8 tháng, xuất siêu hơn 68 tỉ USD
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong 8 tháng tính từ đầu năm nay, VN bán hàng sang Mỹ thu về khoảng 77,9 tỉ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 là giảm 19%). Như vậy, tính bình quân mỗi tháng người Mỹ chi hơn 9,7 tỉ USD để mua hàng hóa từ VN. Ở chiều ngược lại, VN nhập khẩu từ Mỹ trong 8 tháng qua khoảng 9,8 tỉ USD, tăng 5,3% so cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với đà tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, thương mại hai chiều VN - Mỹ đã đạt gần 87,7 tỉ USD trong 8 tháng. Tổng cục Thống kê cho biết 8 tháng năm nay xuất siêu sang Mỹ ước đạt 68,1 tỉ USD, tăng 28,6% so cùng kỳ.
Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan (số liệu chi tiết công bố đến hết tháng 7), các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất chủ yếu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,19 tỉ USD, tăng 50,8% (tương ứng tăng 4,45 tỉ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 11,15 tỉ USD, tăng 19,9% (tương ứng tăng 1,85 tỉ USD); hàng dệt may đạt 8,93 tỉ USD, tăng 5,5% (tương ứng tăng 468 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,49 tỉ USD, tăng 31,9% (tương ứng tăng 1,57 tỉ USD); giày dép các loại đạt 4,72 tỉ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 622 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương nhận định, hàng hóa của VN ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Mỹ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp (DN) VN. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa VN gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng.
Ngoài những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hay dệt may, da giày tăng mạnh thì xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng hậu dịch Covid-19 cũng có dấu hiệu phục hồi tích cực. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng tăng 9% so cùng kỳ, đạt 6,3 tỉ USD. Trong đó, sự phục hồi mạnh mẽ được ghi nhận tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU.
Đại diện VASEP cho biết ngoài nhu cầu thị trường tăng, chương trình đấu thầu mở rộng của Bộ Nông nghiệp Mỹ tạo cơ hội lớn cho cá thịt trắng như cá tra VN rộng đường vào thị trường lớn này. Bên cạnh đó, việc điều tra chống bán phá giá đối với cá tra Việt từ Bộ Thương mại Mỹ cũng mang lại tin vui khi được xác định DN Việt không vi phạm, giúp tránh được thuế chống bán phá giá. Đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng cho sản phẩm cá tra Việt sau 2 thập niên đối diện "án treo" chống bán phá giá.
Đầu tư qua Mỹ, tại sao không?
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), nhận xét: Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước VN - Mỹ đã tăng gấp 4 lần, từ hơn 29 tỉ USD năm 2013 lên gần 111 tỉ USD vào năm 2023. Cho dù vào những thời điểm xuất nhập khẩu gặp khó khăn, sụt giảm thì VN vẫn xuất siêu sang thị trường này.
"Việc VN xuất siêu sang thị trường Mỹ hay một số thị trường tại EU cũng là điều dễ hiểu do hoạt động của hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Người Mỹ mạnh về vốn đầu tư, công nghệ sẽ đưa đến các quốc gia đang có lợi thế về sản xuất. Còn những mặt hàng như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản, điện thoại, vi tính, nội thất… Mỹ không có nhu cầu đẩy mạnh sản xuất, sẽ mua từ các nước khác, trong đó có VN. Tuy nhiên, dù hàng nông thủy sản VN xuất sang Mỹ số lượng lớn, kim ngạch đang có chiều hướng tăng mạnh, song đa số là nguyên liệu thô, đóng bao lớn và không nhãn mác. DN tại Mỹ nhập khẩu về chế biến sâu, đóng nhãn mác của họ, như vậy giá trị gia tăng từ hàng hóa của mình sẽ vô cùng thấp. Khi hàm lượng gia tăng VN hưởng không cao, chúng ta sẽ rơi vào bẫy "đi bán hàng hộ" rất gần. Đó là điều hết sức lưu tâm", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, người Mỹ tăng mua các sản phẩm như pin mặt trời, thép, linh kiện điện tử từ VN. Điều này khiến hàng hóa sang Mỹ ngày càng phong phú hơn nhưng đây cũng là nhóm hàng dễ đối diện nguy cơ bị áp thuế phạt. Trước tình trạng xuất siêu sang Mỹ gia tăng, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng lưu ý 3 điểm cần chú ý. Đầu tiên, cần phải có cơ chế phòng ngừa, cảnh báo thường xuyên. Đến nay, Mỹ vẫn chưa coi VN có nền kinh tế thị trường, nên việc có thể đưa một hay một nhóm hàng hóa từ VN sang để điều tra bất kỳ lúc nào là dễ xảy ra.
Thứ hai, xuất khẩu của VN còn phụ thuộc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc là thị trường có nhiều nhóm hàng đang bị Mỹ đánh thuế rất lớn. Thứ ba, nên có chính sách khuyến khích đầu tư vào nước Mỹ. Một nhà đầu tư VN có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mỹ, sản xuất hàng hóa và bán tại chỗ hoặc xuất đi các nước cũng dễ hơn và cơ hội mở rộng thị trường lớn hơn. "Mỹ có chính sách thu hút đầu tư rất tốt, tại sao không nghĩ đến việc chúng ta có thể nuôi cá, trồng cây tại vùng đất đó?", ông Lạng đặt vấn đề.
Cần cải cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu, có giải pháp nâng cao năng lực và chất lượng hạ tầng logistics giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa VN tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, cần có chương trình đào tạo, hỗ trợ DN trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của Mỹ đề ra, cũng là tiêu chuẩn quốc tế.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Bình luận (0)