Xuất siêu tỉ USD ngay tháng đầu năm

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/02/2021 06:20 GMT+7

Sau khi lập kỷ lục xuất siêu hơn 19 tỉ USD trong năm xảy ra đại dịch Covid-19 , tháng đầu năm 2021, cả nước tiếp tục xuất siêu ước hơn 1,3 tỉ USD.

Số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, hết tháng 1.2021, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu đạt 27,7 tỉ USD (tăng hơn 50% so cùng kỳ năm ngoái) và nhập khẩu đạt 26,4 tỉ USD (tăng 41% so cùng kỳ năm ngoái). Như vậy, thặng dư thương mại trong tháng đầu năm đạt hơn 1,3 tỉ USD, trong khi so cùng kỳ năm ngoái, cả nước nhập siêu 276 triệu USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Tín hiệu sáng trong tình hình Covid-19 còn phức tạp

Cũng theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tháng đầu năm tăng cao chủ yếu do Samsung tăng xuất khẩu điện thoại di động phiên bản mới ra rơi vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Trong tháng 1, có 6 mặt hàng xuất khẩu thu về trên tỉ USD: điện thoại và linh kiện (5,8 tỉ USD), điện tử, máy tính và linh kiện (4 tỉ USD), máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (3,2 tỉ USD), dệt may (2,6 tỉ USD), giày dép (1,8 tỉ USD), gỗ và sản phẩm từ gỗ (1,3 tỉ USD). Ở chiều ngược lại, 4 nhóm hàng nhập khẩu có trị giá tỉ USD gồm: điện tử, máy tính và linh kiện (5,5 tỉ USD), máy móc và thiết bị dụng cụ (4,1 tỉ USD), điện thoại và linh kiện (2,6 tỉ USD) và mặt hàng vải (1,2 tỉ USD).
Thống kê sơ bộ cho thấy, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều có kim ngạch tăng mạnh. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch tháng 1.2021 đạt 7,5 tỉ USD, tăng hơn 57% so cùng kỳ năm ngoái. Thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc với kim ngạch 5,8 tỉ USD, tăng gần 112%; thị trường thứ 3 là EU đạt 2,8 tỉ USD, tăng gần 15%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỉ USD, tăng gần 40%; Nhật Bản 1,9 tỉ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc 1,7 tỉ USD, tăng hơn 24%.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét, đứng về phương diện thương mại thì rõ ràng xuất siêu là quá tốt cho một nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Thứ hai, xuất khẩu tăng, lượng ngoại tệ vào Việt Nam lớn hơn khiến sức ép giảm giá đồng Việt Nam cũng giảm đi. Như vậy, công tác điều hành tiền tệ cũng “dễ” hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái vì một năm đại dịch. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bổ sung, trong khi một số nền kinh tế trên thế giới đang chững lại lo đối phó với đại dịch, Việt Nam tuy đã xuất hiện tái dịch trong tuần qua, song nhìn chung hoạt động thương mại quốc tế đã có dấu hiệu phục hồi tốt, theo đà tăng trưởng của năm cũ, trong tháng đầu năm, chúng ta tiếp tục tăng trưởng dương. “Một số mặt hàng mà Việt Nam đang phụ thuộc phải nhập nguyên liệu để sản xuất từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU… đều tăng. Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất của Việt Nam đã phần nào hồi phục và đang trên đà tăng trưởng tốt”, vị này nhận xét.
Xuất siêu tỉ USD  ngay tháng đầu năm

Doanh nghiệp nội cần cải tiến mạnh mẽ hơn

Thế nhưng, các chuyên gia này cũng cảnh báo rằng một nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất siêu chưa phải là hay, đặc biệt với hoàn cảnh Việt Nam. Nhìn vào rổ kim ngạch xuất nhập khẩu, thì doanh nghiệp (DN) trong nước chủ yếu vẫn nhập siêu rất lớn. Trong tháng đầu năm, DN nước ngoài (FDI) xuất siêu lên đến 3,1 tỉ USD, trong khi DN trong nước lại nhập siêu đến 1,8 tỉ USD. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói thẳng: “Xuất siêu của Việt Nam khác nhiều quốc gia trên thế giới nên cần có sự phân tích thấu đáo. Chẳng hạn, không chỉ có tháng đầu năm nay mà liên tục nhiều năm qua, trong khi xuất siêu của khối DN FDI tăng mạnh thì DN nội địa vẫn luôn nhập siêu, hiếm khi có xuất siêu. Tăng trưởng bền vững phải dựa vào nội lực. Hiện khu vực trong nước còn yếu và chưa được cải thiện một cách mạnh mẽ như kỳ vọng khi chúng ta tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua”.
Bổ sung, chuyên gia Ngô Trí Long nói, xuất siêu dựa vào khối ngoại, chứng tỏ khối nội chưa tăng tốc nổi trong sân chơi thương mại toàn cầu. Chúng ta vẫn đang “quẩn quanh” với gia công và trông chờ vào thị trường nội địa. Trong đợt đại dịch, Việt Nam đã “ghi điểm” với thế giới nhờ nỗ lực khống chế dịch thành công, mang lại môi trường sống, làm việc khá an toàn cho người dân. Song song đó, với loạt các FTA Việt Nam ký kết và đã có hiệu lực, một số mặt hàng xuất khẩu tăng đã chứng tỏ khả năng tận dụng FTA khá tốt song chưa thấy rõ sự nổi trội.
“Quan sát một số DN trong nước tôi thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dường như vẫn đang ở ngoài cửa nhà máy của rất nhiều DN nội. Không phải họ yếu vốn, không phải họ không có cơ hội tiếp cận công nghệ, không phải họ thiếu nhân lực giỏi trầm trọng… mà là họ coi nhẹ sự thay đổi. Lý do thị trường trong nước mà các DN này khai thác vẫn đang khá tốt. Thậm chí trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, người tiêu dùng lại có xu hướng ủng hộ hàng nội khiến không ít DN lơ là sự cải tiến và thay đổi công nghệ”, PGS-TS Ngô Trí Long nhận xét và bổ sung, chúng ta không thể nói mãi rằng giá trị mà Việt Nam hưởng được từ xuất khẩu chiếc điện thoại Samsung còn rất thấp do chúng ta chỉ làm công đoạn lắp ráp. Thực tế hãng này và một số hãng công nghệ khác như Intel đang đầu tư rất mạnh trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Việt Nam. Đó là tín hiệu tốt, nhưng nếu DN nội địa lơ là cải tiến, không chỉ chúng ta phụ thuộc vào xuất siêu từ khối FDI mà ngay chính thị trường nội địa, chúng ta cũng sẽ bị áp đảo bởi hàng ngoại khi hội nhập sâu và thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng đều về 0% chỉ trong vòng 3 - 7 năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.