp diễn trong mùa tới. “Mục đích của chính phủ Thái Lan không phải là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới mà cải thiện mức sống của người nông dân trồng lúa”, ông phát biểu.
Thái Lan còn có ý định “xuất khẩu” chính sách này sang Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Cũng trong chương trình đối thoại với người dân, ông Boonsong cho biết đang thực hiện chương trình phát triển liên minh với các nước nói trên, trước mắt xây dựng tiêu chuẩn gạo ASEAN, kế đến hình thành giá gạo của thị trường ASEAN. Ông bộ trưởng tự tin nói rằng điều đó tốt cho nông dân trồng lúa của các nước thành viên, đồng thời cũng khẳng định kế hoạch đó khả thi bởi Thái Lan cùng với 4 nước nói trên chiếm đến 60% lượng gạo cung cấp toàn cầu.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Nhật Bản và Hàn Quốc
>> Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro về thanh toán
>> Xuất khẩu gạo giảm mạnh
>> Xuất khẩu gạo có thể đạt 4 tỉ USD
>> Chỉ 49/210 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo
>> Tăng giá sàn xuất khẩu gạo
Bình luận (0)